Tại diễn đàn hồi tháng 5 với đại diện của trên 130 quốc gia, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố sáng kiến “Một vành đai, một con đường” là một dạng toàn cầu hóa mới đặt trọng tâm trong nhiều lĩnh vực từ cơ sở hạ tầng, thương mại cho đến an ninh và giáo dục. Chiến lược này được thiết kế nhằm khôi phục tuyến giao thương cổ “Con đường tơ lụa” nối Trung Quốc với châu Á, châu Âu và châu Phi. Chính vì thế, các trường đại học Trung Quốc đang mọc lên tại những quốc gia dọc theo “Con đường tơ lụa”, theo tờ South China Morning Post.
Mở rộng mạng lưới
Trung Quốc đã xây dựng 4 trường đại học ở nước ngoài - bao gồm ở Lào, Malaysia, Thái Lan - đồng thời mở 98 chương trình hợp tác giáo dục. Đại học Hạ Môn Malaysia được xem là mô hình phản ánh tầm nhìn của Chủ tịch Tập về xuất khẩu giáo dục nhắm vào giới trẻ ở châu Á, kết hợp với tham vọng kinh tế của Bắc Kinh.
Đại học Hạ Môn Malaysia mở cửa vào năm 2016 được đầu tư xây dựng bề thế, với đủ cơ sở vật chất từ phòng họp, thư viện cho đến sân vận động, hồ bơi và ký túc xá. “Tôi hoàn toàn choáng ngợp khi lần đầu tiên đặt chân đến ngôi trường khang trang rộng lớn với thư viện đồ sộ”, tân sinh viên Nazira Baharom chia sẻ. Trước đó, Nazira cảm thấy lo lắng về việc chọn trường do nghe nhiều chỉ trích về chất lượng đào tạo đại học trong nước từ anh chị của mình và giới truyền thông.
tin liên quan
Mặt trái của đầu tư Trung Quốc vào Thái LanGiới chuyên gia và các nhà hoạt động lo ngại Thái Lan phải trả giá
nếu chạy theo vốn đầu tư và công nghệ Trung Quốc nhằm kích thích kinh
tế.
Với diện tích 607.000 m2, Đại học Hạ Môn Malaysia tuyển trên 1.900 sinh viên trong năm 2016. Được duyệt hồ sơ học bổng dễ dàng, nhiều sinh viên Malaysia, Indonesia và quốc gia khác hiện đang học tập cùng với sinh viên Trung Quốc tại trường này, với 13 chuyên ngành từ y học cổ truyền cho đến báo chí. Ban giám hiệu kỳ vọng đạt chỉ tiêu tuyển sinh 10.000 người vào năm 2020 và trong năm 2016 trường tuyên bố dành số tiền khoảng 1 triệu USD (22,7 tỉ đồng) cấp học bổng cho sinh viên.
Nỗ lực thâu tóm quyền lực mềm
“Xuất khẩu giáo dục là biện pháp nhằm tăng cường quyền lực mềm và sức ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới”, giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế Trương Bạc Hối thuộc Đại học Lĩnh Nam (Hồng Kông) nói với South China Morning Post. Các chuyên gia nhận định Bắc Kinh mở rộng đại học ra nước ngoài nhằm đánh lạc hướng những quốc gia đối tác trong khuôn khổ “Một vành đai, một con đường” khỏi mối lo ngại “phụ thuộc Trung Quốc”.
tin liên quan
ASEAN trước sáng kiến “Vành đai và Con đường”Trung Quốc tuyên bố sáng kiến “Vành đai và Con đường” mở ra cơ hội tăng cường kết nối giữa các nước ASEAN cũng như nhiều khu vực kinh tế trên thế giới.
Bên cạnh đó, việc Bắc Kinh mở rộng mạng lưới đại học ở nước ngoài có thể tác động đến tư tưởng giới trẻ và giúp cung ứng nguồn lao động trình độ cao cho công ty Trung Quốc thực hiện các dự án hàng tỉ USD tại nước sở tại. Chẳng hạn, Lào chỉ có 4 đại học và nhiều bạn trẻ chọn học Đại học Đông Ngô chi nhánh tại nước này với kỳ vọng có việc làm lương cao tại các công ty Trung Quốc. “Điều này sẽ giúp Bắc Kinh chứng minh rằng hợp tác với Trung Quốc là lựa chọn đôi bên cùng có lợi”, ông Trương lưu ý.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh cũng đã chi nhiều tiền cho các trường đại học ở nước ngoài để mở Học viện Khổng Tử với chương trình dạy tiếng Trung và văn hóa nước này.
tin liên quan
Đến lượt đại học của Thụy Điển đóng cửa Viện Khổng Tử(TNO) Đại học Stockholm của Thụy Điển vừa thông báo Viện Khổng Tử tại trường này sẽ đóng cửa vào ngày 30.6.2015.
Học viện Khổng Tử đã có mặt tại 512 đại học trên 130 quốc gia, nhưng giới học giả phương Tây tin rằng dự án này là mối đe dọa đối với tự do suy nghĩ và ngôn luận trong giáo dục, gieo rắc tư tưởng lệch lạc và “tẩy não” sinh viên. Các hiệp hội giảng viên đại học như ở Canada và Mỹ kêu gọi chấm dứt hoạt động Học viện Khổng Tử và nhiều trường đã hưởng ứng. Truyền thông và Hiệp hội Giáo sư đại học ở Mỹ cáo buộc viện này là “cỗ máy” của chính quyền Trung Quốc chuyên tuyên truyền thông tin sai lệch.
Chuyên gia Trần Cương, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Á (Đại học Quốc gia Singapore), cho biết: “Hiện còn quá sớm để có thể kết luận liệu rằng ngành giáo dục Trung Quốc có thể thực hiện kế hoạch mở rộng mạng lưới trường đại học hay không, nhất là khi Học viện Khổng Tử bị lên án gay gắt trong những năm gần đây”.
Bình luận (0)