Nikkei dẫn số liệu được công bố hôm 2.3 từ Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) cho thấy, Trung Quốc đã nộp 68.720 yêu cầu cấp bằng sáng chế vào năm ngoái, tăng 16% so với năm 2019. Trong số những hồ sơ đó, Huawei Technologies chiếm số lượng nhiều nhất, và đây cũng là năm thứ tư liên tiếp nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới giữ vững thành tích này.
Mỹ vẫn ở vị trí thứ hai, với lượng hồ sơ tăng chậm 3% lên 59.230. Tình hình này phản ánh dấu hiệu rõ ràng của việc đạt đỉnh, khó có thể đột phá trong thời gian tới về số lượng hồ sơ xin cấp bằng sáng chế của Mỹ. Cả chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đều nhận thấy có lỗi trong việc để Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và ép buộc các công ty Mỹ muốn làm ăn ở đại lục phải chuyển giao công nghệ. Cuộc chiến giành quyền kiểm soát công nghệ tiên tiến giữa hai nước có thể sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.
Nhật Bản đứng ở vị trí thứ ba như năm trước, nhưng số lượng hồ sơ đăng ký lại giảm 4%, còn 50.520. Hàn Quốc vượt qua Đức để chiếm vị trí thứ tư, với 20.060 hồ sơ. Các con số thống kê trong thời gian qua đã ghi nhận một thực tế là các quốc gia châu Á đang trở thành trung tâm của sự đổi mới công nghệ, khi cả Singapore và Ả Rập Xê Út cũng đang có động lực phát triển.
“Không phải số lượng hồ sơ đăng ký ở những khu vực truyền thống như Mỹ và châu Âu giảm xuống, mà là tốc độ tăng tốc ở châu Á trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều”, Daren Tang, Tổng giám đốc WIPO, nói trong cuộc họp báo.
Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua Mỹ là vào năm ngoái, với số hồ sơ yêu cầu cấp bằng sáng chế nhiều hơn khoảng 1.000 đơn. Đó cũng là lần đầu tiên Mỹ bị mất “vương miện” kể từ năm 1978. Động lực thúc đẩy cho sự vươn lên nhanh chóng là chương trình hiện đại hóa ngành công nghiệp gọi là “Made in China 2025” của Bắc Kinh. Bắt đầu triển khai vào năm 2015, chương trình cung cấp các khoản trợ cấp nhà nước hào phóng cho các doanh nghiệp trong nước, với mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành siêu cường về sở hữu trí tuệ. Mô hình tương tự cũng được nhìn thấy ở Hàn Quốc. Năm ngoái, chính phủ nước này đã triển khai sáng kiến New Deal tập trung đầu tư vào các phương tiện truyền thông 5G và trí tuệ nhân tạo.
Trong số 50 công ty đứng đầu về số lượng đơn đăng ký bằng sáng chế, các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm hơn 60%. LG Electronics của Hàn Quốc đã tiến lên vị trí thứ tư từ vị trí thứ 10 nhờ nỗ lực nâng cao năng lực công nghệ, đặc biệt là trong phân khúc thiết bị chính. Trong lĩnh vực giáo dục, các trường đại học ở Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu số lượng nộp đơn xin cấp bằng sáng chế. Các ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường và công nghệ nghe nhìn khác nói riêng đã tăng 30%.
Bình luận (0)