Sự ra đời của các trung tâm học tập cộng đồng trên cả nước theo quy định là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, học tập suốt đời...
Lớp học phổ cập tại Trung tâm học tập cộng đồng P.19, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Thanh Lịch |
Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động của nhiều trung tâm còn mang tính hình thức, chưa đáp ứng được các nhu cầu, thậm chí nhiều người không biết về sự tồn tại của trung tâm học tập cộng đồng.
“Không biết họ dạy cái gì”
Chiều tối 13.10, anh H.V.B ngồi chờ đón con trước cổng Trường tiểu học Bến Cảng (đường Nguyễn Tất Thành, Q.4, TP.HCM). Ngay trước mặt anh là tấm bảng Trung tâm học tập cộng đồng P.13, Q.4 được treo gần cổng ra vào Trường Bến Cảng. Trò chuyện với chúng tôi, anh B. nhìn nhận: “Tôi thấy tấm bảng này đặt ở đây lâu lắm rồi. Nhưng không chỉ riêng tôi mà có rất nhiều người lâu nay không hề biết trung tâm học tập cộng đồng là dạy cái gì”. Theo anh B., muốn người dân biết đến thì những người quản lý nên ghi rõ những ngành nghề và lớp học mà trung tâm có dạy trên tấm bảng. Trường hợp có những chuyên đề tổ chức hằng tháng thì nên có những tấm băng rôn treo kèm theo.
|
Nằm bên một con sông thoáng đãng, Trung tâm học tập cộng đồng P.Tân Phú, Q.7 có tổng diện tích khá rộng (800 m2). Chiều 7.10, chúng tôi tìm đến đây và thấy trung tâm này khóa cửa. N., một học sinh lớp 9 đang ngồi đợi thầy dạy võ đến, cho hay hằng tuần em học võ 3 buổi (thứ hai, tư, sáu) từ 17 giờ 45 đến 20 giờ tại sân của trung tâm, với mức phí 100.000 đồng/tháng. “Trước đây, em học võ ở một nơi khác. Khoảng 2 - 3 tháng nay, thầy chuyển chỗ dạy qua đây nên em phải di chuyển theo. Thực tình là em không biết gì về trung tâm này cả”, N. thật lòng.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Phó chủ tịch UBND kiêm Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng P.Tân Phú, khẳng định: “Ngoài việc phổ cập giáo dục, trung tâm này còn phổ biến chính sách pháp luật cho người dân, tổ chức hoạt động thể dục thể thao… Bên cạnh đó, còn có hai lớp võ miễn phí”. Theo bà Thanh, 2 lớp phổ cập (lớp 4 và lớp 5) vừa mới thi xong nên tạm nghỉ. Riêng phản ánh của học viên về việc đóng học phí lớp võ 100.000 đồng/tháng, bà Thanh hứa “sẽ xác minh thông tin này”.
Chiều 16.10, khi chúng tôi liên hệ lại, bà Thanh nói: “Thông tin tôi nắm được thì hai lớp võ là miễn phí. Mỗi em chỉ đóng quỹ lớp 20.000 - 30.000 đồng/tháng để mua nước uống hoặc thi lên đai”.
Chưa thu hút giới trẻ
Trung tâm học tập cộng đồng P.17, Q.Bình Thạnh không có trụ sở riêng mà đang tá túc tại Trường THCS Điện Biên. Ông Nguyễn Xuân Minh, Phó giám đốc trung tâm này, nhìn nhận: “Các hoạt động chính của trung tâm là tổ chức báo cáo các chuyên đề về thời sự chính trị, y tế, vệ sinh phòng dịch, sinh hoạt văn nghệ, thể dục thể thao. Tuy nhiên, những hoạt động này cũng còn yếu, chưa thu hút được người dân, đặc biệt là giới trẻ”.
|
Theo quy định hiện hành, nhiệm vụ hàng đầu của các trung tâm học tập cộng đồng là dạy chữ, phổ cập xóa mù. Tuy nhiên, trung tâm trên không tổ chức lớp học phổ cập. Ban giám đốc chuyển những trường hợp có nhu cầu sang trường phổ cập ở P.19, Q.Bình Thạnh. Ông Trần Kế Thiện, Phó giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng kiêm Phó hiệu trưởng trường phổ cập P.19, cho hay lớp phổ cập là nơi tập trung dạy những bạn trẻ thuộc các phường 15, 17, 19, 21, 22 (Q.Bình Thạnh). Theo ông Thiện, nơi đây hiện có 5 lớp học với tổng sĩ số 30 học sinh, mỗi lớp có 2 - 8 học sinh. Ông Thiện chia sẻ: “Sĩ số lớp học cũng rất biến động. Thông thường, lúc mới khai giảng rất đông học sinh nhưng đến khi thi hết năm học thì rơi rụng dần. Bởi lẽ, hoàn cảnh mỗi em mỗi khác. Có những em phải bỏ học giữa chừng vì ba mẹ làm thuê hay dẫn các em đi theo những công trình xây dựng…”.
Tương tự, Trung tâm học tập cộng đồng P.13, Q.4 cũng đóng tại một trường tiểu học. Ông Lê Quốc Thăng, Phó chủ tịch UBND P.13, Q.4 kiêm giám đốc trung tâm này cho biết hoạt động chủ yếu của trung tâm là tuyên truyền pháp luật và những chương trình mang tính chất xã hội. Bên cạnh đó, đơn vị này còn lồng ghép với các cơ sở để tổ chức một số lớp học về vi tính cho người cao tuổi. “Bàn ghế ở Trường tiểu học Bến Cảng dành cho học sinh tiểu học, nên không phù hợp với đối tượng lớn tuổi. Do vậy, chúng tôi phải gửi học viên sang Trung tâm giáo dục thường xuyên Q.4”, ông Thăng nêu thực tế.
Trao đổi với PV Thanh Niên, phó giám đốc trung tâm học tập cộng đồng tại một phường ở Q.7 tâm tư rằng trung tâm của chị không vận động được giáo viên hưu trí tham gia dạy các lớp xóa mù, phổ cập mà chỉ huy động được những tình nguyện viên. Thế nhưng, do người này dạy thế này, người kia dạy thế khác nên học viên không theo được chương trình, dẫn đến chán nản. Theo vị cán bộ này, tuy khá “oách” khi được gọi là “trung tâm” nhưng trong đó lại không có giáo viên chuyên môn, không có trụ sở, không có kinh phí hoạt động. “Chúng tôi rất muốn tổ chức các lớp như dạy bơi, lớp tin học... cho thanh thiếu niên nhưng không có kinh phí thì cũng đành chịu thua. Ngoài ra, trợ cấp của phó giám đốc trung tâm chỉ được 100.000 đồng/tháng, không đủ tiền xăng để đi vận động. Phải thừa nhận là hoạt động của trung tâm ngày càng đi xuống”, phó giám đốc này bộc bạch. (Còn tiếp)
Ý kiến
Chủ yếu là để hội họp, tiệc tùng
Trung tâm học tập cộng đồng P.Tân Phú, Q.7 xây dựng cũng được mấy năm rồi nhưng ngoài việc thấy các em đến học võ, tôi không thấy trung tâm này dạy thứ khác. Nơi đây chủ yếu là để phường đến hội họp, tiệc tùng gặp mặt...
T.P (ngụ tổ 2, KP.1, P.Tân Phú, Q.7)
Giờ được hỏi thì tôi mới biết !
Giờ được hỏi thì tôi mới biết, chứ trước giờ tôi chưa nghe về cụm từ trung tâm học tập cộng đồng. Nếu trung tâm này có tại địa phương thì chính quyền, đoàn thể phải phổ biến rộng rãi cho người dân biết.
T.N.T (ngụ tại P.19, Q.Bình Thạnh)
|
Bình luận (0)