Hôm nay 7.4, Hãng Bloomberg dẫn lời các quan chức Ấn Độ không nêu tên tiết lộ đại diện các cấp chính quyền New Delhi đã chia sẻ với giới chức Myanmar những hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy các công nhân Trung Quốc đang xây trạm do thám trên quần đảo Coco ở phía Đông Ấn Độ Dương.
Đội ngũ nhân công cũng bắt tay mở rộng đường băng trên đảo.
Tuy nhiên, trong các cuộc gặp với phía đồng cấp Ấn Độ, các đại diện của chính quyền quân sự Myanmar bác bỏ sự liên can của Trung Quốc cũng như cho rằng New Delhi chẳng cần phải lo lắng về vấn đề này.
Dù vậy, Ấn Độ vẫn tiếp tục quan ngại cơ sở trên đảo sẽ cho phép Trung Quốc nghe lén nội dung trao đổi của các căn cứ hải quân của Ấn Độ và theo dõi những tên lửa từ bãi phóng thử đến khu vực bờ đông lãnh thổ.
Thiếu tướng Zaw Min Tun, phát ngôn viên Hội đồng Hành chính Nhà nước Myanmar, gọi việc Ấn Độ nghi ngờ Trung Quốc xây dựng cơ sở tình báo trên quần đảo Coco là điều vô lý. Ông khẳng định Myanmar không bao giờ cho phép quân đội nước khác tiếp cận các cơ sở trên lãnh thổ.
"Myanmar và Ấn Độ luôn trao đổi về nhiều cấp độ, nhưng chưa có thảo luận cụ thể về vấn đề trên", theo vị tướng.
Về phần mình, ông Arindam Bagchi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ, nhấn mạnh nước này sẽ thực thi "những biện pháp cần thiết" để bảo vệ lợi ích của mình.
Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar Trần Hải chưa trả lời câu hỏi của báo giới về thông tin trên. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng chưa phản hồi về vụ việc.
Căng thẳng quân sự giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã gia tăng từ năm 2020, khi cuộc đụng độ nổ ra tại giới tuyến hai nước ở Himalaya.
Những đồn đoán về việc Myanmar cho phép Trung Quốc xây cơ sở thu thập tình báo trên quần đảo Coco đã xuất hiện từ thập niên 1990. Tuần trước, tổ chức nghiên cứu chính sách Chatham House (trụ sở ở London, Anh) công bố báo cáo cho rằng Myanmar đã quân sự hóa quần đảo Coco với mục tiêu triển khai hoạt động giám sát trên biển tại khu vực.
Đến thời điểm hiện tại, Ấn Độ kết luận rằng Trung Quốc chưa sở hữu năng lực quân sự tấn công tại quần đảo của Myanmar, cụ thể là đảo Coco Lớn. Đồng thời, các tàu nghiên cứu hải dương của Trung Quốc vẫn chưa cập cảng ở đây. Nhân sự người Trung Quốc cũng chưa hiện diện thường trực tại hòn đảo, dù thường xuyên xuất hiện để lắp đặt thiết bị.
Bình luận (0)