Trung Quốc vận hành ăng ten bí mật, liên lạc tàu ngầm cự ly xa

03/12/2021 08:42 GMT+7

Trung Quốc vừa đưa vào hoạt động ăng ten lớn nhất thế giới, giúp liên lạc cự ly xa với các tàu ngầm cũng như những ứng dụng dân sự.

Một tàu ngầm của Trung Quốc hoạt động gần Thanh Đảo

AFP

Theo tờ South China Morning Post, các chuyên gia liên quan dự án chưa tiết lộ địa điểm, nhưng ăng ten này được cho là nằm tại vùng núi Đại Biệt, khu bảo tồn thiên nhiên tại các tỉnh Hồ Bắc, An Huy và Hà Nam.

Từ không gian, ăng ten giống như một chữ thập khổng lồ rộng và dài hơn 100 km, được hình thành bởi mạng lưới các tuyến trụ và cáp như những đường dây điện bình thường.

Tuy nhiên, ở cuối những đường dây này có những nút mạng bằng đồng được lắp trong các lớp đá hoa cương dày. Hai máy phát sóng được đặt ngầm với khả năng hoạt động độc lập trong trường hợp một cái bị thiệt hại, với công suất lên đến 1 MW và biến trái đất thành một trạm vô tuyến khổng lồ.

Theo thông tin trên chuyên san Chinese Journal of Ship Research, các thiết bị nhận tín hiệu được lắp ở độ sâu 200 m so với mặt nước biển có thể dễ dàng nhận tín hiệu của ăng ten ở khoảng cách lên đến 1.300 km, với tầm bao phủ bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản, Đài Loan và Biển Đông.

Kỹ sư trưởng Zha Ming của dự án và các cộng sự tại Viện Nghiên cứu Liên lạc hàng hải Vũ Hán cho hay ăng ten được thiết kế để duy trì liên lạc dưới nước trong phạm vi 3.000 km, đủ để bao phủ đảo Guam, căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở tây Thái Bình Dương.

Ăng ten tần số cực kỳ thấp (ELF) có thể tạo sóng điện từ từ 0,1-300 Hz, với khả năng truyền xa dưới nước và trong lòng đất. Tuy nhiên, thách thức là phân biệt các tín hiệu nhân tạo với tự nhiên.

Trung Quốc còn thử nghiệm chung với Nga để xem tín hiệu có thể truyền bao xa dưới đất. Một trạm ở Nga đã nhận tín hiệu từ khoảng cách 7.000 km, nhưng là liên lạc 1 chiều và chỉ có thể gửi các thông điệp mã hóa.

Bộ đôi tàu ngầm hạt nhân - tên lửa mới của Trung Quốc đe dọa cả lục địa Mỹ

Tuy nhiên, giới nghiên cứu quân sự Trung Quốc cho rằng các tàu ngầm và thiết bị thông minh như tàu lặn không người lái có thể nhận lệnh và hành động ngay lập tức trong khi vẫn duy trì khả năng tàng hình.

Đây còn được cho là ăng ten ELF quy mô lớn đầu tiên trên thế giới ứng dụng cho các mục đích phi quân sự, như trong các khảo sát địa chất để tìm khoáng sản hoặc quan sát các vết đứt gãy hoạt động và tính toán nguy cơ động đất tại các thành phố lớn ở Trung Quốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.