Trung Quốc lại tiếp tục chuỗi hành động gây hấn khi thông báo kế hoạch mở các chuyến bay thương mại đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng.
Trung Quốc lại tiếp tục chuỗi gây hấn bằng những chuyến bay dân sự sắp mở đến đảo Phú Lâm - Ảnh: Stratfor |
Các chuyến bay dân sự sẽ bay đến và đi từ đảo Phú Lâm, thuộc cái gọi là thành phố Tam Sa, trong vòng 1 năm, theo Reuters dẫn truyền thông Trung Quốc ngày 11.3.
Trung Quốc tự đặt ra đơn vị hành chính Tam Sa để quản lý vùng lãnh thổ và lãnh hải mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông, trong đó có cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Việt Nam không công nhận cái gọi là “Tam Sa” được lập ra hồi năm 2012 của Trung Quốc cũng như đòi hỏi chủ quyền vô lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Chưa rõ qui mô và tầm hoạt động của các chuyến bay mà Trung Quốc sẽ mở đi và đến đảo Phú Lâm, nơi Trung Quốc đưa dân ra sinh sống ngày càng nhiều cùng với binh linh xuất hiện dày đặc.
Tháng 2.2016, Trung Quốc đã cho một số hãng hàng không trong nước đưa khách đến đảo Phú Lâm, chở một số khách được truyền thông trong nước nói là dân thường. Hiện 2 tàu khách và 1 tàu cảnh sát biển đã có mặt ở đảo Phú Lâm và thường xuyên có chuyến đưa khách đến hòn đảo này, theo Tân Hoa xã trích phát biểu của Thị trưởng "Tam Sa" là Xiao Jie.
Ông này cho biết đường băng ở đảo Phú Lâm và một đường băng tương tự ở Đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa, đang bị Trung Quốc chiếm đóng và xây phi pháp thành đảo nhân tạo) sẽ tạo điều kiện cho giao thông hàng không mà Trung Quốc đang xúc tiến đến khu vực này, bên cạnh việc trợ giúp hướng dẫn hàng hải, khảo sát thời tiết và hàng không.
Bên cạnh việc quân sự hóa ở đảo Phú Lâm khi triển khai tên lửa phòng không, radar và chiến đấu cơ hồi tháng 2.2016, Bắc Kinh cũng thúc đẩy các hoạt động dân sự với những chuyến bay dự kiến sẽ được mở trên đảo nhằm khuyến khích người dân đến sinh sống tại đảo chiếm của Việt Nam.
Những hoạt động trên của Trung Quốc nhằm khẳng định cái gọi là chủ quyền vô lý của Bắc Kinh, tuy nhiên Mỹ, Việt Nam và các nước thường xuyên lên án và cho rằng đó là hành động khiêu khích, gây căng thẳng cho khu vực Biển Đông.
Bình luận (0)