Trung Quốc vất vả lấy lại niềm tin người tiêu dùng

29/05/2017 15:27 GMT+7

Các công ty thực phẩm tại Trung Quốc đang phải nâng cao chất lượng để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng trong nước.

Thị trường thực phẩm đóng gói trị giá 226 tỉ USD của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang nỗ lực giúp đỡ các công ty trong nước cạnh tranh với một số công ty thực phẩm lớn trên thế giới. Song dù công nghệ sản xuất hay hương vị sản phẩm có được cải tiến, nhưng niềm tin và tâm trí của người tiêu dùng vẫn khó có thể thay đổi. Ở một quốc gia mà thậm chí cả trứng và sữa đều có thể làm giả đã làm cho người tiêu dùng trở nên hoài nghi về thực phẩm tự chế biến. Người Trung Quốc giờ đây sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn để mua thực phẩm từ các thương hiệu nước ngoài, vì họ cho rằng các sản phẩm đó có thành phần tốt hơn và phải vượt qua vòng kiểm tra an toàn gắt gao hơn sản phẩm trong nước. Tingyi Holding Corp, chủ sở hữu của thương hiệu Master Kong, dù là nhà sản xuất lớn với hơn 1,5 triệu tấn mì ăn liền mỗi năm ở Đại lục nhưng doanh thu vẫn trì trệ khi người tiêu dùng đang dần từ bỏ ly nước mì mặn, béo để đến với những lựa chọn lành mạnh hơn.
Theo Bloomberg, để giải quyết tình trạng xuống dốc của thị trường thực phẩm và tiếp cận lại với người tiêu dùng trong nước, các công ty của Trung Quốc đã chuyển hướng sang dùng cách dựa vào danh tiếng của các thương hiệu nước ngoài. Hơn 80 hợp đồng mua lại hoặc đầu tư sản xuất ở nước ngoài đã được thực hiện kể từ năm 2009, năm mà nước này ghi nhận có ít nhất sáu người chết vì uống sữa có chứa melanine.
“Các công ty thực phẩm đã nhận ra nỗi sợ hãi của người dân và đang thúc đẩy chuỗi giá trị trong ngành này”, Shaun Rein, giám đốc điều hành của một nhóm nghiên cứu thị trường tại Thượng Hải, cho biết.
Một trong số đó có thể kể ra là hợp đồng khổng lồ mua lại Smithfield Foods, công ty sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới tại Mỹ, với giá 6,95 tỉ USD của tập đoàn WH Group vào năm 2013. “Các thương hiệu của Mỹ cho phép WH Group tiếp cận với người tiêu dùng cao cấp trong nước. Có một chút hiệu ứng hào quang khi người Trung Quốc cho rằng Mỹ có tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cao nhất, nên kết quả là Smithfield đã tự động được xem là thương hiệu cao cấp khi vào thị trường và được bán với mức giá cao hơn ít nhất 20% so với các nhãn hiệu Trung Quốc khác của WH Group”, Kenneth Sullivan, Giám đốc điều hành của Smithfield Foods, nói. Được biết lượng tiêu thụ thịt bình quân đầu người của Đại lục là 39,4 kg/năm, và các trang trại lợn nội địa không thể theo kịp nhu cầu.
Song không chỉ thịt mà cả pho mát, bánh quy, cá hồi và các sản phẩm khác cũng được mua lại từ Manassen Foods Australia của Úc và sữa được mua lại từ Synlait Milk của New Zealand. Vào năm 2015, Bright Food của Trung Quốc cũng đã đưa ra một thỏa thuận định giá khoảng 2,16 tỉ USD để có quyền kiểm soát công ty sữa Tnuva Food Industries của Israel.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.