Ông Tôn cho rằng Nhật Bản đã liên kết với các nước còn lại trong G7 (Anh, Canada, Đức, Mỹ, Pháp và Ý) “nhằm bôi nhọ và công kích Trung Quốc, can thiệp nghiêm trọng vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc, vi phạm những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế và tinh thần của 4 văn kiện chính trị giữa hai nước”, theo Reuters.
Đáp lại, đại sứ Tarumi nói việc G7 nhắc đến những lo ngại chung là điều bình thường và sẽ tiếp tục làm vậy nếu Trung Quốc chưa có biện pháp tích cực để thay đổi hành vi và giải quyết những lo ngại đó.
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno ngày 22.5 nhấn mạnh chính sách của Nhật Bản về Trung Quốc vẫn nhất quán và Tokyo sẽ lên tiếng liên quan vấn đề cần thiết nhưng cũng hợp tác trong các vấn đề chung.
Theo tuyên bố chung của G7, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh việc xây dựng mối quan hệ ổn định với Trung Quốc, đối thoại thẳng thắn nhưng cũng sẵn sàng bày tỏ lo ngại trực tiếp.
Các nước khẳng định hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề toàn cầu có lợi ích chung là điều cần thiết và cách tiếp cận của G7 không nhằm cản trở sự phát triển của nước này.
Tuy nhiên, tuyên bố chung cũng nhắc đến những lo ngại về hành vi tiêu cực trong lĩnh vực kinh tế, về tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông, vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan.
Thứ trưởng Tôn Vệ Đông nói Đài Loan là “cốt lõi của những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc” và là “lằn ranh đỏ không được vượt qua”. Ông tuyên bố vấn đề nhân quyền là chuyện nội bộ của Trung Quốc và không lực lượng bên ngoài nào được phép đưa ra phát biểu thiếu trách nhiệm hay cố tình can thiệp.
Trong diễn biến liên quan, Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh cũng ra tuyên bố “kêu gọi London không phỉ báng và bôi nhọ Bắc Kinh” để tránh gây tổn hại thêm mối quan hệ song phương. Tuyên bố được đưa ra sau khi Thủ tướng Anh Rishi Sunak gọi Trung Quốc là thách thức lớn nhất đối với an ninh và thịnh vượng của thế giới.
Bình luận (0)