Phát biểu tại Liên Hiệp Quốc ngày 28.9, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho hay nước này đã bắt đầu thủ tục pháp lý để gia nhập ATT, theo Reuters. Sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh trong thông cáo rằng Trung Quốc đang muốn tham gia ATT “càng sớm càng tốt”. Bộ này nhấn mạnh việc tham gia ATT phản ánh quyết tâm của Trung Quốc ủng hộ chủ nghĩa đa phương.
Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn thứ 5 trên thế giới trong giai đoạn 2014-2018, theo Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (Thụy Điển). Trong khoảng thời gian đó, Trung Quốc bán vũ khí cho 53 nước, với Pakistan là quốc gia mua nhiều nhất.
Được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc phê chuẩn vào tháng 4.2013, tính đến nay đã có 104 nước gia nhập ATT. Hiệp ước này được Tổng thống Barack Obama ký hồi năm 2013, nhưng chưa được thượng viện Mỹ phê chuẩn.
Hồi tháng 4.2019, Tổng thống Trump cho hay ông có ý định hủy việc ký kết ATT và yêu cầu Thượng viện Mỹ dừng quá trình phê chuẩn hiệp ước này, lập luận ATT là mối đe dọa đối với nền tự do Mỹ như "quyền giữ và mang vũ khí được quy định trong Tu chính án thứ 2 của Hiến pháp nước này, cũng như giao chủ quyền của Mỹ cho “đám quan chức bàn giấy ngoại bang”, theo Reuters.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội kiểm soát vũ khí, một tổ chức ủng hộ ATT, hiệp định này “không có tác động tới luật kiểm soát súng nội địa của một nhà nước hoặc các chính sách sở hữu súng khác”, hay nói cách khác không ảnh hưởng đến việc mua bán vũ khí trong nước Mỹ.
ATT chỉ đòi hỏi các quốc gia thành viên “thiết lập và duy trì một hệ thống kiểm soát quốc gia" để quản lý việc buôn bán vũ khí quy ước. Phạm vi kiểm soát của hiệp ước bao gồm xe tăng, pháo, máy bay chiến đấu, tàu chiến và tên lửa, cũng như vũ khí cầm tay. Doanh số bán vũ khí quy ước trên toàn cầu đạt hàng chục tỉ USD mỗi năm, và Mỹ, Trung Quốc và Nga là những nước xuất khẩu lớn nhất.
Bình luận (0)