“Trùng tu theo chuẩn khó lắm !”

17/10/2012 03:20 GMT+7

Trùng tu khoa học và chuẩn xác thường chỉ khi nó là nghiên cứu khoa học, một người trong ngành trùng tu di tích nêu ý kiến.

Trong trao đổi về khảo sát nghiên cứu di tích tại Viện Bảo tồn di tích sáng 15.10, Viện trưởng - kiến trúc sư Lê Thành Vinh cho mang tới một phần nhỏ của hồ sơ trùng tu đình Chu Quyến (Ba Vì, Hà Nội) để người trong nghề tham khảo. Gọi là một phần nhỏ, nhưng những cặp tài liệu dày cũng chiếm trọn một mặt bàn. Điều đó lý giải phần nào hiệu quả trùng tu đạt tới trên 70% giá trị của cha ông để lại, và Chu Quyến trở thành mẫu mực của công tác trùng tu.

Trong những tập tài liệu của dự án thực nghiệm tu bổ tôn tạo trên, các hồ sơ nghiên cứu khảo sát được thực hiện “li ti” đến từng viên gạch, hòn ngói. Theo đó, chỉ riêng ngói có tới 51 loại, với hình ảnh cụ thể. Mô tả cụ thể về 48 cột của đình được thể hiện trong một tập hồ sơ riêng. Những cột này theo khảo sát đều bị tiêu tâm và hư hỏng ở các mức độ khác nhau. Hồ sơ khoa học về đặc điểm giá trị di tích sẽ được lưu giữ. Tài liệu này để lưu truyền cho thế hệ tiếp theo cũng như quá trình tu bổ, bảo tồn di tích những lần sau.

 Ô Quan Chưởng - một công trình trùng tu di tích đúng bài bản do Viện Bảo tồn di tích thực hiện - Ảnh: Ngọc Thắng
Ô Quan Chưởng - một công trình trùng tu di tích đúng bài bản do Viện Bảo tồn di tích thực hiện - Ảnh: Ngọc Thắng

Nhưng việc tạo hồ sơ gốc này không mấy khi được làm khoa học. Một ví dụ, khi di tích chỉ còn mỗi nền móng, cơ quan tư vấn vẫn viết cả trang mô tả số gian, số cột “chép” của một nghiên cứu không liên quan. Một nguồn tin khác, đối chiếu hồ sơ gốc thời Pháp, dự án tu bổ chùa Trăm Gian đã được phê duyệt cũng sai khác yếu tố gốc ít nhiều.

Việc khảo sát vi khí hậu, địa chất, sinh hóa cũng được thực hiện đồng thời tại dự án Chu Quyến. Kết quả nghiên cứu cho thấy có tới 17 loại nấm ở Chu Quyến dưới một màu xanh rải đều trên cấu kiện gỗ. Mối mọt cũng có tới 11 loài. Cùng với khảo sát, bộ phận nghiên cứu kỹ thuật, phòng thí nghiệm hóa học cũng “chạy hết ga”. Ngói mới thay thế phải sản xuất bằng lò thủ công truyền thống. Chất đất tương tự sau khi tìm thấy được nung bằng rơm. Công thức thuốc cho 17 loại nấm cũng phải tính sao cho hạ giá thành.

Tuy nhiên, theo một cán bộ quản lý di tích tại Quảng Ngãi, Chu Quyến chỉ là một trường hợp nghiên cứu khoa học. Do đó, một Chu Quyến thứ hai với lớp lang chuẩn mực công việc như trên rất khó lặp lại trên thực tế. Kinh phí khảo sát sẽ rất thấp bởi nó thường được tính vào kinh phí thiết kế vốn đã không cao. Ngoài ra, một khó khăn nữa có thể xảy ra là trách nhiệm quản lý di tích chồng chéo. “Tại di tích nơi tôi công tác, huyện lại là đơn vị đứng ra xây dựng kế hoạch và phụ trách việc trùng tu. Bản thân Ban quản lý di tích cũng không hề biết về phương án kỹ thuật sửa chữa”, cán bộ thuộc Ban quản lý một di tích thuộc Hà Nội cho hay.

Trên thực tế, hầu hết những người tham gia trùng tu có mặt đều cho rằng một quy trình nghiêm ngặt như tại Chu Quyến rất khó có trên thực tế. Ngay cả việc tưởng như rất đơn giản là trao lại một bộ hồ sơ gốc cho ban quản lý di tích sau khi hoàn thành trùng tu cũng không được thực hiện.

Tuy nhiên, kiến trúc sư Lê Thành Vinh cho rằng vấn đề ở chỗ người ta có muốn làm đúng quy trình hay không. Thực tế công việc của ông cho thấy hoàn toàn có thể có kinh phí khảo sát độc lập với kinh phí thiết kế. “Theo luật Xây dựng, việc khảo sát phải được thực hiện riêng. Và bởi chưa có thông tư hướng dẫn cho việc trùng tu nên công tác này vẫn chủ yếu áp dụng luật Xây dựng”, ông nói.

Trinh Nguyễn

>> Trùng tu di tích Tả Tùng tự của lăng Minh Mạng
>> Bất cập trong trùng tu di tích Tây Sơn thượng đạo
>> Triển khai hai dự án trùng tu di tích có quy mô lớn ở Thừa Thiên - Huế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.