Một buổi tối, bộ đội đốt lửa vui văn nghệ với nhân dân bên Phố Đúng, Chính ủy Chiến khu 2 Lê Hiến Mai trực tiếp cùng đi với lãnh đạo Bộ Chỉ huy Tây Tiến, gợi ý: “Các cậu muốn biết bọn Tàu - Nhật đối xử với nhau và quân ta thế nào không?”.
Các ông Tuấn Sơn, Anh Đệ và Lâm Ngọc đoán biết ý định của Chính ủy nên ông Tuấn Sơn trả lời: “Chắc anh muốn chúng ta vui liên hoan mời bọn chúng cùng dự để thăm dò ý đồ chứ gì?”. Ông Lâm Ngọc hưởng ứng: “Hay đấy, có thể thông qua đó mà biết chúng đối với ta như thế nào?”. Còn ông Anh Đệ bình luận: “Anh Lê Hiến Mai chơi kiểu thâm thúy, muốn hổ và sư tử đấu cho ta ngồi xem”.
Họ lập tức cử người đưa giấy mời tới tướng Lư Hán và quan năm Nhật tên là Mahashimoto. Nhưng tối văn nghệ ấy chỉ có 10 sĩ quan Nhật được cử sang dự. Kế hoạch xem “hổ đấu sư tử” không thành.
Theo sát từng chặng hành quân
Thời gian đó, Bộ Chỉ huy Chiến khu 2 đã điều gần 15 đại đội qua đất Hòa Bình đi Tây Tiến. Tất cả các đơn vị đi Tây Tiến đều do Khu trưởng Hoàng Sâm cùng Chính ủy Lê Hiến Mai chỉ huy. Khi quân Pháp từ Vân Nam (Trung Quốc) trở lại đánh chiếm Lai Châu và mở rộng thành mặt trận phía tây, bộ đội Tây Tiến mau chóng sang chặn chúng từ bên Lào. Hoàn thành nhiệm vụ, đội “quân xanh màu lá dữ oai hùm” ấy đã chia tay với bộ đội Lào bằng rượu cần, để rút về nước theo đường Phú Lệ - Thanh Hóa, Mai Châu - Hòa Bình lại qua Suối Rút, Chợ Bờ - Phương Lâm - Hòa Bình, sau đó xuôi thuyền sông Đà về bến Trung Hà.
Tới Trung Hà, Hãng ô tô Mỹ Lâm đưa cả đội về làng Tông - Sơn Tây, nơi Bộ Chỉ huy Chiến khu 2 đóng. Vừa đặt chân xuống, anh em đã thấy Chính ủy Lê Hiến Mai hồ hởi ra đón.
Giữa tháng 5.1946, đoàn quân Tây Tiến lên đường lần thứ hai. Lần này, đoàn gồm có 2 tiểu đoàn Vũ Hiến, Kim Thành và chính trị viên Lê Linh chỉ huy. Đoàn được lệnh rời Sơn Tây ra đi theo con đường ngoằn ngoèo từ Hồng Phú qua sông Đáy, vượt dốc Bòng Bong đến Chi Nê, sang Nho Quan rồi theo đường 12 hành quân lên thị xã Hòa Bình. Bộ đội được lệnh ở ba ngày nhận vũ khí của Tỉnh ủy Hòa Bình tặng.
Sương sớm còn đang phủ kín núi đồi, tiểu đoàn Kim Thành lên đường đi Tây Tiến chuẩn bị rời thị xã Hòa Bình. Tiểu đoàn vừa hành quân đến Suối Rút, đã thấy Chính ủy Lê Hiến Mai ra đón. Thay mặt Bộ Tư lệnh Chiến khu 2, Chính ủy giao nhiệm vụ cho tiểu đoàn: “Khẩn trương vượt qua Sơn La trong tư thế sẵn sàng chiến đấu”.
Những hình ảnh ấy ghi dấu ấn sâu đậm với người chiến sĩ Tây Tiến về thủ trưởng của mình đã theo sát diễn biến và điều quân đối phó linh hoạt với cả quân Pháp và quân Tàu Tưởng.
Vị tướng trẻ nhất toàn quân
Lê Hiến Mai là vị tướng trẻ nhất trong đợt phong quân hàm đầu tiên (1948), và có lẽ cũng là trẻ nhất cho đến ngày nay, khi vừa tròn 30 tuổi.
Sinh thời, cụ bà Ngô Duy Liên, vợ tướng Lê Hiến Mai, vui vẻ kể cho người viết bài này biết: “Ông nhà tôi có hàm răng hô nên mọi người hay trêu đùa là “mái hiên”. Biết chuyện, Hồ Chủ tịch cho gọi ông tướng “mái hiên” lên, rồi đặt bí danh mới cho ông bằng cách nói lái thành Hiến Mai. Cái tên Lê Hiến Mai có từ đó”.
Giáo sư Văn Tân, nguyên là chủ bút Báo Cứu quốc, từng kể khi ở Việt Bắc năm 1948, Chính phủ ta tổ chức phong tướng cho các ông Võ Nguyên Giáp và Lê Hiến Mai. Để giới thiệu các vị tướng ấy, cần phải đăng ảnh trên báo, bên cạnh tóm tắt tiểu sử. Chân dung của hai vị tướng do họa sĩ Trần Thọ vẽ và in trên Báo Cứu quốc. Xem xong bức vẽ trên báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ thái độ không hài lòng và dặn chủ bút phải rút kinh nghiệm khi minh họa phải chú ý đến sự oai phong của ông tướng đối với dân.
Đang công tác ở Chiến khu 2, tháng 9.1948, tướng Lê Hiến Mai được lệnh theo đoàn công tác vào Nam, nhận nhiệm vụ Chính ủy Bộ Tư lệnh Nam bộ, Phó bí thư Xứ ủy, rồi Phó tư lệnh Nam bộ...
Tại Nam bộ, ông Lê Đức Thọ đã “làm mai” người cán bộ phụ nữ tỉnh Bạc Liêu là bà Ngô Duy Liên cho tướng Lê Hiến Mai. Đám cưới của ông bà được tổ chức ngày 30.4.1954, một tuần trước khi Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Đại diện nhà trai là ông Lê Đức Thọ; đại diện nhà gái là ông Ung Văn Khiêm.
Bình luận (0)