Theo Techinasia, Giáo sư Luo Xiangang và các đồng nghiệp tại Viện Quang học và điện tử - thuộc Viện Khoa học quốc gia Trung Quốc ở Thành Đô, thuộc tỉnh Tứ Xuyên nước này tuyên bố, họ đã tạo ra mô hình toán học đầu tiên trên thế giới để mô tả chính xác các tương tác của sóng điện từ khi chúng “chạm” vào bề mặt kim loại.
Theo các nhà nghiên cứu, họ phát hiện thấy mô hình lan truyền của sóng vô tuyến (cách chúng di chuyển) trong không gian kim loại cực hẹp tương tự đường cong dạng chuỗi của dây xích (catenary). Lấy cảm hứng từ phát hiện này, các nhà nghiên cứu đã phát triển một mô hình toán học để mô phỏng tương tác và từ đó thiết kế ra vật liệu dạng màng “tàng hình” gọi là meta-surface phù hợp với hầu hết các loại sóng radar, ở phổ sóng rộng nhất hiện nay. Trong đó, bao gồm cả các vật liệu hấp thụ sóng cho xe tàng hình và các vệ tinh hoặc máy bay quân sự.
Trong khi đó, hiện các máy bay tàng hình chủ yếu sử dụng các thiết kế về hình học và biến đổi hình dạng chúng để làm chệch hướng tín hiệu radar, nhưng điểm yếu của phương pháp này là các thiết kế đó có thể ảnh hưởng đến hiệu suất khí động học của máy bay. Tất nhiên, chúng cũng sử dụng các vật liệu sơn có khả năng hấp thụ sóng radar ở mật độ cao nhưng lại chỉ hoạt động ở tần số hạn chế.
Trong một cuộc thử nghiệm gần đây, công nghệ mới đã hạn chế tối thiểu cường độ của tín hiệu radar phản xạ lại sau khi “quét” vào bề mặt phủ chất liệu này, cường độ được đo bằng decibel - khoảng từ 10 đến gần 30 decibel trong dải tần từ 0,3 đến 40 gigahertz.
Các nhà nghiên cứu cho biết, kết quả này rất đáng kinh ngạc. Theo một nhà nghiên cứu về công nghệ tàng hình đến từ Đại học Phục Đán tại Thượng Hải (Fudan University), tuy ông không tham gia vào nghiên cứu này nhưng “tôi chưa từng thấy ai đạt được những kết quả tương tự. Hiện tại, các công nghệ hấp thụ sóng radar mới chỉ hiệu quả trong phạm vi từ 4 đến 18 gigahertz mà thôi”.
Tần số tín hiệu càng thấp thì phạm vi phát hiện của radar càng lớn và quân đội thường sử dụng kết hợp các radar ở các tần số khác nhau để thiết lập các tuyến phòng thủ. Các hệ thống phòng không tầm trung mở rộng và các radar cảnh báo sớm của NATO hiện hoạt động ở dải tần từ 0,3 đến 1 gigahertz, trong khi hệ thống phòng thủ tầm cao của Mỹ và các radar phòng thủ tên lửa từng triển khai ở Hàn Quốc hiện hoạt động ở tần số khoảng 10 gigahertz.
Ở lĩnh vực dân sự, một số sân bay sử dụng radar cực ngắn nên có tần số cao ở ngưỡng 20 gigahertz trở lên để theo dõi chuyển động của xe và máy bay, nên chúng gần như “mù” với các máy bay tàng hình, ít nhất cho đến khi chúng bay sát đến tận đài radar của các sân bay này.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Phục Đán cho biết, các vật liệu với công nghệ siêu bề mặt này đã được triển khai trên một số thiết bị quân sự của Trung Quốc, dù họ chưa chỉ đích danh loại vũ khí nào và đang được triển khai ở đâu. Hiện công trình nghiên cứu này đã được công bố trên một bài báo của tạp chí khoa học Advanced Science hồi đầu năm nay.
Bình luận (0)