Trước 30 tuổi, chọn sổ tiết kiệm hay trải nghiệm?

22/07/2019 07:29 GMT+7

Nhiều người quan niệm 'tam thập nhi lập', 30 tuổi đủ tự lập, gầy dựng sự nghiệp cho mình. Vậy trước 30 thì sao, giới trẻ ngày nay quan niệm tiền tiết kiệm hay những trải nghiệm mà họ có mới thật sự quan trọng?

Trần Minh Hồng, 29 tuổi, trú Q.12, TP.HCM, độc thân làm một lúc nhiều công việc từ MC sự kiện, sáng tạo nội dung cho các fanpage bán hàng, đọc sách online..., luôn thở dài: “Bạn bè ai cũng có gia đình, con cái, đã có nhà riêng, hoặc sổ tiết kiệm đầy tiền. Tôi vẫn lủi thủi, ngày ngày ở nhà trọ, đi làm thì thôi, mỗi ngày nghỉ lại thấy hoang mang về tương lai”.
Đo sự thành công của tuổi trẻ bằng số tiền tích lũy trong tài khoản, số tài sản mua được giống như Minh Hồng không phải là hiếm. Trong khi đó, cũng có nhiều bạn trẻ khác coi rằng có công việc để làm, học hỏi được nhiều giá trị từ mỗi ngày lao động đã là những sổ tiết kiệm vô hình.

Kiếm tiền để đi trải nghiệm

Nguyễn Thị Hồng Phương, 28 tuổi, nhân viên công ty bất động sản, Q.2, TP.HCM, cho hay chưa tới lúc muốn ngồi ở nhà, đếm số dư trong tài khoản. Làm được bao nhiêu tiền, Phương đều chi cho những hoạt động để khám phá cuộc sống bên mình, như đi du lịch, tham gia chương trình trao đổi văn hóa, sống ở nước ngoài một thời gian... “Tiết kiệm được một khoản, tôi lại đi, trong lúc dịch chuyển có thể làm một cái gì đó kiếm tiền hoặc không, sau đó lại tập trung làm tiếp. Những trải nghiệm ý nghĩa cho tôi động lực để kiếm nhiều tiền hơn”.
Lê Phương Uyên, 21 tuổi, sinh viên ngành xã hội học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết thích trải nghiệm hơn, bởi phong cách sống phóng khoáng, muốn dấn thân nhiều hơn. Uyên trải nghiệm bằng việc đi làm thêm, tiếp xúc, trò chuyện với những bạn mới từ các lĩnh vực ngành nghề khác nhau, thường xuyên dịch chuyển đi về những nơi còn khó khăn, chia sẻ với người nghèo.
Uyên chia sẻ: “Nhiều người cho rằng nên ưu tiên sổ tiết kiệm để chuẩn bị cho cuộc sống sau này, cho bản thân và gia đình, nhưng tôi không muốn như vậy. Dưới 30 mà chỉ lo sổ tiết kiệm thì lúc nào cũng sẽ trong trạng thái lo lắng, chắt chiu. Dưới 30 tuổi, phạm sai lầm thì vẫn còn sửa được, hãy trải nghiệm đi. Trên 30, thời gian của nửa đời người đã qua thì mọi chuyện sẽ hoàn toàn khác”.

Quan trọng là lựa chọn cách nào

Nguyễn Thị Cẩm Xuân, 28 tuổi, từng là cô giáo mầm non ở H.Cẩm Mỹ (Đồng Nai), không bằng lòng với cuộc sống bằng phẳng khi quyết định trở lại TP.HCM, nơi mình từng học ĐH để cùng bạn bè thử sức khởi nghiệp, kinh doanh từ bánh tráng, nhà hàng chay. Hiện tại Xuân cùng một người bạn đang làm chủ nhà xưởng thiết kế, chế tác đá quý Formation.
“Sẽ không có ai đều đặn trả lương cho tôi mỗi tháng như ngày trước, thời gian đầu khởi nghiệp rất khó khăn. Nhưng tôi hài lòng về sự lựa chọn của mình vì được sống đúng với đam mê. Với tôi, tiền tiết kiệm hay trải nghiệm đều quan trọng, vừa lấy kinh nghiệm và trải nghiệm để kiếm tiền mới là đáng quý, vụt mất một trong hai thì rất đáng tiếc”, Xuân chia sẻ.
Cũng quan điểm ấy, Phạm Thanh Nhi, 21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cô gái nổi trên mạng xã hội với kênh YouTube chuyên cover các ca khúc nổi tiếng, cho rằng sổ tiết kiệm hay trải nghiệm đều quan trọng. Nhi ủng hộ với những bạn thích trải nghiệm, cũng không phản đối những người thích tiết kiệm tiền, vì những mục tiêu như đến năm 30 tuổi sẽ mua được nhà chẳng hạn.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Xuân Hùng, giảng viên Trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM, cho rằng việc chọn lựa giữa tiền tiết kiệm và trải nghiệm, mỗi người sẽ có mỗi lựa chọn không giống nhau, điều này tùy thuộc vào quan điểm, khả năng cá nhân, giá trị sống của mỗi người.
“Nếu bạn trẻ lựa chọn mục tiêu phải là kiếm được thật nhiều tiền, phải mua được nhà, xe hơi trước 30 tuổi, điều này thôi thúc bạn phải có năng lực, làm việc thật lăn xả, với những công việc đòi hỏi chất xám lớn, đầu tư nhiều công sức, thời gian, cho thu nhập cao. Nếu bạn trẻ chỉ muốn một cuộc sống bình yên, ổn định, thì bạn cứ an tâm với công việc nhẹ nhàng ngày 8 tiếng, quan trọng là bạn lựa chọn cách nào. Đừng đứng núi này trông núi nọ, để rồi thất vọng với chính bản thân, mất niềm tin”, thạc sĩ Nguyễn Xuân Hùng nói. 
Vẫn có người trẻ không dám thay đổi
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Xuân Hùng, giảng viên Trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM, cũng cho biết thêm không phải ai cũng biết giá trị sống của mình là gì, thế mạnh của mình như thế nào, mục tiêu của đời mình ra sao. “Nhiều người trẻ hiện nay thích an toàn, thiếu sáng tạo, dễ chấp nhận thực tại, không dám thay đổi để tốt hơn. Chúng ta không còn xa lạ với những câu chuyện như học ĐH 4 năm, nhờ cậy khắp nơi để xin việc, dù mỗi tháng chỉ vài triệu đồng tiền lương; hay những bạn trẻ làm ở một công ty quá lâu, dù lương thấp, không hạnh phúc nhưng không dám thay đổi, không dám bước ra khỏi vùng an toàn để cảm thấy cuộc sống thú vị hơn”, thạc sĩ Hùng nhận xét.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.