Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân |
AFP |
Sau khi chính quyền của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chấm dứt đối thoại về thăm dò dầu khí chung với Trung Quốc ở Biển Đông, Bắc Kinh cho biết vẫn sẵn sàng đàm phán với chính quyền mới ở Manila.
“Trung Quốc sẵn sàng phối hợp với chính phủ mới của Philippines nhằm thúc đẩy đối thoại về phát triển chung và phấn đấu đạt các bước căn bản ban đầu vì lợi ích của quốc gia và nhân dân 2 nước”, theo tờ Philippine Daily Inquirer dẫn phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân phát biểu ngày 24.6.
Dự kiến Tổng thống đắc cử Philippines Ferdinand Marcos Jr. sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 30.6.
Vào năm 2018, Manila và Bắc Kinh ký bản ghi nhớ về việc tạo bộ khung cho đàm phán sau đó về thăm dò và khai thác dầu khí chung ở vùng biển phía tây Philippines.
Theo ông Uông, việc phát triển dầu khí chung ngoài khơi giữa 2 nước là “cách đúng đắn cho Trung Quốc và Philippines nhằm kiểm soát bất đồng hàng hải và đạt kết quả 2 bên cùng có lợi mà không tổn hại quan điểm hàng hải và tuyên bố của bên nào.
“Lãnh đạo 2 nước đạt hiểu biết chung quan trọng về vấn đề này. Chính phủ 2 nước đã ký bản ghi nhớ về phát triển dầu khí và đã tích cực theo đuổi đàm phán, đạt tiến triển quan trọng trong bộ khung này”, ông cho biết.
Trước đó, hãng Reuters ngày 23.6 dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cho hay việc đối thoại về thăm dò năng lượng chung ở Biển Đông giữa Philippines với Trung Quốc đã bị hủy, do vướng các vấn đề về hiến pháp và chủ quyền.
Chưa rõ Philippines đưa ra quyết định trên khi nào. Lệ thuộc nhiều vào nhập khẩu nhiên liệu, Philippines đã phải chật vật tìm đối tác nước ngoài khai thác dự trữ năng lượng ngoài khơi, do bị chồng lấn yêu sách chủ quyền với Trung Quốc. Do đó, hai nước đã cam kết sẽ phối hợp cùng nhau, nhờ việc Tổng thống Rodrigo Duterte theo đuổi mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nghi ngờ về khả năng phối hợp, do tính nhạy cảm về chính trị, đồng thời cảnh báo rằng bất cứ thỏa thuận nào về chia sẻ tài nguyên năng lượng có thể bị coi là hợp pháp hóa yêu sách của bên kia, đồng nghĩa với việc từ bỏ chủ quyền.
Hai nước đã thành lập một ban công tác đặc biệt để tìm hướng thăm dò chung mà không đụng chạm đến vấn đề chủ quyền.
Ngoại trưởng Locsin cho biết điều đó không thể đạt được mà không vi phạm Hiến pháp Philippines, hoặc Trung Quốc phải rút lại các yêu sách. Do đó, ông Locsin cho hay Tổng thống Duterte đã kêu gọi hủy bỏ đối thoại.
Bình luận (0)