Trung Quốc trước nguy cơ 'thập diện thương chiến'

16/06/2024 06:20 GMT+7

Bắt nguồn từ cáo buộc tài trợ quá mức cho ngành ô tô điện dẫn đến bị áp các lệnh trừng phạt, Trung Quốc đang phải đối mặt kịch bản chiến tranh thương mại cùng lúc với nhiều bên.

Tuần qua, EU và Thổ Nhĩ Kỳ đều tăng mức thuế đối với ô tô điện (EV) được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Giữa muôn trùng vây

Hôm qua, Tân Văn xã dẫn thông tin từ Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay nước này bày tỏ sự không hài lòng mạnh mẽ và kiên quyết phản đối quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế bổ sung 40% đối với xe nhập khẩu từ Trung Quốc. Qua đó, Trung Quốc cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ "đi ngược lại các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)" nên cần lập tức loại bỏ việc tăng thuế.

Trung Quốc trước nguy cơ 'thập diện thương chiến'- Ảnh 1.

Cửa hàng bán xe của BYD ở Milan (Ý)

Ảnh: Reuters

Cũng trong tuần qua, EU cũng thông báo kế hoạch áp thuế bổ sung lên tới 38% đối với EV nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo tờ Nikkei Asia, ngoài mức thuế 10% lâu nay, mức thuế bổ sung được áp dụng theo từng hãng dựa trên kết quả đánh giá tiếp nhận sự hỗ trợ của từng hãng từ chính phủ. Theo đó, các công ty thuộc sở hữu nhà nước như SAIC Motor phải chịu mức thuế quan bổ sung cao nhất là 38,1%, trong khi BYD (có sự đầu tư của tỉ phú Mỹ Warren Buffett) nhận mức thuế nhẹ nhất là 17,4%. Còn một số hãng khác như Geely bị áp mức thuế bổ sung là 20%.

Mức thuế bổ sung dự kiến được áp dụng tạm thời từ tháng 7 và Trung Quốc có 4 tuần để cung cấp các bằng chứng nhằm bác bỏ việc đánh thuế của EU đối với EV từ Trung Quốc.

Giữa tháng 5, Mỹ cũng đã công bố tăng thuế đối với EV Trung Quốc vào Mỹ từ mức 25% lên thành 100%. Không chỉ EV, Trung Quốc cũng đang bị áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là chip bán dẫn. Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh đã không ít lần khẳng định sẽ áp dụng những biện pháp trả đũa. Và thực tế, thương chiến Mỹ - Trung đã diễn ra căng thẳng suốt thời gian qua, còn thương chiến giữa Trung Quốc với EU dường như đang chực chờ bùng nổ.

Trung Quốc cảnh báo về khả năng xảy ra ‘chiến tranh thương mại’ với EU

Các lá bài của Bắc Kinh

Trong bối cảnh như vậy, câu hỏi đặt ra là Bắc Kinh sẽ phản ứng bằng những "lá bài" gì và mức độ phản ứng như thế nào? Bloomberg dẫn lời ông Joe Peissel, nhà phân tích kinh tế tại Công ty nghiên cứu Trivium China, đánh giá: "Nếu Trung Quốc đáp trả bằng cách tăng thuế quá mạnh mẽ vào các bên thì có thể dẫn đến một cuộc thương chiến".

Hiện tại, Trung Quốc phải đối mặt với viễn cảnh căng thẳng thương mại gia tăng với Mỹ, nhất là khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - người khi tại vị đã thực hiện nhiều biện pháp tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc - đang dẫn đầu trong một số cuộc thăm dò trước cuộc bầu cử tháng 11. Với chính quyền Mỹ hiện tại, Tổng thống Joe Biden cũng phối hợp ngày càng hiệu quả với các nền kinh tế phát triển để đưa ra các biện pháp trừng phạt thương mại nhằm vào Trung Quốc. Chính vì thế, nếu phản ứng quá mạnh mẽ, Bắc Kinh có thể đối mặt với sự bắt tay xuyên Đại Tây Dương giữa Washington với EU.

Giữa bối cảnh như vậy, biện pháp đầu tiên mà Trung Quốc có thể sử dụng chính là đệ đơn kiện lên WTO như Bộ Thương mại nước này đề cập gần đây. Bên cạnh đó, như Viện Nghiên cứu Merics (Đức) đánh giá thì sự trả đũa của Trung Quốc sẽ tập trung vào các mặt hàng nông nghiệp như phô mai và thịt lợn. Theo tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin mới đây, các công ty Trung Quốc đã đệ trình một yêu cầu chính thức lên các nhà chức trách về một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với thịt lợn nhập khẩu từ EU.

Ngoài ra, từ sau khi EU bắt đầu điều tra chống bán phá giá đối với EV Trung Quốc, Bắc Kinh thời gian qua cũng tiến hành điều tra các sản phẩm rượu châu Âu như rượu mạnh. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc cũng đã báo hiệu Bắc Kinh đang xem xét mức thuế cao tới 25% đối với ô tô nhập khẩu có động cơ lớn, điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến một phần doanh số bán hàng của các nhà sản xuất ô tô Đức tại Trung Quốc. Kèm theo đó, các công ty EV của Trung Quốc cũng đang tìm cách vượt qua khó khăn khi lên kế hoạch xây dựng nhà máy ở châu Âu để tránh việc bị áp thuế cao. 

Lạm phát Trung Quốc giữ mức ổn định

Reuters dẫn thông báo mới đây của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết chỉ số giá tiêu dùng nước này trong tháng 5 tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2023. Con số này thấp hơn mức dự báo trước đó là 0,4%. Kết quả vừa nêu được đánh giá ổn định.

Tuy nhiên, kinh tế gia trưởng Zhiwei Zhang, của Công ty quản lý quỹ Pinpoint Asset Management (Hồng Kông), đánh giá "áp lực giảm phát vẫn chưa giảm bớt" đối với Trung Quốc. Một số ý kiến cho rằng nước này vẫn cần tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế để kích cầu tiêu dùng nhằm giải quyết tình hình khó khăn của nền kinh tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.