Xuống cấp, mất an toàn
Điện Thái Hòa, biểu tượng quyền lực của triều đình nhà Nguyễn, là công trình kiến trúc tiêu biểu của di tích cố đô Huế còn được lưu giữ nguyên vẹn cho đến nay. Đây không chỉ là công trình kiến trúc mà còn là nơi lưu giữ hệ thống văn thơ, theo hình thức trang trí nhất thi, nhất họa độc đáo đã được UNESCO công nhận Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã cho xây dựng công trình điện Thái Hòa vào năm 1805 tại khu vực Đại Cung môn. Đến năm 1833, vua Minh Mạng cho xây dựng lại công trình ở vị trí hiện nay. Trải qua hơn 200 năm tồn tại, trước các tác động của thời gian và khí hậu khắc nghiệt, mặc dù trải qua nhiều lần tu bổ, trùng tu dưới các triều vua Nguyễn nhưng đến hiện nay điện Thái Hòa bị xuống cấp nghiêm trọng.
Theo ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, hiện dự án mới được Bộ VH-TT-DL thẩm định và thỏa thuận chủ trương. Sắp đến, dự án còn phải hoàn tất thêm các thủ tục đầu tư để trình các cấp thẩm quyền phê duyệt mới có thể khởi công.
|
Bên cạnh đó, hệ thống sân và lan can của sân Đại triều nghi gồm 2 tầng lát đá thanh nghiêng lún cục bộ, nứt vỡ ở một số vị trí. Sân đường phía bắc, đông và tây lát gạch Bát Tràng nứt vỡ gần hết, nghiêng lún không đều; tường chắn đất và lan can xuất hiện các vết nứt, nhiều vị trí xô lệch mất liên kết, có nguy cơ gãy đổ cao. Bên trong nội thất, ngai thờ, bửu tán và các hiện vật... bong tróc sơn, ẩm mục sứt vỡ. Đặc biệt, cơn bão số 5 năm 2020 đã làm toàn bộ chái phía tây chính điện bị gãy đổ, gây nguy hiểm nghiêm trọng cho công trình cũng như sự an toàn của du khách. Hạ tầng và một số hệ thống kỹ thuật khác cũ và xuống cấp, thậm chí chưa có hệ thống báo cháy tự động.
|
“Giải pháp triệt để”
Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế (gọi tắt trung tâm), cho biết việc tiến hành bảo tồn tu bổ tổng thể điện Thái Hòa là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Theo ông Nhật, kết quả phân tích các cứ liệu lịch sử và tình trạng kỹ thuật công trình cho thấy mặc dù bị hư hại nặng, nhưng về cơ bản điện Thái Hòa hiện vẫn được bảo tồn nguyên vẹn các giá trị cốt lõi xuyên suốt trong giai đoạn 1833 - 1945. Do đó, trung tâm đã đề xuất phương án bảo tồn tu bổ trên cơ sở hiện trạng của công trình.
Về phương án thi công, ông Nhật cho biết công tác hạ giải công trình sẽ được tiến hành song song với công tác vẽ ghi từng kết cấu; cùng với việc scanner 3D toàn bộ công trình trước khi hạ giải để lưu giữ quy mô, hình thức kiến trúc. Đồng thời, ghi chép lại công nghệ truyền thống, tính toán lựa chọn các giải pháp trùng tu tối ưu cho các kết cấu và chi tiết kiến trúc.
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế, cũng khẳng định hạ giải công trình để trùng tu là giải pháp xử lý căn bản và triệt để nhất các vấn đề của công trình. “Đây là phương pháp đã được các chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản như nghệ nhân Tanaka Fumio (di sản sống của Nhật), TS Shigheeda Yutaka (GS Khoa Kiến trúc, Đại học Nihon - Nhật Bản) chuyển giao công nghệ cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật của trung tâm và đã thực hiện thành công ở các di tích như Hữu Tùng tự (lăng Minh Mạng), Triệu Tổ miếu (Đại nội), điện Minh Thành (lăng Gia Long), Phu Văn lâu, Nghinh Lương đình...”, ông Hải nói.
Tuy nhiên, theo TS Hải, việc hạ giải phải đặc biệt lưu ý ở ít nhất 2 điểm. Thứ nhất, khảo sát thật kỹ càng để chọn giải pháp hạ giải các bộ phận của công trình, đảm bảo không hư hại. Thứ hai, chuẩn bị kho bảo quản chu đáo để bảo vệ các cấu kiện gỗ, họa tiết trang trí và hạ giải phải gắn liền với đánh giá và bảo quản.
Theo văn bản thỏa thuận (ngày 8.4) của Bộ VH-TT-DL về dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa, có các nội dung đáng chú ý đối với bộ khung gỗ. Đó là bảo tồn tối đa các cấu kiện gỗ; thực hiện biện pháp bảo quản đối với các cấu kiện gỗ còn tốt, gia cố tu bổ đối với các cấu kiện gỗ bị hư hỏng một phần, chỉ thay thế (hạn chế) đối với các cấu kiện gỗ đã hư hỏng hoàn toàn... Trong đó, lưu ý phải “hết sức thận trọng” khi bảo quản, tu bổ các mảng trang trí chạm khắc có các hoa văn, chữ viết (giữ nguyên vẹn các chi tiết này cả về màu sắc và hình dáng).
Bộ VH-TT-DL cũng đề cập nội dung liên quan đến sơn son thếp vàng, ngói, về bờ mái và con giống khảm sành sứ, hệ thống trang trí pháp lam và tu bổ, phục hồi ngai vàng, bửu tán, đồ nội thất…
Văn bản do Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương ký cũng đặc biệt lưu ý, dự án tiếp tục sưu tầm tư liệu để bổ sung cơ sở khoa học cho việc phục hồi nền lát gạch hoa tại hai gian đầu hồi. Các chi tiết trang trí đắp vẽ trên mái được yêu cầu giữ gìn tối đa nguyên vẹn và có giải pháp phục chế nguyên màu sắc của các thành phần trang trí; bảo tồn tối đa các cột mái lưa phía sau điện...
Cần tôn trọng di sản
Không phải ngẫu nhiên, văn bản thỏa thuận của Bộ VH-TT-DL về trùng tu điện Thái Hòa lại có nhiều điểm nhắc nhở, lưu ý như vậy. Là chuyên gia trùng tu bảo tồn di tích, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương rất hiểu sự phức tạp của trùng tu điện Thái Hòa - một phần cố đô Huế, di sản thế giới UNESCO. Chưa kể, việc “trùng tu như phá” tại các di tích cũng không hề ít.
Tại di tích quốc gia chùa Sổ (H.Thanh Oai, Hà Nội), năm 2014, việc trùng tu đã diễn ra theo kiểu gạt gạch ngói rơi vỡ ào ào. Ghi nhận của Cục Di sản tại hiện trường khi đó cho thấy, không hề có biện pháp bảo vệ móng gạch, bó nền của hậu cung. Một hương án thế kỷ 17 đã bị gãy nát.
Năm 2017, di tích quốc gia đặc biệt đền Gióng (H.Gia Lâm, Hà Nội) bị sơn đỏ các mảng chạm đã làm hỏng toàn bộ các nét chạm của mảng chạm độc bản quý từ thế kỷ 17.
Năm 2020, di tích quốc gia đình Trùng Hạ (Ninh Bình) lại thành điểm nóng với toàn bộ mảng chạm bị sơn đỏ vàng khiến trở nên xấu xí.
Liên tiếp nhiều vụ trùng tu tôn tạo bất ổn khiến GS Hoàng Đạo Kính, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, gọi đó là “trùng tu văng mạng, tôn tạo quá tay”, hoàn toàn sai lạc tinh thần so với di tích gốc.
PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia, cho rằng việc trùng tu như phá rất đáng lo. “Dù luật có quy định rõ thì nhiều khi trùng tu vẫn không làm dự án chuẩn, không quản lý dự án tốt. Chưa kể, còn có tâm lý muốn hoành tráng mà không hiểu rõ di sản”, ông Bài nói. Ông Bài nhắc tới trường hợp trùng tu kiểu mẫu ở đình Chu Quyến (TX.Sơn Tây, Hà Nội). Đây là trường hợp trùng tu đã được giải thưởng quốc tế về bảo tồn di sản tại Nhật Bản. “Ở Chu Quyến, hồ sơ các bước nghiên cứu, làm tư liệu, công đoạn bảo tồn đã được ghi chép rất kỹ để khi trùng tu di tích khác có thể tham khảo”, ông nói.
Bình luận (0)