Trùng tu chùa Thổ Hà, sau vỡ bia có vỡ trách nhiệm?

30/09/2021 06:51 GMT+7

Khi vụ việc bia thế kỷ 17 bị vỡ ở chùa Thổ Hà còn chưa được xử lý, liên tiếp thông tin của người dân cho thấy hiện vật kiến trúc khác ở chùa cũng bị ảnh hưởng.

Nghi ngờ năng lực trùng tu

Những người yêu di sản trong diễn đàn Chùa Việt cho đến giờ vẫn không nguôi xót xa vì việc bia đá tứ diện chùa Thổ Hà (xã Vân Hà, H.Việt Yên, Bắc Giang) vỡ ra thành 2 khúc lớn và một vài mảnh lẻ trong quá trình được cẩu lên. Tấm bia này đã gắn liền với nhiều thế hệ nhà nghiên cứu Hán Nôm, kiến trúc cổ. Nó còn được đưa vào sách Kiến trúc chùa Việt Nam qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích tập 1. Sách có đoạn: “Trong chùa hiện còn 9 bia đá, ghi về quá trình tạo dựng và trùng tu chùa qua các thời kỳ. Trong đó có bia Tam bảo thị độ bi tạo năm Thịnh Đức nguyên niên (1653) và bia bốn mặt khá lớn mang tên Thủy tạo đại thạch bi, Các chung tam quan Đoan Minh tự bi dựng vào năm Vĩnh Trị thứ 4 (1679)”. 
Về vụ việc chùa Thổ Hà lần này, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương cho biết ông đã giao Cục Di sản xuống kiểm tra để làm rõ hiện trạng của di tích quốc gia này. Theo ông Cương, đây là kiểm tra toàn bộ chứ không chỉ riêng vụ việc bia đá bị vỡ. “Ngoài bia còn một số vấn đề khác cần kiểm tra như trang trí gỗ và 2 con rồng đá chẳng hạn”, ông Cương nói.
Nhưng câu chuyện trùng tu như phá ở chùa Thổ Hà không chỉ dừng ở việc bia đá của ngôi chùa di tích quốc gia này bị tổn hại mà những bức ảnh từ hiện trường cho thấy quy trình tu bổ chùa đã không được thực hiện đúng luật. Chẳng hạn khi thi công, nhiều vật liệu xây dựng đã được đổ đống ngay sát với hiện vật của chùa. Những hiện vật kiến trúc này cũng bị quăng quật, không được bao che, đánh số. So sánh hình ảnh còn cho thấy hiện vật rồng đã bị thiếu một miếng ở lưng và không hề được bảo vệ trong quá trình trùng tu. “Các cấu kiện bỏ lung tung. Cấu kiện gỗ, đá dù còn ít nhưng là đồ cổ, xảy ra mất trộm, dân bán đồ buôn đồ kiếm tiền tỉ đấy! Sao có thể đánh giá mấy hiện vật di tích thấp thế nhỉ?”, TS Phạm Văn Tuấn (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) chia sẻ.
Hiện vật chùa Thổ Hà bị vứt lung tung, không được bảo vệ khiến nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Nam nhớ lại: “Hồi trùng tu đình Thổ Hà cũng thừa ra một số hiện vật trong đống củi trước cửa chùa”. Ông Nam cho biết do tiếc nên ông đã nhắn tin để một viện bảo tàng đến xin các hiện vật bị vứt trong đống củi về.

Chưa có chế tài hình sự khi sai phạm

Vụ việc ở chùa Thổ Hà chỉ nối dài thêm danh sách di tích quốc gia không may bị trùng tu như phá. Còn nhớ năm 2014, đơn vị trùng tu đã dùng cào gạt cho ngói rơi xuống để đỡ công phải dỡ tại di tích quốc gia chùa Sổ (H.Thanh Oai, Hà Nội). Gạch rơi xuống còn làm vỡ móng gạch bó nền của hậu cung chùa này. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình cũng cho biết 1 hương án thế kỷ 17 đã gãy nát do bị gạch ngói rơi xuống. 
Năm 2017, dư luận cũng sững sờ khi di tích quốc gia đặc biệt đền Gióng (H.Gia Lâm, Hà Nội) bị sơn đỏ các mảng chạm. Việc sơn đỏ bằng sơn công nghiệp đã làm hỏng toàn bộ các nét chạm của mảng chạm độc bản quý từ thế kỷ 17 tại đây. Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt, cũng là một chuyên gia về sơn mài, cho biết việc khắc phục sẽ rất khó khăn và vô cùng tốn kém. Cũng phải nói thêm, việc sơn đỏ này không nằm trong hạng mục trùng tu được cấp phép. Đến năm 2020, di tích quốc gia đình Trùng Hạ (Ninh Bình) lại thành điểm nóng với toàn bộ mảng chạm bị sơn đỏ vàng, trở nên xấu xí…
Tất cả những vụ việc nêu trên đều giống nhau ở chỗ chưa hề có một chế tài hình sự nào cho cả cá nhân lẫn đơn vị trùng tu. Trong khi đó, đơn vị trùng tu di tích buộc phải là một đơn vị hiểu biết về chuyên môn. Họ phải đáp ứng những yêu cầu nhất định về hiểu biết luật Di sản, trùng tu qua các chứng chỉ của người trong đơn vị. PGS-TS Khuất Tân Hưng (Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội) cho rằng so với thiết kế kiến trúc thông thường, thiết kế trùng tu di tích còn khó hơn nhiều. Tuy nhiên, các chứng chỉ trùng tu hiện nay đang ở dạng đào tạo ngắn hạn. Chính vì thế, có lẽ thời gian tới cần đặt lại vấn đề chất lượng, khối lượng kiến thức cho chứng chỉ này.
Vấn đề nữa đặt ra là liệu có thể thu hồi giấy phép của những công ty, đơn vị trùng tu đã làm sai chuyên môn hay không? Về điều này, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho hay trước mắt, việc xử lý đơn vị trùng tu (nếu có) phụ thuộc vào quyết định của địa phương, cũng là chủ đầu tư. Bộ VH-TT-DL chỉ có thể yêu cầu nếu làm sai thì phải làm lại mà thôi. Đây cũng là điểm khúc mắc mà thời gian tới, khi sửa đổi luật Di sản, các nhà làm luật cần chú ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.