Trùng tu… phá đình Quang Húc

24/03/2014 03:00 GMT+7

Nghê “cụ” bị thay bằng nghê “nhỏ”. Xà, cột khi ghép vào rời nhau mấy phân, dột tứ tung. Mảng chạm cổ kính nay thành tươi rói. Đó là những hình ảnh tu bổ ở đình Quang Húc (Ba Vì, Hà Nội).


Cặp nghê cổ suýt nữa bị đơn vị thi công vứt bỏ (ảnh lớn); Cột được ghi rõ tình trạng vẫn còn dột (ảnh nhỏ) - Ảnh: Vũ Thị Hằng - Nam Nguyên 

Khi một nhóm những nhà nghiên cứu mỹ thuật “tay trái” tới đình làng Quang Húc vào chiều 22.3, họ đã cùng người dân giữ lại cặp nghê cổ mà đơn vị trùng tu đang chuẩn bị bê đi khỏi đình. “Tôi đã đề nghị không cho mang đi. Các cụ trong làng cũng đồng ý. Tôi cũng đề nghị tái sử dụng một số dầm xà còn dùng được”, ông Hoài Nam - một người nghiên cứu mỹ thuật cổ từ nhiều năm nay, cho biết. Ông Nam đã tự học với sự tham vấn của một số nhà nghiên cứu của Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội.

Những đề nghị của ông Nam, về mặt nguyên tắc trùng tu, là hoàn toàn có lý. Trên thực tế, những công trình trùng tu đều cố sử dụng càng nhiều càng tốt các cấu kiện, thành tố cũ của công trình. Chẳng hạn, trùng tu ở đình Chu Quyến còn xử lý những cây cột lớn đã tiêu tâm. Các nhà khoa học đã “thêm ruột” một cách khoa học cho những cây cột đó để nó tiếp tục gánh vác đình.

Tuy nhiên, ở Quang Húc (Ba Vì, Hà Nội), ngôi đình đã trùng tu khoảng 5 năm mà chưa nghiệm thu này, nguyên tắc bảo tồn đã không được tôn trọng.

Sờ đâu dột đó, nhìn đâu sai đó

Trong khi những con nghê cũ vẫn có thể tiếp tục sử dụng thì trùng tu đã cho làm những con nghê mới. Bản thân những con nghê mới này hoàn toàn không đạt tiêu chuẩn để thay thế. Chúng nhỏ hơn rất nhiều so với bản gốc. Một số chi tiết tạo tác cũng không giống cũ. Trong khi nghê mới chỉ có thể thay nghê cũ khi nghê cũ không thể sử dụng tiếp và nghê mới là bản sao 1-1 của bản gốc.

 

Tôi sống ở đây đã 70 năm, thế mà làm thế này chúng tôi không chấp nhận được

Ông Nguyễn Văn Lợi

Chưa hết, xà của khám thờ cũ với những hoa văn tinh tế bị vứt lỏng chỏng. Một xà mới đã thế chỗ của nó. Còn bức y môn bỗng nhiên bị sơn công nghiệp đỏ chói, chẳng hề liên quan đến bản cũ sơn son thếp vàng cổ kính.

Ông Hoài Nam cho biết cũng với cách có mới nới cũ dại dột đó, những con xô con kìm bằng đất nung trên mái đã biến mất. Thay vào đó là những hiện vật mới bằng xi măng.

Bằng kiểu trùng tu vô lối này, đình làng được “tặng” những vết sẹo chằng chịt. Việc chạm khắc sai lệch nội dung, kích thước đã khiến các cấu kiện không thể lắp khít với nhau. Vì thế, ở một số chỗ, các xà, cột chỉ được lắp gá vào nhau, không ăn mộng. Người ta còn bôi trát thêm một vài chất liệu để gắn chúng lại. Đã xấu, lại thiếu an toàn.

“Các mộng, mạng không bảo đảm kỹ thuật. Đặc biệt những cái hoành đòn tay này, anh em chúng tôi lo. Chúng rất nặng nhưng người ta cắt khoét mộng có cái chỉ còn hơn một phân, không đảm bảo an toàn. Cái xà trước đục liền, thì bây giờ nhà thầu cho thợ đục rời rồi lắp ghép, dán và đóng đinh”, ông Ngô Văn Lưu - nguyên Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đông Quang cho biết.

Mong thánh không còn đi ở nhờ

Theo ông Lưu, từ ngày trùng tu đình làng, ông cùng người dân cũng vào cuộc. Họ tự nguyện làm giám sát cộng đồng. Vì thế, những điều không ổn từ phần móng, tới phần dựng, phần lợp, họ đều biết cả. Thậm chí họ còn kiến nghị bằng biên bản. “Kiến nghị bằng biên bản thông qua Đảng ủy, UBND xã, Ban Văn hóa - Thông tin xã. Nhà thầu có vài tiến triển nhỏ, như thay được 4 cái đao không đủ quy cách, thay được cây hoành và một số rui…”, ông Lưu nói.

Ông Nguyễn Văn Long, thành viên Thanh tra nhân dân xã xã Đông Quang lại đau đáu nỗi xót xa tiền nhà nước. “Cái này được nhà nước cho tiền để dân trùng tu. Tôi nói là rất quý, là nhà nước rất quan tâm đến nhân dân, đến nơi cộng đồng này. Nhưng không cho giám sát cộng đồng, không có một ai vào đây, người dân vào đây cả. Đánh mất cái quyền dân chủ của dân tham gia góp ý”.

“Tôi sống ở đây đã 70 năm, thế mà làm thế này chúng tôi không chấp nhận được. Cột thì chân ra chân vào. Gỗ thì thiếu thể. Lắp các con giống bung biêng thế kia thì tôi sợ xảy ra tai nạn. Khi dựng không lợp mái tôn che, để nước mưa đầy hết vào cột rỗng”, ông Nguyễn Văn Lợi, 70 tuổi, sống gần đình nói.

“Vì vậy chúng tôi đề nghị nhà nước và các ban ngành vào cuộc để kiểm tra lại cái đình này cho đúng với mục đích nhà nước đầu tư”, ông Long nói. Còn với nhiều dân khác, họ chỉ mong đình sớm hoàn thành trùng tu, để người dân còn có đình làng. Cũng là để thánh của họ khỏi phải đi ở nhờ, bởi đình sửa, thánh đã phải đi ở nhờ quá lâu.

Nam Nguyễn - Trinh Nguyễn

>> Vinh danh đờn ca tài tử - di sản văn hóa của nhân loại
>> Đờn ca tài tử được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể
>> Đờn ca tài tử Nam bộ được công nhận di sản văn hóa phi vật thể
>> Triển lãm dấu ấn di sản văn hóa Pháp ở Việt Nam
>> 800 bức ảnh khổ lớn về di sản văn hóa Việt Nam đã được trưng bày triển lãm dọc đất nước
>> Đề xuất công nhận dù kê là di sản văn hóa phi vật thể 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.