Trung tâm Hà Nội: Đường thua nhà trong cuộc đua phát triển

07/05/2022 17:32 GMT+7

Tại khu vực trung tâm Hà Nội , “cuộc đua” phát triển giữa đường và nhà thì đường đã thua dẫn đến hậu quả khó khắc phục là quá tải.

Những tuyến đường đau khổ

Nhiều tuyến đường mới được làm, có thể gọi là “trẻ tuổi”, nhưng cũng sớm "nổi tiếng" là “con đường đau khổ” khi phải gánh theo chi chít nhà cao tầng.

Đường Lê Văn Lương (Hà Nội) "oằn mình" gánh nhà cao tầng

lê quân

Đường Lê Văn Lương từ cầu vượt Láng Hạ đến ngã tư giao với đường Khuất Duy Tiến chỉ dài khoảng 2 km nhưng được biết đến là một trong những "tuyến đường đau khổ nhất thủ đô" khi phải “cõng” đến 40 toà cao ốc chung cư, văn phòng… Đáng chú ý, ven đường này vẫn còn một số lô đất được quy hoạch là nhà cao tầng nhưng đến nay chưa xây dựng.

Theo thống kê của TP.Hà Nội, có đến hơn 6.000 căn chung cư của các dự án bám theo 2 km đường Lê Văn Lương. Có thể kể đến một số dự án có số lượng căn hộ "khủng": 18T1 và 18T2 với 600 căn, Golden Palm có 450 căn hộ, Star City có 462 căn hộ, Hà Nội Center Point 360 căn hộ…

Chung cư "bủa vây" đường Nguyễn Tuân ở Q.Thanh Xuân (Hà Nội)

lê quân

Cách đó không xa là một "con đường đau khổ" khác, đường Nguyễn Tuân, dài khoảng 1 km, rộng 6 - 7 m, nhưng phải "gánh" tới hơn 20 toà chung cư cao tầng. Đường Nguyễn Huy Tưởng dài chưa đến 1 km, rộng chỉ 5 - 6 m (giao với đường Nguyễn Tuân) cũng gồng mình với hơn 10 nhà chung cư.

Trục đường Tố Hữu nối thẳng với đường Lê Văn Lương tại ngã tư giao với đường Khuất Duy Tiến cũng quá tải nhà cao tầng. Có thể điểm danh các toà nhà cao tầng san sát dọc trục đường Tố Hữu như: chung cư Tây Hà; Usilk City 13 tòa chung cư cao 25 - 50 tầng với 2.700 căn hộ; chung cư Hanoi Landmark 51 tầng; Tổ hợp chung cư Roman Plaza 800 căn hộ; Ecolife Capital 760 căn; khu đô thị thành phố xanh, Him Lam… Chưa kể các khu đô thị Văn Khê, An Hưng, Nam Cường, Mộ Lao… cũng có đường đi chính là trục Tố Hữu.

Đường Phạm Văn Đồng trong "vòng vây" của nhà cao tầng

Lê Quân

Anh Nguyễn Văn Ngọc (38 tuổi, nhà ở khu đô thị Văn Khê) cho biết, giờ đi làm buổi sáng và giờ tan tầm buổi chiều đều là những khu giờ “chết tắc” trên trục đường Tố Hữu vì lượng phương tiện quá đông.

Cũng theo anh Ngọc, giá nhà đất ở dọc trục đường Tố Hữu khó có thể tăng mạnh như những khu khác có vị trí tương đương cũng vì tắc đường.

Ghi nhận của Thanh Niên tại Hà Nội còn không ít những tuyến đường “oằn mình” gánh theo nhà cao tầng như Nguyễn Xiển, Triều Khúc, Lĩnh Nam, Linh Đường, Minh Khai…

Nhà cao tầng vẫn "mọc" nhanh hơn làm đường

Với những tuyến đường mới được mở rộng hoặc chuẩn bị được mở thông, thực trạng nhà cao tầng "mọc" lên chi chít vẫn tái diễn.

Đường Phạm Văn Đồng là cửa ngõ phía bắc của Hà Nội, mới đây được đầu tư nâng cấp, mở rộng từ 56 m lên 93 m với tổng mức đầu tư là hơn 3.100 tỉ đồng; cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long được đầu tư tổng vốn là hơn 5.300 tỉ đồng. Năm 2020, đường được thông xe nhưng từ trước đó và đến nay đã và đang có nhiều nhà cao tầng mọc lên.

Cụ thể, tại đầu Nam Thăng Long có hàng loạt tổ hợp các chung cư cao tầng của các chủ đầu tư như Sunshine (dự án Sunshine City có 6 tòa căn hộ với 2.368 căn hộ), Đông Đô (khu đô thị Ciputra), Capital House (dự án nhà ở xã hội Ecohome 1, 2 và 3).

Trong đó, Ecohome 1 có 4 toà cao 12 tầng với 930 căn hộ; Ecohome 2 gồm 2 toà với 980 căn hộ và Ecohome 3 có 5 toà cao từ 31 - 35 tầng với hơn 3.000 căn hộ)…

Một phần tổ hợp nhà chung cư cao tầng ở đầu đường Phạm Văn Đồng phía Nam Thăng Long

lê quân

Tại phía tây Hà Nội, tuyến đường theo quy hoạch nối từ đường Phạm Hùng chạy cắt ngang đường Lê Đức Thọ, nối với đường Trịnh Văn Bô thuộc Q.Nam Từ Liêm dài chừng hơn 1 km, rộng 50 m đến nay vẫn chưa thi công xong, thậm chí có đoạn còn chưa giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, ở những vị trí đường mới trải nhựa thì toà nhà chung cư cao tầng đã hoàn thiện, bàn giao. Đáng chú ý là dọc tuyến đường chưa thông này còn nhiều lô đất quy hoạch xây nhà cao tầng.

Khu đất được điều chỉnh theo hướng chất tải gấp 2 lần tại đoạn đường nối từ đường Phạm Hùng cắt đường Lê Đức Thọ nối với đường Trịnh Văn Bô

Lê Quân

Trên tuyến đường này có khu đất ký hiệu N6.3 với diện tích hơn 4.500 m2 thuộc P.Mỹ Đình 2 (Q.Nam Từ Liêm) có chức năng là Trung tâm giao lưu và phát triển văn hoá công cộng, mật độ xây dựng 40%, cao 15 tầng, hệ số sử dụng đất 6 lần, tổng diện tích sàn là 27.000 m2.

Tháng 9.2021, ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, đã ký quyết định điều chỉnh theo hướng “chất thêm tải” sang thành công trình khách sạn, văn phòng, thương mại và văn hoá cộng đồng cao 30 tầng (tăng 15 tầng), 4 tầng hầm, tổng diện tích sàn hơn 54.000 m2.

Tuyến đường vành đai 2,5 của Hà Nội chạy qua nhiều quận như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ… đến nay chưa thông toàn tuyến do có nhiều đoạn chưa thi công nhưng đã chi chít dự án nhà cao tầng.

Theo dõi trên bản đồ quy hoạch cũng dễ dàng nhận thấy nhiều toà chung cư đã "mọc" lên, hoàn thiện, sử dụng nhiều năm qua. Bên cạnh đó là không ít dự án đã được quy hoạch, nhưng chưa triển khai…

Tình trạng đường chưa thông, nhà cao tầng đã "mọc" lên rất phổ biến ở Hà Nội

lê quân

Cần xem xét lại định hướng đô thị nén để hạn chế quá tải

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nhìn nhận cuộc đua phát triển giữa “đường” và “nhà” tại nội thành Hà Nội đến nay đã rõ kết quả là nhà "mọc" nhanh hơn tốc độ làm đường.

“Đây là cách làm ngược lại của phát triển đô thị. Điều này tạo nên hậu quả rất nặng nề về quá tải hạ tầng.

Bằng mắt thường, muốn biết quá tải hạ tầng giao thông thì cứ giờ đi làm buổi sáng và giờ tan tầm buổi chiều, nhìn từ trên cao trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu sẽ rõ ùn tắc đến cỡ nào.

Những hôm trời mưa lại càng rõ hơn. Gánh chịu hậu quả của quy hoạch tồi đương nhiên không ai khác là người dân”, KTS Phạm Thanh Tùng bức xúc.

Cũng theo KTS Phạm Thanh Tùng, phát triển đô thị nén như khu vực trung tâm Hà Nội sẽ chỉ giải quyết được vấn đề chỗ ở nhưng lại ùn tắc giao thông, quá tải hạ tầng xã hội, thiếu không gian xanh.

Đã đến lúc cần xem xét chấm dứt các quy hoạch, dự án nhà cao tầng trong nội đô. Với những khu vực mới phát triển, cũng nên cân nhắc hạn chế chất tải cao tầng để rút kinh nghiệm, tránh quá tải như khu trung tâm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.