Không kể các tác giả nước ngoài hay thuộc các thế hệ trước, ta còn thấy các tác giả trẻ đương đại trong nước cho ra đời những truyện ngắn Dưới ánh trăng thượng huyền, tập truyện tâm lý xã hội Trăng thượng huyền hay hàng loạt bài thơ và ca khúc mang tên Trăng hạ huyền.
Ngoài lĩnh vực văn học nghệ thuật, ngày nay hai từ ấy dường như rất ít được nói và viết trong đời sống hằng ngày. Vì vậy, trên các diễn đàn vẫn thường gặp một câu hỏi: "Trăng thượng huyền và trăng hạ huyền là thế nào?".
Có khá nhiều những câu trả lời từ các trang báo, những diễn đàn, các câu lạc bộ thiên văn hay các "nhà phong thủy". Tuy nhiên, các giải thích dường như không thống nhất, gây khó hiểu, và đặc biệt, các bài hầu như có một điểm chung: trăng thượng huyền và trăng hạ huyền là trăng có hình bán nguyệt, vào những ngày mùng 7 hoặc mùng 8 và 22 hoặc 23 âm lịch.
Để hiểu rõ, trước hết là tìm đến các từ điển. Nhưng có thể nhận thấy, khá nhiều từ điển hiện nay không có hai mục từ này; một số có thì giải nghĩa không rõ ràng hoặc chưa đúng.
Cuốn Hán Việt từ điển do học giả Đào Duy Anh soạn năm 1932 viết:
"Thượng huyền – ngày mùng 8, 9 âm lịch, khi mặt trăng mọc như vòng cung"; "Hạ huyền – ngày 22 hoặc 23 âm lịch, hình mặt trăng như cái vòng cung (dernier quartier de la lune)".
Chú thích tiếng Pháp trong ngoặc đơn này có nghĩa là "phần tư cuối cùng của mặt trăng", trong khi ở mục từ thượng huyền không có chú thích tương ứng.
Cuốn Từ điển Hoàng Phê (hay Từ điển tiếng Việt) rất phổ dụng hiện nay giải nghĩa rằng:
Trăng thượng huyền là "… khi mặt trăng có hình bán nguyệt (thường là các ngày 7, 8, 9 âm lịch)"; Trăng hạ huyền là "... mặt trăng đã khuyết thành hình bán nguyệt (thường là ngày 22 hoặc 23 âm lịch)".
Như vậy, hai từ điển đã không thống nhất khi mô tả hình dạng trăng vào cùng một ngày. Theo Đào Duy Anh, trăng thượng huyền và trăng hạ huyền có hình vòng cung; còn theo Hoàng Phê thì chúng có hình bán nguyệt.
Các sách giáo khoa Khoa học tự nhiên cũng cho biết rằng, vào ngày mùng 8 và 23, trăng có hình bán nguyệt, nhưng không dùng hai từ thượng huyền và hạ huyền để gọi tên chúng như hai cuốn từ điển nói trên.
Một bài khác được nói là dịch từ một trang web tiếng Nhật (https://gokuraku-shujo.blogspot.com) lại có một giải nghĩa khác lạ, cho rằng từ "huyền" ở đây là chỉ dây cung, tức là đoạn thẳng nối hai đầu cánh cung, giống như nói "cạnh huyền" là đoạn thẳng nối hai đầu hai cạnh vuông góc trong một tam giác vuông. Và rồi, khi cạnh huyền ấy nằm phía trên cánh cung thì gọi là "thượng huyền"; ngược lại khi nó nằm phía dưới thì gọi là "hạ huyền". Không thể biết được đó là giải nghĩa của tác giả người Nhật hay của người dịch sang tiếng Việt!
Dưới đây xin nêu vài ý kiến góp phần bàn luận cho rõ thêm những vướng mắc vừa nêu, trong đó, từ "trăng" dùng để chỉ phần sáng mà ta nhìn thấy trên mặt gần của mặt trăng luôn hướng về trái đất, và tất cả các ngày tháng là ngày tháng âm lịch.
Giải nghĩa từ ngữ
Thượng/Hạ 上/下 – trên/dưới; đi lên/đi xuống; mới đầu/về sau; trước/sau (về thời gian hoặc thứ tự), như "thượng tuần" – mười ngày đầu của tháng âm lịch; "hạ bán niên" – nửa cuối năm.
Huyền 弦 – cánh cung, cái cung.
Thượng huyền 上 弦 – trăng hình cánh cung vào đầu tháng.
Hạ huyền 下 弦 – trăng hình cánh cung vào cuối tháng.
Waxing moon – trăng nửa đầu tháng, trăng đầy dần lên (từ không trăng đến trăng tròn).
Waning moon – trăng nửa sau của tháng, trăng khuyết dần đi (từ trăng tròn đến không trăng. Không trăng cũng được gọi là Trăng mới vào ngày bắt đầu một tháng âm lịch).
Crescent – lưỡi liềm.
Waxing crescent – trăng lưỡi liềm đầu tháng (cùng nghĩa như thượng huyền).
Waning crescent – trăng lưỡi liềm cuối tháng (cùng nghĩa như hạ huyền).
Như vậy, chỉ cần căn cứ trực tiếp vào nghĩa nêu trên của các từ đã thấy, thượng huyền và hạ huyền là trăng có hình cong như cánh cung hay lưỡi liềm, không phải là bán nguyệt.
Trong tiếng Việt, trăng mới, bán nguyệt đầu tháng, trăng tròn, bán nguyệt cuối tháng là 4 pha khác của trăng. Trong tiếng Anh, chúng cũng mang tên gọi riêng, lần lượt là new moon, first quarter moon, full moon và third quarter moon.
Các pha và ngày xuất hiện
Đã biết, một chu kỳ trăng dài 29,53 ngày, bằng trung bình của một tháng âm lịch. Nếu chia chu kỳ đó làm 4 phần bằng nhau thì mỗi phần dài 7,38 ngày. Trăng bán nguyệt đầu tháng sẽ xảy ra ở cuối phần tư thứ nhất, tức ngày mùng 7 hoặc 8; trăng tròn sẽ xảy ra vào cuối phần tư thứ hai, tức ngày 15 (rằm); bán nguyệt cuối tháng xảy ra vào cuối phần tư thứ ba (ngày 22 hoặc 23) và trăng mới xảy ra vào ngày cuối phần tư thứ tư. Như vậy, vào các ngày mùng 7 hoặc 8 và ngày 22 hoặc 23, mà các từ điển và nhiều văn bản tiếng Việt nói tới ở trên, trăng là bán nguyệt, không phải thượng huyền hay hạ huyền. Chúng chỉ khác nhau ở chỗ, bán nguyệt đầu tháng đang đầy dần lên thành trăng tròn, còn bán nguyệt cuối tháng đang khuyết đi theo chiều ngược lại thành lưỡi liềm mảnh dần, rồi thành không trăng.
Các nhà thiên văn có thể tính chính xác thời điểm ngày giờ xảy ra 4 pha vừa nói. Trong khi đó, trăng thượng huyền và trăng hạ huyền thì khác, chúng không xảy ra ở một thời điểm, mà kéo dài trong suốt cả khoảng phần tư. Trăng thượng huyền xảy ra trong cả khoảng phần tư thứ nhất, nhưng nhìn thấy hình lưỡi liềm rõ nhất vào các đêm mùng 4, 5 và 6, vì trước ngày mùng 4, hình lưỡi liềm quá mảnh, còn sau ngày mùng 6 nó đã đầy lên gần thành bán nguyệt, khiến mắt thường khó phân biệt.
Tương tự, trăng hạ huyền xảy ra trong suốt cả phần tư cuối cùng, nhưng nhìn thấy rõ nhất vào các đêm 26, 27, 28, vì trước ngày 26 nó còn gần như bán nguyệt, và sau ngày 28 nó đã thành lưỡi liềm rất mảnh rồi khuyết dần đi cho đến khi mất hẳn vào ngày cuối cùng của tháng.
Trở lại, từ điển Đào Duy Anh viết rằng, Trăng hạ huyền ngày 22 hoặc 23 có hình vòng cung, với chú giải tiếng Pháp là phần tư cuối cùng. Quả vậy, trăng hạ huyền xảy ra trong suốt cả phần tư cuối cùng, nhưng như vậy không thể viết là vào ngày 22 hoặc 23 được, bởi ngày đó mới chỉ là ngày bắt đầu của phần tư cuối cùng.
Quan sát các pha mặt trăng
Các biến đổi trong hình học của hệ trái đất – mặt trăng – mặt trời là nguyên nhân gây ra các pha mặt trăng, lặp lại sau mỗi chu kỳ 29,53 ngày. Mặt trăng nằm trên quỹ đạo quay đồng bộ, nên nó luôn giữ nguyên một mặt hướng về trái đất.
Trái đất tự quay quanh trục của nó từ tây sang đông một vòng trong 24 giờ, nên quan sát thực tế sẽ nhận thấy mặt trăng cũng như mặt trời đều mọc từ hướng đông và lặn ở hướng tây. Tuy nhiên thời gian trăng mọc và lặn có độ trễ, trung bình muộn hơn khoảng 60 phút mỗi ngày so với ngày hôm trước.
Trăng mới ngày đầu tháng mọc vào buổi sáng cùng lúc với mặt trời, nên không thể nhìn thấy trừ khi có nhật thực. Khi ấy có thể thấy trăng tối đen che một phần hoặc toàn phần mặt trời.
Trăng lưỡi liềm đầu tháng (thượng huyền) mọc lúc khoảng 9 giờ sáng, lặn vào khoảng 9 giờ tối. Như vậy, có thể nhìn rõ vào lúc hoàng hôn ở hướng tây, trong những ngày thuộc phần tư thứ nhất.
Trăng bán nguyệt đầu tháng mọc vào khoảng giữa trưa ngày mùng 7 hoặc mùng 8.
Ngày rằm, trăng tròn mọc khoảng 6 giờ chiều, lặn khoảng 6 giờ sáng, gần như trái ngược với mặt trời. Do đó, có thể nhìn rõ suốt đêm trừ khi có nguyệt thực, lúc đó bóng của trái đất che lẹm một phần hay toàn phần mặt trăng.
Trăng bán nguyệt cuối tháng mọc vào khoảng nửa đêm ngày 22 hoặc 23.
Trăng lưỡi liềm cuối tháng (hạ huyền) mọc vào khoảng 3 giờ sáng, lặn vào khoảng 3 giờ chiều. Như vậy, có thể nhìn rõ trăng hạ huyền từ sau 3 giờ sáng đến lúc bình minh ở hướng đông, trong những ngày thuộc phần tư thứ tư.
Cuối cùng, vì sự giàu đẹp của tiếng Việt, các từ thượng huyền và hạ huyền nên được sử dụng rộng rãi, bắt đầu từ trong nhà trường. Điều quan trọng là cần hiểu cho đúng: trăng thượng huyền và trăng hạ huyền có hình cong lưỡi liềm, không xảy ra vào một ngày cố định, mà mỗi lần kéo dài vài ngày đầu tháng và vài ngày cuối tháng.
Bình luận (0)