Trung tá Nguyễn Chí Thành, Phó đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và CNCH, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (PC07, Công an TP.HCM) nổi tiếng với những vụ cứu nạn khó khăn, hiểm trở cho biết, từ ngày còn nhỏ, anh đã bị ám ảnh bởi những vụ đuối nước.
Nhà ở Củ Chi – vùng ngoại thành với kênh, rạch, sông nước bao quanh, anh có 2 người em họ bị đuối nước khi tắm ở bãi đá ven sông Sài Gòn. Sau này, gần nhà lại có những vụ chết đuối, bạn học cũng bị chết đuối… "Những người chết đuối 2 – 3 ngày nổi lên, cá rỉa biến dạng thấy rất đau lòng. Tới khi biết có ngành CNCH này tôi xin qua cũng là vì vậy, như duyên của mình với nghề", anh nói.
Về phần mình, anh đã dạy cho các con bơi từ 2,5 tuổi – đây cũng là kỹ năng đầu tiên anh dạy cho con trước khi để con học các kiến thức khác. Anh kể: "Tập bơi cho các bé nhỏ phải kiên trì, tôi mất 2 – 3 tháng tập cho con thì con bơi được. Khi con lớn hơn thì dạy thêm kỹ năng cứu đuối để con biết muốn cứu bạn thì cần làm thế nào".
Hai con gái 11 và 12 tuổi của anh cũng tìm thấy niềm đam mê với bơi lội, huy chương vàng của các giải treo đầy nhà. Giờ đây, anh cũng định hướng cho các bé theo con đường bơi chuyên nghiệp.
Từ thực tế công tác, trung tá Nguyễn Chí Thành cho hay, mùa hè là thời điểm trẻ đuối nước gia tăng. Để phòng chống đuối nước thì kỹ năng cứu người bị đuối nước cũng rất quan trọng. Do đó, tùy vào tình hình thực tế và năng lực của mỗi cá nhân mà có phương pháp, biện pháp cứu người bị đuối nước sao cho phù hợp.
*Trường hợp người tham gia cứu nạn không biết bơi hoặc biết bơi nhưng không đủ khả năng trực tiếp cứu người bị nạn:
Khi người tham gia cứu nạn không biết bơi thì cần phải bình tĩnh suy xét và nhanh chóng quan sát xung quanh tìm những vật có khả năng cứu người như cành cây, can nhựa, phao cứu sinh, dây thừng hoặc các vật thể nổi khác; sau đó đưa (hoặc quăng) các vật dụng đó đến vị trí người bị nạn để họ bám, víu rồi kéo dần người bị nạn vào bờ.
- Trường hợp nạn nhân ở gần bờ, người cứu nạn có thể sử dụng tay hoặc cành cây để kéo nạn nhân lên bờ.
- Trường hợp vị trí của nạn nhân ở cách xa bờ, không thể sử dụng tay hoặc cành cây để cứu, khi đó có thể sử dụng các vật như phao tròn, dây thừng…, nhanh chóng quăng đến vị trí người bị nạn để họ có thể bám vào phao, dây và bơi dần vào bờ.
- Trong trường hợp người bị nạn ở quá xa bờ, vượt khỏi tầm quăng đến của các phương tiện cứu nạn như dây thừng, phao kéo… thì người cứu phải bằng mọi cách hô hoán, gọi cứu trợ để cứu người bị nạn một cách nhanh nhất có thể.
Khi người cứu nạn biết bơi nhưng chưa có kỹ năng cứu đuối nước, để cứu được nạn nhân, người cứu nạn phải thực hiện một số bước sau:
- Sử dụng phao tròn (phao có dây kéo thì càng tốt) hoặc các vật thể nổi khác để bơi ra gần nạn nhân. Nếu nạn nhân còn tỉnh táo thì ra ký hiệu cho nạn nhân bám vào phao rồi sau đó vừa bơi vừa kéo phao đưa nạn nhân vào bờ. Trường hợp nạn nhân đã đuối sức, người cứu nạn nên tiếp cận nạn nhân từ phía sau, đưa phao (hoặc vật thể nổi) ra phía trước mặt nạn nhân, dùng 2 tay luồn dưới 2 nách nạn nhân từ sau ra trước và bám vào phao đã đặt phía trước, giữ cho đầu nạn nhân nổi và sau đó bơi ngửa đưa nạn nhân vào bờ.
- Trong trường hợp không có phao hoặc các vật thể nổi, người cứu nạn có thể sử dụng một sợi dây thừng buộc quanh eo mình và để dư một đoạn có độ dài nhất định để cho nạn nhân bám vào (chiều dài phần dây dư khoảng từ 3 đến 5 m), đầu dây còn lại sẽ được cố định vào một điểm chắc chắn trên bờ hoặc do một người trên bờ giữ đầu dây. Khi bơi gần đến vị trí nạn nhân hãy hô to hoặc ra ký hiệu và quăng đầu dây đã để dư cho người bị nạn cầm, sau đó ra ký hiệu cho người trên bờ kéo dây vào hoặc người cứu nạn vừa bơi vừa co dây kéo theo nạn nhân di chuyển dần dần vào bờ.
Trung tá Thành nhấn mạnh: "Trong mọi trường hợp cứu đuối nước, nếu nạn nhân đang vùng vẫy mạnh thì người cứu nạn tuyệt đối không được trực tiếp ôm nạn nhân và không để nạn nhân bám vào người mình. Vì khi đó, nạn nhân đang bị hoảng loạn sẽ ôm và siết chặt có thể làm cho cả nạn nhân và người cứu nạn cùng bị đuối nước".
*Trường hợp người cứu nạn biết bơi và có kỹ năng cứu đuối nước:
- Người cứu nạn sẽ bơi tiếp cận từ phía sau nạn nhân, nếu nạn nhân nằm sấp thì tiến hành lật ngửa nạn nhân để phần mặt nhô cao hơn mặt nước. Tiếp đó, dùng 2 tay xốc vào nách nạn nhân từ phía sau rồi bơi ngửa đưa nạn nhân vào bờ.
Bơi ngửa, bơi nghiêng cứu nạn nhân đuối nước
C07
Ngoài ra, người cứu nạn có thể dùng 2 tay ôm chặt 2 bên đầu nạn nhân, giữ cho nạn nhân nằm ngửa phần mặt nạn nhân nhô cao hơn mặt nước, người cứu bơi ngửa để đưa nạn nhân vào bờ.
Trong một số trường hợp khi nạn nhân gần chìm, tùy vào tình hình thực tế mà người cứu nạn có thể nắm cổ áo, nắm tóc nạn nhân từ phía sau và sử dụng kiểu bơi ếch nghiêng để kéo nạn nhân vào bờ. Lưu ý trong tất cả các trường hợp phải giữ cho mặt nạn nhân luôn ngửa và nổi trên mặt nước.
"Ngoài ra, nếu có đông người cứu nạn thì có thể nắm tay nhau kết thành dây người. Trong đó, người trên cùng nắm vào vật cố định trên bờ người cuối cùng nắm tay nạn nhân. Trường hợp 2 người đang ôm nhau dưới nước, mình là người cứu hộ thì khi xuống nước phải biết cách gỡ 2 người ra chứ nhào vô cứu thì mình dễ bị nhấn chìm", anh Thành lưu ý.
Bình luận (0)