Trung Quốc từ hạn chế sinh con đến nỗi lo dân số sụt giảm

14/01/2023 08:32 GMT+7

Dân số Trung Quốc năm 2022 có thể sụt giảm lần đầu sau nhiều thập niên, bất chấp những nỗ lực khuyến khích phụ nữ sinh đẻ.

Chuyên gia nhân khẩu học độc lập Hà Á Phúc tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) vừa đưa ra nhận định rằng dân số Trung Quốc lần đầu tiên sụt giảm, trước thời điểm số liệu chính thức của năm 2022 được công bố vào tuần tới. Theo Hoàn Cầu thời báo ngày 12.1 dẫn số liệu do ông Hà đưa ra, số trẻ sinh ra trong năm ngoái giảm xuống dưới 10 triệu, mức thấp nhất kể từ năm 1949, trong khi số người qua đời có thể tăng nhẹ so với con số 10,14 triệu của năm 2021. Tổng dân số Trung Quốc tăng 480.000 lên 1,4126 tỉ người vào năm 2021.

Nhận định được đưa ra khi Trung Quốc tìm cách ngăn chặn tình trạng già hóa dân số vốn diễn biến đáng lo ngại dù đã bãi bỏ chính sách một con và khuyến khích sinh đẻ.

Trẻ em tan học tại một ngôi trường ở Bắc Kinh, Trung Quốc

Reuters

Chính sách nghiêm ngặt

Trung Quốc áp dụng chính sách mỗi gia đình chỉ có 1 con vào năm 1980, với quy định được triển khai nghiêm ngặt khi dân số tăng vọt từ 540 triệu người vào năm 1949 lên 969 triệu người vào năm 1980. Dân số tăng vọt dẫn đến lo ngại thiếu hụt nước và các tài nguyên khác.

Dân số giảm lần đầu sau 60 năm, Trung Quốc đau đầu khuyến khích sinh con

Theo South China Morning Post, chính sách được thực thi bởi Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, với các hình phạt nghiêm khắc đối với người vi phạm. Công chức và nhân viên các tổ chức trực thuộc chính quyền có nguy cơ mất việc nếu bị phát hiện có hơn 1 con. Nếu người vi phạm không nộp phạt, đứa con thứ hai sẽ không thể đăng ký hộ khẩu. Chính sách trên còn dẫn đến việc lựa chọn giới tính khi sinh và giết con mới đẻ nếu là con gái, do truyền thống trọng nam khinh nữ.

Giới chức Trung Quốc cho biết chính sách một con đã ngăn chặn được khoảng 400 triệu ca sinh đẻ. Theo BBC, Trung Quốc đã thu khoảng 2.000 tỉ nhân dân tệ tiền phạt từ các gia đình sinh quá quy định từ năm 1980. Trường hợp bị phạt nặng là đạo diễn Trương Nghệ Mưu và vợ với số tiền phạt là 7,5 triệu nhân dân tệ (tương đương 26,14 tỉ đồng hiện nay) vì sinh con thứ ba hồi năm 2014.

Nỗ lực thay đổi

Đến năm 2016, Trung Quốc bỏ chính sách một con và cho phép mỗi gia đình có 2 con, do lo ngại tình trạng già hóa dân số và thiếu hụt lực lượng lao động. Nước này đã từ vị thế “gã khổng lồ” về sản xuất hàng thứ cấp trở thành nền kinh tế hàng đầu về tiêu dùng, do không thể duy trì lực lượng lao động giá rẻ. Dân số già hóa cũng dẫn đến việc gánh nặng đổ dồn lên vai con cái họ và quỹ lương hưu. Trung tâm Bảo hiểm xã hội thế giới thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc vào năm 2019 dự báo quỹ lương hưu chính của nước này sẽ cạn tiền vào năm 2035 và âm đến 11.000 tỉ nhân dân tệ vào năm 2050 do số lao động giảm.

Lo chuyện ăn học của con cái

Theo Hoàn Cầu thời báo, áp lực phải lo chuyện ăn học của con cái được cho là nguyên nhân góp phần ảnh hưởng tỷ lệ sinh hiện nay ở Trung Quốc. Những gia đình có con ở tuổi giáo dục bắt buộc (lớp 1 - 9) chịu áp lực cao nhất về tiền bạc và thời gian. Chi phí trung bình để nuôi một đứa con từ 6 - 14 tuổi ở Trung Quốc là hơn 210.000 nhân dân tệ (733 triệu đồng), chiếm 44,65% tổng chi phí nuôi con đến 18 tuổi, theo báo cáo đưa ra hôm 9.1 bởi Tổ chức Nghiên cứu dân số Dục Oa (Trung Quốc). Sự mất cân đối về cơ cấu của hệ thống dịch vụ mầm non cũng là vấn đề nan giải. Số liệu cho thấy 1/3 trong số 42 triệu trẻ em dưới 3 tuổi có nhu cầu cao về các dịch vụ chăm sóc, nhưng thực tế chỉ khoảng 5,5% được tiếp cận dịch vụ.

Đến tháng 5.2021, Trung Quốc cho phép mỗi gia đình có tối đa 3 con và 2 tháng sau đó dỡ bỏ mọi giới hạn. Tuy nhiên, cơ cấu dân số tiếp tục diễn biến xấu khiến chính quyền nhiều địa phương tìm cách để thúc đẩy tỷ lệ sinh.

Tại Thâm Quyến (Quảng Đông), gia đình có con thứ ba trở lên được trợ cấp 19.000 nhân dân tệ (66,2 triệu đồng), con thứ hai sẽ được trợ cấp 11.000 nhân dân tệ và con đầu lòng là 7.500 nhân dân tệ. Tại Tế Nam (Sơn Đông) bà mẹ sinh con thứ hai hoặc thứ ba trong năm nay sẽ được trợ cấp 600 nhân dân tệ/tháng cho đến khi trẻ tròn 3 tuổi. Nhiều nơi khác như Nghi Xương (Hồ Bắc) và Phàn Chi Hoa (Tứ Xuyên) cũng hỗ trợ gia đình sinh con thứ hai trở lên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.