Trung Quốc vượt Mỹ khi phóng tên lửa mê tan lỏng đầu tiên lên quỹ đạo

12/07/2023 14:14 GMT+7

Tên lửa Chu Tước 2 được phóng lên quỹ đạo vào sáng 12.7 từ tỉnh Cam Túc (Trung Quốc) nhờ nhiên liệu mê tan và ô xy lỏng.

Tên lửa đầu tiên phóng lên quỹ đạo nhờ nhiên liệu mê tan và ô xy lỏng - Ảnh 1.

Tên lửa Chu Tước 2 phóng lên tại Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở Trung Quốc vào sáng 12.7

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH SCMP

Hãng Reuters ngày 12.7 đưa tin một công ty tư nhân Trung Quốc vừa phóng lên quỹ đạo tên lửa dùng nhiên liệu mê tan - ô xy lỏng đầu tiên trên thế giới, qua mặt các đối thủ Mỹ trong công nghệ thế hệ mới hứa hẹn đưa phi thuyền lên không gian.

Tên lửa Chu Tước 2 được phóng lên vào lúc 9 giờ (giờ địa phương) tại Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở tỉnh Cam Túc, phía đông bắc Trung Quốc và hoàn thành chuyến bay theo kế hoạch.

Đây là nỗ lực lần 2 trong việc phóng tên lửa Chu Tước 2 của LandSpace, công ty có trụ sở ở Bắc Kinh và là một trong những công ty đầu tiên trong lĩnh vực phóng tên lửa thương mại của Trung Quốc. Lần phóng thứ nhất hồi tháng 12.2022 đã thất bại.

Theo Hoàn Cầu thời báo, tên lửa có khả năng đưa vệ tinh nặng 1,5 tấn vào quỹ đạo đồng bộ mặt trời ở độ cao khoảng 500 km từ trái đất. Công ty cho biết những mẫu tên lửa sau này có thể tăng tải trọng lên 4 tấn.

Động cơ của tên lửa sử dụng nhiên liệu đẩy làm từ ô xy lỏng và mê tan lỏng nên thân thiện với môi trường hơn, giảm thời gian làm sạch từ gần 2 tuần xuống còn vài giờ, một tính năng quan trọng đối với công nghệ tên lửa tái sử dụng.

Chu Tước 2 là tên lửa đẩy 2 tầng có đường kính 3,35 mét và tổng chiều dài 49,5 mét. Tên lửa có trọng lượng phóng 219 tấn và lực đẩy khi phóng 268 tấn.

Tên lửa có 6 động cơ nhiên liệu lỏng, trong đó 5 động cơ sử dụng 80 tấn ô xy lỏng và mê tan lỏng làm nhiên liệu đẩy. Động cơ thứ 6 là động cơ với 10 tấn thuốc phóng, giúp điều chỉnh phương hướng và vận tốc của tên lửa.

Công ty cho biết thử nghiệm thành công đã chứng minh năng lực của các hệ thống khác nhau của tên lửa Chu Tước 2, đặt nền tảng vững chắc cho giai đoạn nghiên cứu tiếp theo và phát triển tên lửa tái sử dụng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.