Trung tâm luyện thi đại học bây giờ ra sao?

22/04/2021 07:09 GMT+7

Một buổi chiều nắng oi ả trung tuần tháng 4, tại một trung tâm luyện thi đại học ít ỏi còn sót lại tại Q.1, TP.HCM, số lượng học viên theo học rất ít. 10 năm trước, đây là một trung tâm nổi tiếng.

Tồn tại đã là thành công !
Quản lý trung tâm luyện thi đại học (LTĐH) này cho biết trung tâm tồn tại cho đến nay có thể xem là “thần kỳ”, số lượng học viên hiện tuy ít nhưng cũng hơn so với năm ngoái. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, trung tâm phải đóng cửa dài hạn. Đây là tình trạng chung của các trung tâm LTĐH trong những năm gần đây.

Giáo viên đi thi đánh giá năng lực để ôn thi cho học sinh

Theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), trong kỳ thi ĐGNL đợt 1 vừa qua, trường có 4 thầy cô tham gia thi ĐGNL. Năm nào ĐHQG TP.HCM cũng công bố đề minh họa nhưng thầy cô đi thi để biết đề thi thật sự là như thế nào, sau đó về truyền đạt lại kinh nghiệm cho HS. Kết quả là trong nhóm thầy cô tham gia thi có một thầy giáo môn toán đạt đến 990 điểm.
“Thầy cô dạy các môn học đi thi sẽ có rất nhiều kinh nghiệm để truyền đạt lại cho học trò của mình tham gia thi ĐGNL sau này. Thầy cô cũng sẽ biết cách hướng dẫn cho HS ôn để tham gia thi ĐGNL đạt hiệu quả cao nhất”, ông Phú cho biết.

Hiện tại đối tượng của trung tâm LTĐH thường là thí sinh tự do, thi vào các trường quân sự, công an, ĐH tốp đầu trong năm 2020, nhưng không trúng tuyển nên dành hẳn 1 năm luyện thi để tiếp tục xét tuyển vào các trường này trong năm nay. Trung tâm chủ yếu cũng chỉ dạy các môn toán, lý, hóa, sinh vì các trường ĐH này chủ yếu xét tuyển các khối A00, B00 truyền thống.
Cuối cùng thì cái tên nổi tiếng nhất nhì một thời là Trung tâm LTĐH Vĩnh Viễn cũng đã chính thức... ngưng hoạt động vĩnh viễn. Ông Đặng Văn Thành, nguyên giám đốc trung tâm, cho biết 2 năm trước, sau khi thấy tình hình học sinh (HS) luyện thi quá ít, ban lãnh đạo đã quyết định ngưng hoạt động trung tâm. Ông cũng chính thức nghỉ hưu chứ không tham gia giảng dạy bất kỳ lớp phổ thông hay luyện thi nữa.

Chuyển hướng hoạt động

Tiến sĩ Trịnh Thanh Đèo, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng văn hóa, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết từ năm 2019, ban lãnh đạo đã quyết định ngưng hẳn hoạt động LTĐH. Trung tâm đã chuyển sang dạy bồi dưỡng văn hóa cho HS lớp 6 - 12, truyền cảm hứng cho HS qua các môn học, tận dụng thầy cô từ trường ĐH và Trường Phổ thông năng khiếu… Sau khi chuyển hướng hoạt động, theo tiến sĩ Đèo, trung tâm đã hoạt động tốt hơn trước rất nhiều.

Nhiều website ôn thi đánh giá năng lực

“Ăn theo” kỳ thi ĐGNL của ĐHQG TP.HCM, hiện nay cũng có nhiều webiste, phần mềm điện thoại thiết kế các khóa học để HS tham gia ôn thi. Chẳng hạn, trên mạng có hẳn một website có tên Ôn thi ĐGNL giới thiệu khóa học. Một khóa học có giá 599.000 đồng với tổng thời lượng giảng hơn 61 giờ trên mạng gồm 16 chủ đề với nhiều bài học liên quan. Người phụ trách giới thiệu nội dung khóa học bao gồm: kiến thức căn bản môn toán, lý, hóa, sinh, tiếng Anh phục vụ cho kỳ thi ĐGNL ĐHQG TP.HCM; Thảo luận những vấn đề quan trọng trong phần ngôn ngữ tiếng Việt, tư duy logic, xử lý số liệu phục vụ cho kỳ thi; Bài giải chi tiết và mở rộng những phần kiến thức liên quan của đề mẫu và đề thi chính thức kỳ thi ĐGNL.
Tuy nhiên, người phụ trách cũng lưu ý rằng ĐGNL là kỳ thi không có giới hạn về kiến thức nên kết quả cuối cùng phụ thuộc rất nhiều yếu tố như kiến thức nền tảng, tư chất, sức khỏe, tâm lý, nỗ lực và quyết tâm của các em. Khóa học chỉ hỗ trợ phần nào để giúp HS cải thiện kết quả…
Trao đổi với chúng tôi, phụ trách Trung tâm LTĐH QSC-45 cũng cho biết hiện nơi này vẫn duy trì các lớp LTĐH dù lượng học viên không dồi dào bằng những năm trước. Các thầy cô cố gắng bám trụ duy trì trung tâm vì yêu nghề, yêu công việc đã làm mười mấy năm qua.
“Để duy trì sự hoạt động của trung tâm, đồng thời cũng là để các em có được kết quả tốt hơn, trung tâm thường xuyên tổ chức kiểm tra thi thử, giúp các em rèn luyện kỹ năng và kịp thời củng cố kiến thức. Bên cạnh đó, công tác tư vấn chọn ngành, chọn trường cho học viên cũng được chú trọng, giúp các em có được sự lựa chọn chính xác phù hợp với khả năng và sở nguyện của bản thân. Vì gắn bó với nghề này quá lâu, chúng tôi sẽ luôn cố gắng duy trì trung tâm, mặc dù năm ngoái, khi dịch Covid-19 bùng phát, gần như trung tâm phải đóng cửa gần cả năm”, phụ trách trung tâm chia sẻ.

Bùng nổ “luyện” thi đánh giá năng lực

Thầy giáo Đỗ Đức Anh, giáo viên môn văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), người có kinh nghiệm luyện thi nhiều năm nay, cho biết các trung tâm LTĐH ít học viên là xu hướng tất yếu vì HS hiện nay chủ yếu luyện thi theo tên tuổi của giáo viên. Ở các trung tâm LTĐH có tiếng ngày xưa chủ yếu là thầy cô đã lớn tuổi, ít được HS hiện nay biết đến. HS cũng không đến một trung tâm nào cụ thể nữa mà có thể mỗi môn học với một thầy cô đang dạy tại một trung tâm khác nhau. Hoặc có môn, nếu thầy cô có ôn luyện tại nhà thì HS cũng tìm đến. Tuy nhiên, cũng theo thầy Đỗ Đức Anh, với đề thi và cách thi hiện nay, việc luyện thi cũng chủ yếu nằm ở các môn học chính.

Ý kiến

Trung tâm không có điều kiện ra đề luyện thi đánh giá năng lực
Nhóm biên soạn đề thi ĐGNL thiết kế theo mục tiêu là không thể luyện thi được. Có rất nhiều chuyên gia tham gia xây dựng đề thi và qua rất nhiều vòng. Các trung tâm LTĐH thường ra đề thi thử ĐGNL nhưng vì không có nhiều chuyên gia nên sẽ không thể xây dựng đề thi đúng như kỳ thi được.   
 Tiến sĩ Trịnh Thanh Đèo (Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng văn hóa,Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM)
Xu hướng thi trường nào luyện thi trường đó
Xu hướng các trường ĐH tổ chức các kỳ thi ĐGNL riêng đang ngày càng tăng. Vì vậy, nếu các trường ĐH này mở các lớp luyện thi ĐGNL cho những HS có ý định đăng ký vào học trường mình thì HS sẽ không theo học các thầy cô bên ngoài nữa. Như thế sẽ quay lại thời điểm mười mấy năm trước đây, khi các trường ĐH tự tổ chức thi và cũng mở các lớp LTĐH ngay tại trường mình.     
Đỗ Đức Anh (Giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM)
“Hiện nay có một xu hướng mới là luyện thi đánh giá năng lực (ĐGNL). Tôi có 2 dạng lớp dạy là luyện thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH và luyện thi ĐGNL. Nhưng đề thi ĐGNL của ĐHQG TP.HCM hiện nay rất rộng, khó có thể ôn luyện theo kiến thức có sẵn nên gọi là luyện thi cũng không hẳn. Chủ yếu là dùng đề minh họa của kỳ thi này để hướng dẫn các em làm cho quen dạng đề thi, củng cố kiến thức cho các em theo kiểu đề thi này. Vì vậy, thời gian các lớp này ít hơn rất nhiều so với lớp luyện thi tốt nghiệp THPT. Số lượng HS đăng ký các lớp này cũng chưa có nhiều”, thầy Đỗ Đức Anh chia sẻ.
Đóng vai một phụ huynh có cháu thi ĐGNL đợt 1 vừa qua tại ĐHQG TP.HCM được hơn 700 điểm và muốn luyện thi để nâng cao kết quả trong kỳ thi đợt 2 này, chúng tôi gọi điện thoại đến một trung tâm luyện thi ở Q.Gò Vấp (TP.HCM). Nơi này quảng bá có các lớp luyện thi: ĐGNL, tốt nghiệp THPT, lớp 9 vào lớp 10… Tuy nhiên, người quản lý trung tâm ở đây tư vấn rất cặn kẽ cho rằng gọi là luyện thi ĐGNL cũng chưa hẳn chính xác. Thực chất HS muốn học luyện thi ĐGNL cũng cần có tố chất và tích lũy kiến thức từ trước. Trung tâm chia làm 2 phần ôn tập để HS làm quen là toán và tư duy logic. Còn các môn khác, chủ yếu để HS làm quen dạng đề thi và khơi lại kiến thức cho các em.
“Thường ở đợt thi ĐGNL lần 2, HS có điểm thi cao hơn đợt 1 ít nhất 100 điểm vì đã quen với dạng đề thi, chuẩn bị tâm lý hơn đợt 1 và có kinh nghiệm. Nhiều HS đi thi đợt 1 còn chưa biết đề thi là gì, chưa biết cách tự ôn tập, chưa biết cách khơi dậy kiến thức chứ chưa hẳn điểm thấp là do học kém. Luyện thi ĐGNL là hướng dẫn HS như vậy”, người quản lý cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.