Trung tâm luyện thi đại học đến thời... đóng cửa

08/04/2019 07:52 GMT+7

Các trung tâm luyện thi đại học nổi tiếng đang lần lượt đóng cửa vì không có học viên. Xu thế này ngày càng rõ ràng trong những năm gần đây.

Tháo bỏ bảng trung tâm luyện thi

[VIDEO] Thời hoàng kim đi qua, trung tâm luyện thi đại học vắng vẻ đến khó tin
Buổi sáng một ngày cuối tháng 3, trước cửa một trung tâm luyện thi ĐH của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, những người thợ đang thi công tháo tấm biển cũ đã tồn tại rất nhiều năm ở đây. Dòng chữ “Trung tâm bồi dưỡng văn hóa (BDVH) - luyện thi đại học (LTĐH)” rất lớn được dỡ xuống để chuẩn bị thay bằng bảng Trung tâm BDVH.
Năm sau, nếu không đủ học viên để mở lớp, trung tâm cũng phải tính đến phương án ngừng hoạt động
Đặng Văn Thành (Giám đốc Trung tâm LTĐH Vĩnh Viễn)
Đó là hình ảnh tiêu biểu nhất cho sự thoái trào của những trung tâm LTĐH từng có giai đoạn hoàng kim.
Khoảng 20 năm trước cho đến 4 - 5 năm gần đây, LTĐH gần như trở thành thói quen của các thí sinh. Học sinh (HS) ở các tỉnh đổ xô về thành phố lớn để luyện thi. Những trung tâm LTĐH của các trường ĐH là những địa chỉ quen thuộc, thu hút rất đông học viên theo học. Thế nhưng những năm gần đây, nhiều trung tâm LTĐH của các trường ĐH không có học viên và bắt đầu ngừng hoạt động.
Trung tâm LTĐH của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM từng nổi tiếng nhiều năm trước. Thời hoàng kim, HS ùn ùn đăng ký ôn thi các trung tâm luyện thi của trường ĐH này ở khắp các cơ sở trong thành phố. Nhưng đến năm nay, trung tâm này cũng đã hoàn tất sứ mệnh của mình. Tấm bảng ghi danh luyện thi tại địa chỉ duy nhất ở cơ sở chính (đường An Dương Vương, Q.5) để thời gian thông báo từ tháng 9.2016 mà không có cập nhật gì. Phía trong trường, tấm banner treo phấp phới thông báo chiêu sinh cũng đã cũ. Thời gian thông báo khai giảng từ tháng 10.2018 đến nay vẫn chưa cập nhật.
Theo ông Trần Bình Tấn, cán bộ quản lý Trung tâm LTĐH Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, tình hình ít học viên LTĐH đã kéo dài từ vài năm trở lại đây. Năm 2018, nơi này không mở được lớp học nào. Cho đến thời điểm này, tại đây cũng không có học viên nào đăng ký nên không thể mở lớp.
Trung tâm BDVH - LTĐH của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cũng đã được thay thế bằng Trung tâm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Bảng thông báo luyện thi giờ chỉ còn để một góc.

Đìu hiu, vắng lặng

Một số trung tâm LTĐH nổi tiếng nhiều năm về trước vẫn còn học viên đăng ký nhưng số lượng rất ít ỏi. Ở Trung tâm LTĐH Vĩnh Viễn, số lượng học viên giảm rất rõ. Hiện nay, toán là môn có nhiều học viên nhất cũng chưa đến 50 người. Vì vậy, từ 4 cơ sở luyện thi, nay trung tâm chỉ còn lại 1 cơ sở trên đường Trường Chinh (Q.Tân Bình). Hình ảnh này hoàn toàn trái ngược với cảnh học viên chen chúc đến đây học đến tận 9 giờ tối của những năm về rước.
Ông Đặng Văn Thành, Giám đốc trung tâm, cho rằng đây là xu thế tất yếu. Khi HS vào ĐH ngày càng dễ dàng, các trung tâm luyện thi không còn cần thiết như trước nữa. Hiện nay, học viên tại trung tâm chủ yếu là thí sinh tự do, có hộ khẩu tại các tỉnh, chấp nhận một năm, không vào học tại các trường ĐH thường thường bậc trung mà quyết ôn thi để vào các trường có điểm chuẩn cao như: công an, quân đội, y dược, ngoại thương... Nhưng số lượng học viên vẫn đang giảm dần. Ông Thành cho hay: “Năm sau, nếu không đủ học viên để mở lớp, trung tâm cũng phải tính đến phương án ngừng hoạt động”.
Có mặt tại lớp ôn thi môn toán, Đức Minh (một HS từ tỉnh Bình Phước) cho biết năm ngoái Minh thi được 18,75 điểm, dư sức vào học tại một trường ĐH công lập nhưng quyết tâm ôn thi một năm để năm nay xét tuyển vào Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Minh cho biết trong lớp các bạn đều có lựa chọn như vậy.
Trung tâm 60 An Sương từng nổi tiếng nhiều năm trước, còn đìu hiu hơn. Ông Lương Hải, Giám đốc trung tâm, cho biết số lượng học viên đang theo học tại đây chỉ hơn 40 em. Việc hoạt động đang rất cầm chừng. Tương lai của trung tâm khó nói trước được. Tọa lạc ngay vị trí đắc địa của ngã tư An Sương, trung tâm này từng đón rất nhiều HS khăn gói lên thành phố ôn luyện. Với số lượng học viên quá đông, không kể các lớp học từ sáng đến khuya, lãnh đạo trung tâm còn phải làm hợp đồng thuê mướn lâu dài với một khách sạn lớn gần đó, cải tạo thành ký túc xá cho học viên luyện thi. Nhưng hình ảnh này đã là quá khứ…

“Bỏ nghề” luyện thi

Lãnh đạo nhiều trung tâm LTĐH gần đây đã “bỏ nghề” hoặc chuyển sang những hướng rẽ khác.
Tiến sĩ Phạm Hồng Danh, nguyên Giám đốc Trung tâm LTĐH Vĩnh Viễn, gắn liền với sự thành công vượt trội của trung tâm này những năm về trước. Nhưng từ năm học 2011 - 2012, ông cùng một số đồng nghiệp đứng ra thành lập Trường THPT Vĩnh Viễn và tận dụng đội ngũ giáo viên đầy kinh nghiệm có sẵn ở trung tâm LTĐH. Sự chuyển hướng này không ngờ trở thành hướng đi lâu dài của ông. Mặc dù còn đau đáu với trung tâm LTĐH nhưng với xu thế học viên ít lựa chọn luyện thi, ông gần như giao lại trung tâm cho đồng nghiệp quản lý.
Cũng như tiến sĩ Danh, ông Nguyễn Đức Quốc, nguyên Giám đốc Trung tâm LTĐH 60 An Sương, cũng chuyển hướng sang quản lý trường phổ thông. Ông chia sẻ: “Tình hình LTĐH lúc trước là phong trào, mọc lên như nấm. Từ khi bỏ thi ĐH, các trung tâm yếu dần và giải thể gần hết. Các em hiện tại có điều kiện tự học, và đặc biệt giáo viên phổ thông thể hiện vai trò rất lớn trong việc ôn luyện tại trường. Các em không luyện thi nhiều cũng đã đủ khả năng để vào học ĐH”. (còn tiếp)
Ý kiến
Trúng tuyển ĐH không khó nữa
Hiện nay, nhiều người không quan tâm đến LTĐH do việc trúng tuyển ĐH không còn khó nữa. Ngay cả các trường tốp trên, việc vào ĐH cũng tương đối dễ dàng với HS. Ở mỗi tỉnh cũng có lực lượng thầy cô dạy có chất lượng để HS theo ôn luyện. Một nguyên nhân nữa là chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH cũng rất lớn. Nếu không đậu trường này, thí sinh có thể chọn trường khác để học. Đề thi cũng tương đối dễ với HS; gần như chỉ học kiến thức lớp 12, học trong trường là đủ để đi thi. Để đạt điểm 29 - 30 thì hơi khó nhưng để lấy điểm từ 18 - 25 thì chỉ cần siêng học chút là đạt được chứ không cần đi đến các trung tâm luyện thi như trước nữa.
Tiến sĩ Trịnh Thanh Đèo (Giám đốc Trung tâm BDVH, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM)
Xu hướng hợp lý
Đề thi những năm gần đây phân hóa rõ rệt, sát chương trình phổ thông. Ngoài ra, HS có nhiều phương tiện tiếp cận hơn như học trên mạng, trực tuyến, học nhóm… nên lựa chọn của các em cũng phong phú hơn. Vì vậy, trung tâm LTĐH không còn tồn tại như trước là xu hướng hợp lý.
Nguyễn Đức Quốc (Chủ tịch Tập đoàn giáo dục quốc tế Nam Việt)
Xét bằng học bạ quá nhiều
Hiện nay, các trường ĐH xét học bạ nhan nhản, vào ĐH quá dễ dàng. Nhưng việc vào ĐH dễ dàng như vậy cũng có mặt rất nguy hiểm. Như vừa rồi, ở một trường ĐH có đến 1.500 SV không đủ điều kiện, bị cho nghỉ học. Khi tôi dạy ở Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, vẫn có khoảng 35% không theo học được đến hết 4 năm ĐH.
Đặng Văn Thành (Giám đốc Trung tâm LTĐH Vĩnh Viễn)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.