Theo dõi những diễn biến căng thẳng gần đây trên Biển Đông, giới chuyên gia quốc tế đều khẳng định hành động của Trung Quốc là cực kỳ nguy hiểm, xâm phạm quyền lợi biển của Việt Nam, cũng như đi ngược lại luật pháp quốc tế.
Mưu đồ nguy hiểm của Trung Quốc
Bình luận trên trang Maritime Issues, chuyên gia Swee Lean Collin Koh (chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam ở Singapore) cho rằng nếu không có phản ứng cứng rắn từ cộng đồng quốc tế đối với các hành động của Trung Quốc tại bãi Tư Chính, các vụ việc tương tự sẽ còn lặp lại. Bắc Kinh dường như tin rằng hành động cưỡng ép của họ đã mang lại hiệu quả nhất định, vì thế họ sẽ biến các hành vi cưỡng ép trở thành bộ công cụ để hành xử.
Ông Collin Koh nói thêm: “Các tiền đồn xây dựng trái phép ở quần đảo Hoàng Sa giúp Trung Quốc thực hiện các hành vi gây hấn ở Biển Đông. Và cuối cùng, Trung Quốc có thể bao biện rằng họ chỉ phản ứng trước các hành động của nước khác, thậm chí còn tố ngược lại chính các nước lên án hành vi của Trung Quốc là bên phá hoại tiến trình hòa bình ở Biển Đông”.
Chuyên gia Hu Bo, Giám đốc Sáng kiến tình hình chiến lược Biển Đông, cũng nhận định việc Trung Quốc điều nhóm tàu Hải Dương Địa chất 8 đến bãi Tư Chính là nhằm ngăn cản Việt Nam thúc đẩy lợi ích biển chính đáng của mình, trước khi các nước đạt được Bộ quy tắc về ứng xử các bên ở Biển Đông (COC).
Theo chuyên gia Ryan Martinson tại Đại học Hải chiến Mỹ: "Bắc Kinh đã sử dụng các tàu của họ tại khu vực này như một cách để tăng cường yêu sách chủ quyền phi lý". Có thể nói, hành động của Trung Quốc là đặc biệt nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình soạn COC nhằm đảm bảo tình hình Biển Đông ổn định và không làm gia tăng xung đột.
Từ các nhận định trên, nhiều chuyên gia đã đưa ra những khuyến nghị quan trọng. Thứ nhất, cộng đồng quốc tế cần phản ứng cứng rắn vì nếu không các vụ việc tương tự sẽ còn lặp lại, thậm chí Trung Quốc sẽ lấn tới đòi các nước ASEAN phải chấp nhận đưa nội dung không cho các nước ngoài khu vực hợp tác hoặc diễn tập quân sự với các nước ASEAN vào COC. ASEAN cần có lập trường thống nhất và rõ ràng về vấn đề này. Để đạt được tác động sâu sắc hơn, ASEAN cũng cần cảnh báo Bắc Kinh rằng bất cứ loại hành vi cưỡng ép nào tại bãi Tư Chính, đi ngược lại với các thông lệ và quy tắc quốc tế sẽ làm phương hại tới những gì mà ASEAN và Trung Quốc đã đạt được trong vòng hai năm qua, trong đó có cả tiến trình COC.
Sau khi hoàn thành việc bồi đắp trái phép quy mô lớn các bãi đá ở Trường Sa và quân sự hóa các vị trí ở đây, Trung Quốc tin rằng họ có thế mạnh để đe dọa các nước liên quan và áp đặt giải pháp cho các đòi hỏi ở Biển Đông. Mưu đồ của Trung Quốc là biến Biển Đông thành “ao nhà”. Trung Quốc nghĩ mình một tay cầm “kiếm” và tay kia cầm bình rượu “Mao đài”; kiếm để hăm dọa các nạn nhân và đối thủ, rượu để nhắm tới những ai hám lợi kinh tế hoặc làm ngơ trước hành động bạo ngược của Trung Quốc ở Biển Đông. Với Trung Quốc, có lẽ ý đồ giành giật tài nguyên dầu khí tại đây chỉ là một phần nhỏ so với mưu toan chiến lược là độc chiếm Biển Đông.
Hành động bất hợp pháp của Trung Quốc tại khu vực Tư Chính là bước leo thang trong “phép thử” sức mạnh áp đặt giải pháp, tiếp sau các hành vi cưỡng ép đối với các nước trong khu vực. Trung Quốc đang tìm mọi cách thay đổi cấu trúc cán cân quyền lực ở Biển Đông, thay đổi hiện trạng dựa trên luật pháp quốc tế để thiết lập cục diện mới theo ý muốn của Bắc Kinh.
Để hiện thực hóa mưu đồ của mình, Trung Quốc có hàng loạt thủ đoạn. Trung Quốc vẫn ngang ngược lập luận rằng các hoạt động năng lượng mà các bên thực hiện trong phạm vi “đường 9 đoạn” là “bất hợp pháp” và phản ứng của Bắc Kinh là “chính đáng”, bất chấp thực tế “đường 9 đoạn” phi lý bị tất cả các nước phản đối và Tòa trọng tài quốc tế đã vô hiệu hóa nó từ 3 năm trước. Không chỉ đánh lạc hướng dư luận bằng luận điệu tình hình Biển Đông đang hòa bình và ổn định, Trung Quốc còn lớn tiếng sử dụng kịch bản “buộc tội ngược” rằng các bên yêu sách khác làm phương hại đến thiện chí của Trung Quốc trong tiến trình tìm kiếm hòa bình trên Biển Đông.
Quốc tế đứng về phía Việt Nam
Hiện nhiều học giả quốc tế cùng chính phủ một số nước đã công khai lên án hành vi của Trung Quốc, đồng thời ủng hộ quyền lợi biển chính đáng của Việt Nam. Liên quan đến khu vực Tư Chính, các học giả đều đồng ý đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo UNCLOS. Khu vực này nằm hoàn toàn trong phạm vi vùng thềm lục địa và EEZ 200 hải lý của Việt Nam. Trong khi đó, yêu sách của Trung Quốc đối với khu vực này là “phi lý”, bất chấp luật pháp quốc tế.
Dư luận thế giới cũng xác nhận Việt Nam đã và đang thực thi hữu hiệu quyền chủ quyền của mình tại khu vực này từ nhiều năm nay: Ngay từ năm 1971, Chính quyền Sài Gòn đã cho tiến hành phân lô đấu thầu thăm dò khai thác. Năm 1988, Chính phủ Việt Nam đã phân lô dầu khí và mời các nhà thầu nước ngoài đến thăm dò khai thác tại đây.
Thực tế, phản ứng quốc tế ủng hộ vị thế pháp lý của Việt Nam và phê phán hành vi bất hợp pháp của Trung Quốc đã lên cao chưa từng có từ trước tới nay; cao hơn và rõ nét hơn cả lúc Philippines kiện Trung Quốc. Sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận quốc tế lần này là điều cơ bản và tích cực, tạo lợi thế chiến lược cho Việt Nam trong các bước đấu tranh sắp tới, trong đó có thể tính đến đấu tranh pháp lý. Đây vẫn là biện pháp giải quyết hòa bình các tranh chấp được LHQ và luật quốc tế thừa nhận, thế giới sẽ đứng về phía Việt Nam. Trung Quốc sử dụng biện pháp quân sự thì càng bị lên án và chịu hậu quả nặng nề. Hiện nay, trên Biển Đông chúng ta có sự chia sẻ lợi ích và sát cánh của cộng đồng quốc tế, không chỉ nhằm duy trì hòa bình, ổn định của khu vực mà còn bảo vệ các quyền tự do hàng không, hàng hải trên toàn bộ vùng nước của Biển Đông.
Nguyễn Quý Bính
(Giảng viên Trường đại học Hà Nội; nguyên Vụ trưởng Vụ Luật pháp quốc tế Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam bên cạnh LHQ ở Geneva, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, nguyên trọng tài viên của Tòa trọng tài quốc tế (PCA) tại La Haye)
(Giảng viên Trường đại học Hà Nội; nguyên Vụ trưởng Vụ Luật pháp quốc tế Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam bên cạnh LHQ ở Geneva, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, nguyên trọng tài viên của Tòa trọng tài quốc tế (PCA) tại La Haye)
Bình luận (0)