Trung úy trẻ đến tận nhà làm căn cước công dân

24/03/2018 09:00 GMT+7

Không ngại gian khó, trung úy Võ Tuấn Thanh trực tiếp làm hàng trăm căn cước công dân tại nhà ở các quận, huyện, vùng sâu vùng xa, miền núi cho học sinh, người già, neo đơn, có hoàn cảnh thương tâm, tàn tật không thể đi lại.

Dưới cái nóng rát 33 độ C ở Sài Gòn, từ sáng đến trưa 16.3 chúng tôi theo chân trung úy Võ Tuấn Thanh (30 tuổi, quê Thanh Hóa), cán bộ Đội 3 (Đội Cấp quản lý căn cước công dân (CCCD) thuộc Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64), Công an TP.HCM) để làm CCCD cho 4 trường hợp ở Q.1, Q.3, Q.4, Q.7 là những người già yếu, bị bệnh liệt không thể lên trụ sở của PC64 làm CCCD được. Có trực tiếp đi mới thấy sự vất vả và tấm lòng bao dung luôn muốn giúp đỡ người khác của Thanh. Thanh luôn được lãnh đạo và đồng nghiệp yêu quý, đánh giá cao bởi sự nhiệt huyết trên mọi mặt trận.
Năm 2008, Thanh học ngành quản lý hành chính của Trường trung cấp Cảnh sát nhân dân 2 (TP.HCM); Năm 2009, anh ra trường, về làm việc tại Đội 3 đến nay.
Có người hơn 100 tuổi không có CCCD
Tất bật từ sáng đến trưa, Thanh nhanh chóng làm mọi thủ tục trên máy tính, chụp ảnh thẻ, lấy dấu vân tay của các cụ già để các cụ được nghỉ ngơi. Có lẽ việc khó khăn nhất khi làm CCCD cho người già là lấy dấu vân tay bởi dấu vân tay của họ đã mòn, nhờ sự hỗ trợ của 2, 3 người trong gia đình, Thanh phải lăn tay hơn 20 lần máy mới nhận được một mẫu vân tay rất mờ nhạt.
Bất kể ngày nào, ở đâu, chỉ cần người dân có đơn lên PC64 cần cấp CCCD, Thanh luôn xung phong đi đầu, nhiều lúc đi một mình.
Thanh cho biết: “CCCD là loại giấy tờ mà ai cũng phải có, nhưng nhiều người không biết tầm quan trọng của nó nên có người không đi làm hoặc bị mất, hết hạn rồi không làm lại. Có những người hơn 100 tuổi đến lúc cần CCCD để làm bảo hiểm y tế, hưởng những chính sách của nhà nước thì không có, lúc này họ mới “kêu cứu” đến PC64”.
Chỉ trong buổi sáng 16.3, Thanh đến nhà làm CCCD cho 4 cụ già, trong đó có cụ H.T.H (86 tuổi, ngụ P.Tân Thuận Tây, Q.7) bị liệt 4 năm nay, mất trí nhớ... Cụ mất toàn bộ giấy tờ tùy thân trong lúc đang cấp cứu ở bệnh viện hơn 3 năm trước. Giờ muốn làm bảo hiểm y tế nhưng không được, con cháu phải làm đơn gửi PC64, Thanh xung phong đi một mình. Để chụp ảnh được cụ thì 3, 4 người trong gia đình phải cùng nhau đỡ cụ dậy, đặt phông nền... chụp hàng chục tấm ảnh mới chọn được một tấm để làm ảnh thẻ.
Thanh nhớ như in lần làm CCCD cho một phụ nữ không may bị tâm thần, gia đình rất nghèo ở H.Bình Chánh. “Khi tôi cùng đoàn đến tận nhà chuẩn bị chụp ảnh cho chị ấy thì chị ấy chửi, đánh tôi quá trời. Gia đình thuyết phục chị ấy “ngoan” để chụp hình và lăn tay nhưng chị không chịu, đánh tôi loạn xạ. Tôi phải chờ một người thân trong gia đình về nói chị ấy mới nghe, mất hơn 2 giờ mới làm xong CCCD cho chị này”.
Đi bộ 3 km để làm CCCD tại nhà cho dân
Từng làm hàng trăm CCCD cho nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng chuyến đi khiến trung úy Thanh không thể nào quên đó là ở đảo Thạnh An, H.Cần Giờ với Hội Phụ nữ Công an TP và cán bộ PC64... “Đoàn đã làm được 30 CCCD cho người già, trẻ em nơi đây. Tôi luôn nhớ hình ảnh những căn nhà tranh vách lá nhỏ ven sông, trẻ em ốm nheo nhóc, người dân thì khốn khổ. Đi từ TP xuống phải đi phà mất hơn 1 tiếng đồng hồ. Qua được bên kia sông, đoàn phải đi bộ gần 3 km mới đến được nhà dân chứ không có phương tiện gì khác, chúng tôi đi bộ từ nhà này sang nhà kia rất xa, nhưng cảm xúc thật khó tả, không biết mệt mỏi là gì. Đời sống người dân ở đảo nghèo, vất vả lắm, giấy tờ tùy thân trong suy nghĩ của họ là không cần thiết, bởi muốn làm CCCD phải đi bộ, đi phà, đi xe hơn chục cây số mới đến Công an H.Cần Giờ nên họ ngại không làm”.
Không chỉ đến các vùng sâu vùng xa mà đoàn PC64 còn đến các bệnh viện, trường học, các cơ sở tôn giáo ở Lâm Đồng để cấp CCCD cho những trường hợp từ TP.HCM lên đây mưu sinh. “Nhiều trường hợp bệnh nhân đang cấp cứu, bệnh nặng phải gắn ống thở, không biết làm cách nào để chụp ảnh, đành chờ gia đình về lục tìm ảnh cũ. Có đi làm thực tế mới thấy nhiều cảnh đời, cảnh người rớt nước mắt, càng giúp nhiều người càng thấy cuộc đời có ý nghĩa”, Thanh chia sẻ.
Sau 10 năm làm việc, Thanh đạt được nhiều thành tích, nhiều năm liên tục nhận bằng khen của Giám đốc Công an TP vì có thành tích xuất sắc không chỉ trong công việc chuyên môn mà còn trong công tác phòng chống tội phạm.
Đại tá Lê Văn Bích, Trưởng phòng PC64, cho biết theo sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an TP, đối với những người già, neo đơn, có hoàn cảnh thương tâm, bệnh tật không thể đi lại, họ gửi đơn lên PC64 sẽ được xem xét, cử cán bộ đến tận nhà cấp CCCD. Tính từ tháng 1.2016 đến nay, PC64 đã cấp CCCD lưu động cho 1.859 trường hợp, trong đó cấp tại nhà 110 trường hợp, tại bệnh viện 14 trường hợp, cấp tại nhà theo kế hoạch của Hội Phụ nữ Công an TP.HCM 404 trường hợp, cấp cho cơ sở tôn giáo 72 trường hợp, cấp cho học sinh 859 trường hợp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.