Trung Quốc trong tham vọng soán ngôi cường quốc cáp ngầm của Mỹ

16/03/2021 09:45 GMT+7

Trung Quốc đang nổi lên nhanh chóng như một nhà cung cấp cáp quang ngầm dưới biển quan trọng của thế giới, đồng thời đe dọa vị thế dẫn đầu của Mỹ.

Báo cáo mới mang tên Securing the Subsea Network: A Primer for Policymakers (tạm dịch: Bảo mật mạng lưới cáp quang ngầm: Cơ sở chính cho giới hoạch định chính sách) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ) cho hay Trung Quốc đang nổi lên nhanh chóng như một trong những nhà cung cấp cáp ngầm quan trọng của thế giới, đồng thời đe dọa vị trí dẫn đầu cũng như nhiều lợi ích kinh tế và chiến lược của Mỹ.
Theo CSIS, 95% thông tin liên lạc quốc tế, bao gồm các giao dịch tài chính, thư tín... và cả liên lạc quân sự ngày nay vẫn được thực hiện thông qua các tuyến cáp quang ngầm dưới biển. Bên cạnh đó, quá trình đổi mới và phổ biến công nghệ, cùng sự lan rộng của mạng 5G sẽ thúc đẩy nhu cầu băng thông toàn cầu tăng trưởng hơn nữa trong vài năm tới.
Hiện nay, dù Mỹ vẫn là trung tâm hàng đầu thế giới về lưu lượng truy cập internet, nhưng vị thế này đang dần mất đi bởi các nhà cung cấp cáp quang hàng đầu của nước này tỏ ra hụt hơi ở nhiều thị trường mới nổi, tiêu biểu là châu Á, do vấp phải rào cản pháp lý cùng sự cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc

Trong sự phát triển dẫn đầu của châu Á về tốc độ tăng trưởng băng thông toàn cầu với mức 42%/năm (theo số liệu từ Báo cáo kinh tế kỹ thuật số năm 2019, có tên gốc: Digital Economy Report 2019, do Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố hồi tháng 9.2019), đặc khu Hồng Kông của Trung Quốc là một trong những nơi hưởng lợi nhiều nhất. Trước năm 2020, Hồng Kông đứng thứ 6 toàn cầu về mức độ tăng trưởng băng thông quốc tế. Tuy nhiên, sự kiện chính quyền Bắc Kinh thông qua luật an ninh dành cho đặc khu này (gọi tắt là Luật an ninh quốc gia Hồng Kông) vào tháng 6.2020, với nhiều điều khoản gây tranh cãi, đã khiến giới đầu tư công nghệ, trong đó có hạ tầng viễn thông, phải chùn chân.
Trong khi đó, Huawei Marine (một công ty con của Tập đoàn Huawei), với tên gọi mới là “HMN Technologies” sau vụ sang nhượng phần lớn cổ cho Tập đoàn Hengtong (Trung Quốc) hồi năm ngoái, hiện đang nổi lên như một nhà cung cấp cáp quang ngầm hàng đầu thế giới.
Sau hơn 10 năm thành lập, đến nay, Huawei Marine đã hoàn thành hơn 100 dự án, trong đó nổi bật là tuyến cáp quang biển xuyên nam Đại Tây Dương (nối Brazil với Cameroon) vào tháng 9.2019. Đến năm 2020, khi về tay Hengtong - một tập đoàn tư nhân có lịch sử hợp tác chặt chẽ với quân đội Trung Quốc, công ty này chính thức có tên trong nhóm 4 nhà cung cấp cáp quang ngầm lớn nhất thế giới.
Hiện, dự án quan trọng hàng đầu của HMN Technologies là hệ thống cáp PEACE trải dài 12.000 km, kết nối châu Á, châu Phi và châu Âu với điểm cuối là Pakistan. Đây là tuyến cáp được Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) tài trợ, sau khi hoàn thành, sẽ kết nối Pakistan và Djibouti - quốc gia đã được Trung Quốc chọn đặt căn cứ hải quân đầu tiên ở nước ngoài.

Chiến lược của Mỹ và các nước

Chuỗi hoạt động phía Trung Quốc đã khiến chính phủ Mỹ phản ứng. Vào tháng 7.2020, nhóm “Bộ tứ viễn thông” của Mỹ (Team Telecom) gồm Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh Nội địa và Cục Điều tra Liên bang đã khuyến nghị Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) từ chối đề xuất kết nối cáp quang giữa Mỹ và Hồng Kông, với lý do rủi ro an toàn thông tin.
Trên bình diện quốc tế, chính phủ Mỹ khuyến cáo các nước nên xem xét rủi ro khi hợp tác kết nối cáp quang với nhà đầu tư Trung Quốc, đồng thời, kêu gọi các đồng minh đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng viễn thông “sạch”, thông qua đầu tư hoặc tài trợ cho các khu vực. Hiện tại, Mỹ, Nhật và Úc đang hợp tác tài trợ một tuyến cáp cho đảo quốc Palau ở tây Thái Bình Dương.
Các quốc gia khác cũng đang có động thái cụ thể. Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua dự án “chủ quyền kỹ thuật số”, bao gồm các quy định nghiêm ngặt hơn nhằm hạn chế sức ảnh hưởng của các công ty công nghệ nước ngoài, chủ động hoá năng lực lưu trữ dữ liệu của Châu Âu. Ở Nam Mỹ, Chile đang nổi lên như một trung tâm công nghệ mới. Tháng 7.2020, nước này thông báo chọn đề xuất của Nhật Bản để xây dựng tuyến cáp quang vượt đại dương đầu tiên nối liền Nam Mỹ và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với điểm cuối là TP. Sydney của Úc, thay vì TP. Thượng Hải của Trung Quốc như đề xuất trước đó của công ty Huawei Marine.
Tại châu Á, một số nền kinh tế mới nổi khác như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia... cũng đang thử nghiệm các kế hoạch “bản địa hóa dữ liệu”, nhằm tránh sự phụ thuộc vào nước ngoài. Còn Singapore - một trong những trung tâm công nghệ hàng đầu khu vực, không theo đuổi chính sách nội địa hoá dữ liệu mà tập trung phát triển nền kinh tế kỹ thuật số và tạo ra một “hệ sinh thái kỹ thuật số” bền vững cho quốc gia mình.

Chính sách của Trung Quốc đang thúc đẩy cuộc chạy đua phát triển cáp ngầm

Báo cáo của CSIS nhận định nguyên nhân khiến hạ tầng viễn thông, mà cụ thể là hệ thống cáp quang, được đầu tư mạnh mẽ vì có liên quan đến 2 dự án quan trọng đang được Trung Quốc triển khai song song, gồm: “Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số” (DSR) và “Chế tạo tại Trung Quốc 2025” (Made in China 2025).

Theo đó, DSR là dự án nằm trong sáng kiến "Vành đai, Con đường" (BRI) được Bắc Kinh công bố từ năm 2013, có mục tiêu tăng cường kết nối nước này với hơn 130 quốc gia. Còn dự án “Chế tạo tại Trung Quốc 2025” được giới thiệu hồi năm 2015, cũng mang kế hoạch đầy tham vọng về việc phát triển thị phần cho các ngành chiến lược của nước này, trong đó ngành thiết bị truyền thông cáp quang đặt mục tiêu chiếm 60% thị trường toàn cầu vào năm 2025.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.