Sau khi tổng kết năm học vào ngày cuối cùng của tháng 6, chị Nguyễn Thị Hương Giang (40 tuổi, ngụ khu đô thị tái định cư P.Sở Dầu, Q.Hồng Bàng, TP.Hải Phòng) đưa cậu con trai học lớp 6 đến Trung tâm huấn luyện cán bộ và dạy nghề thanh niên TP.Hải Phòng đăng ký 1 khóa học kỳ trong quân đội.
Hai mẹ con chị Giang khi đến háo hức bao nhiêu thì khi về thất vọng bấy nhiêu. Khóa học trong quân đội vốn được Trung tâm huấn luyện cán bộ và dạy nghề thanh niên TP.Hải Phòng duy trì từ nhiều năm nay đã không được tổ chức.
Chia sẻ với Thanh Niên, anh Vũ Ngọc Quý, Phó giám đốc Trung tâm huấn luyện cán bộ và dạy nghề thanh niên TP.Hải Phòng, cho biết: “Kế hoạch tổ chức học kỳ trong quân đội năm nay bị phá sản vì đại dịch Covd-19. Các em học sinh kết thúc năm học muộn nên thời gian và sĩ số tham gia khóa học không đảm bảo”.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Cung văn hóa - thể thao thanh niên TP.Hải Phòng. Anh Phùng Dương, Phó giám đốc Cung văn hóa - thể thao thanh niên TP.Hải Phòng, thông tin: “Năm nay, chúng tôi chỉ tổ chức được 13 mô hình học hè, trong khi mọi năm là 23 mô hình. Các môn còn mở được là hát nhạc, mỹ thuật, khiêu vũ, võ, cầu lông, bóng rổ và chơi nhạc cụ”.
Anh Dương lý giải: “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chương trình học kết thúc muộn. Các khóa học hè thường bắt đầu từ cuối tháng 4 thì năm nay phải đến tháng 7 mới được triển khai. Thời gian thay đổi, nên học viên có tâm lý không còn kịp để học hè, đăng ký hoạt động ít hơn”. Bên cạnh đó, theo anh Dương, các trung tâm và thầy cô giáo dạy năng khiếu hè chưa kịp thay đổi giáo trình nên đành bỏ nhiều hoạt động.
Anh Đỗ Hải (32 tuổi, ngụ P.Hạ Lý, Q.Hồng Bàng, TP.Hải Phòng), một phụ huynh đưa con đến Cung này tìm hiểu lớp học hè, nói thêm: “Chương trình học năm nay có nhiều xáo trộn quá. Năm học kết thúc muộn, nhà trường có nói là nghỉ đến tháng 9, nhưng chúng tôi vẫn đề phòng lịch tập trung thay đổi, các con đến trường sớm sẽ ảnh hưởng đến lịch học hè. Có lẽ tôi sẽ chọn môn nào đơn giản, có thể nghỉ bất cứ lúc nào mà không cảm thấy lãng phí quá”.
Cần tính trước để thích ứng mọi hoàn cảnh
Để khắc phục tình trạng này, anh Phùng Dương cho rằng, các trung tâm cần tính toán trước diễn biến của xã hội để đổi mới mô hình hoạt động. “Các môn học có thể duy trì cả năm như võ, âm nhạc cần được mở rộng. Đặc biệt, những lớp bán trú kỹ năng hè như học bơi, làm bếp, kỹ năng sống là một phương án tốt, thu hút phụ huynh và học sinh”.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, phương án mà anh Dương nhắc tới đang được Cung văn hóa thiếu nhi Hải Phòng, trung tâm hoạt động hè lớn nhất TP.Hải Phòng, áp dụng tốt. Ông Lê Như Hải, Giám đốc Cung này, thông tin: “Thực tế, chúng tôi cũng phải hủy khóa “bơi cùng hải quân” đã tổ chức nhiều năm. Tuy nhiên, chúng tôi lại tổ chức được 6 lớp bán trú học bơi, hát nhạc, mỹ thuật, cờ vua, aerobic và võ. Thay vì học 2 tiếng/ngày, các con được học, ăn, ngủ tại trung tâm 8 tiếng. Thời gian học nhiều hơn. Bố mẹ cũng có nơi gửi gắm”.
Theo ông Hải, trong những năm tới, Cung văn hóa thiếu nhi Hải Phòng sẽ phát triển thêm các lớp năng khiếu bán trú tương tự. “Thực tế, tổng số lượng học viên năm nay đã giảm 50% (từ 2.000 em xuống còn 1.000 em), nhưng do có lớp bán trú nên lượng và chất được bù đắp phần nào”, ông Hải chia sẻ.
Bình luận (0)