Trung Quốc từng mua tàu sân bay cũ của Úc để "sao chép"?

08/11/2021 21:30 GMT+7

Dù trước khi bán tàu sân bay cũ HMAS Melbourne, Úc đã tháo dỡ hết công nghệ nhạy cảm, nhưng các kỹ sư Trung Quốc được cho là vẫn quan tâm tới một số thiết bị trên tàu.

Đến cuối thập niên này, hải quân Trung Quốc có thể vận hành 3 tàu sân bay, trong đó có 2 chiếc được đóng trong nước. Chiếc tàu sân bay đầu tiên của nước này được đưa vào hoạt động là tàu Liêu Ninh. Trung Quốc mua chiếc tàu này từ Ukraine vào năm 1998, với giá 20 triệu USD, và mất 12 năm trùng tu mới đưa tàu vào hoạt động từ năm 2012.

Tàu sân bay Liêu Ninh

Reuters

Tuy nhiên, tàu sân bay Liêu Ninh không phải là hàng không mẫu hạm đầu tiên hải quân Trung Quốc tiếp cận để nghiên cứu. Vào năm 1985, Bắc Kinh đã mua tàu cũ HMAS Melbourne (R21), một hàng không mẫu hạm hạng nhẹ do hải quân Úc điều hành từ năm 1955-1982, theo chuyên trang The National Interest.

Sau nhiều thập niên phục vụ, tàu HMAS Melbourne được cho “nghỉ hưu” và được bán phế liệu cho Trung Quốc, với giá 1,4 triệu AUD. Trước khi bán cho Trung Quốc, phía Úc đã tháo dỡ tất cả công nghệ hiện đại và nhạy cảm khỏi tàu sân bay HMAS Melbourne. Tuy nhiên, các kỹ sư thuộc hải quân Trung Quốc được cho là vẫn đặc biệt quan tâm tới các thiết bị trên tàu như hệ thống phóng máy bay và thang máy bay.

Tàu sân bay Úc HMAS Melbourne (R21) trong năm 1967

Hải quân Mỹ

Ngoài ra, sàn bay của tàu HMAS Melbourne không chỉ được nghiên cứu mà còn được dùng làm nơi diễn tập cho các phi công thuộc hải quân Trung Quốc. Nhiều bộ phận của tàu sân bay HMAS Melbourne được giữ nguyên cho đến ít nhất cuối năm 1994 và việc này đã giúp Bắc Kinh có thể hiểu rõ về hoạt động của tàu sân bay.

Theo website Battle-Machines, một số nguồn tin cho rằng việc tháo dỡ tàu HMAS Melbourne chỉ kết thúc vào năm 2002, khoảng 17 năm sau khi tàu được đưa đến Trung Quốc. Thậm chí trong quá trình tháo dỡ làm phế liệu, nhiều bộ phận trên tàu còn được nghiên cứu kỹ trước khi được cho tan chảy.

Trung Quốc đóng tàu sân bay lớn nhất, nhưng vẫn không bằng Mỹ
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.