Trước khi kết hôn, thanh niên cần phải tham gia lớp học về gia đình trẻ?

06/01/2021 14:04 GMT+7

Tại Hội nghị Ban thường vụ T.Ư Đoàn lần thứ 14, đại biểu cho rằng: bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em , gốc vẫn là gia đình, vậy trước khi thanh niên kết hôn cần phải tham gia lớp học về gia đình trẻ.

Sáng nay 6.1, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Ban thường vụ T.Ư Đoàn lần thứ 14 khóa XI, với sự tham dự và chủ trì của anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất T.Ư, Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam; anh Bùi Quang Huy, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam.
Hội nghị sơ kết việc triển khai thực hiện kết luận về Nâng cao vai trò của Đoàn trong bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng trong giai đoạn 2018 - 2022. Theo báo cáo của T.Ư Đoàn, trong thời gian qua, nhận thức, trách nhiệm và năng lực của các cấp bộ Đoàn, cán bộ Đoàn, đoàn viên trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng đã được nâng lên. Từ đó, nhiều tỉnh, thành Đoàn đã xác lập được các kế hoạch cụ thể triển khai các nội dung trong kết luận với nhiều hoạt động thiết thực, sáng tạo…

Tây Nguyên cũng nhức nhối vì đuối nước

Tại hội nghị các đại biểu cũng đã nêu các giải pháp, sáng kiến trong việc chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Chị Trần Thị Chúc Quỳnh, Bí thư Tỉnh đoàn Lâm Đồng, cho biết dù ở Tây Nguyên đa số là rừng núi, nhưng tình trạng đuối nước trẻ em là thực trạng nhức nhối.
“Do là vùng hay bị hạn hán nên các gia đình thường đào hố tích nước tưới tiêu, và lót ni lông để nước không ngấm xuống đất. Vì vậy hố nước rất trơn trượt, trẻ em rơi xuống là chết, không chạm tay vào bờ được. Chính quyền đã yêu cầu các gia đình làm rào chắn, nhưng không phải nhà nào cũng đảm bảo theo yêu cầu”, chị Quỳnh chia sẻ.

Chị Trần Thị Chúc Quỳnh phát biểu tại hội nghị

Ảnh Đăng Hải

Trước thực trạng đó, chị Quỳnh cho biết, tổ chức Đội đã tăng cường tuyên truyền để các gia đình nâng cao nhận thức và làm phao cứu sinh từ thùng xốp bỏ đi, để phòng nguy cơ đuối nước. Đồng thời, tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ em để hạn chế tình trạng tử vong vì đuối nước.
Chia sẻ về sáng kiến huy động nguồn lực xây dựng sân chơi cho thiếu nhi, chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, Bí thư Tỉnh đoàn Phú Thọ cho rằng, ngoài xã hội hóa, Tỉnh đoàn đã tham mưu cấp ủy hỗ trợ thêm để xây dựng sân chơi hiệu quả hơn. “Chúng tôi đã tham mưu, đứng ra đảm nhận xây dựng mô hình sân chơi thiếu nhi và được các huyện phê duyệt đề án cấp kinh phí cho Đoàn thanh niên chủ trì”, chị Tâm nói.

“Giáo dục thiếu niên, nhi đồng thì gốc vẫn là gia đình trẻ”

Phát biểu tại hội nghị, nhiều đại biểu cho biết, hoạt động Đội ở địa phương còn gặp nhiều khó khăn do thiếu cán bộ và nguồn lực. Đặc biệt, các đại biểu phản ánh hiện các địa phương mới chỉ quan tâm đến việc xây mới sân chơi, chưa quan tâm đến việc duy tu sửa chữa và vận hành sân chơi cho thiếu nhi, nên còn nhiều hạn chế.
Chị Phan Thị Thanh Phương, Bí thư Thành đoàn TP.HCM, nói: “Tôi đồng thuận việc xây dựng sân chơi mới, nhưng phải có sự rà soát những sân chơi cũ để thực sự an toàn cho trẻ em”.

Chị Đinh Thị Phượng phát biểu tại hội nghị

Ảnh Đăng Hải

Chị Đinh Thị Phượng, Bí thư tỉnh đoàn Ninh Bình cũng cho biết, hiện thiếu nhi vùng nông thôn còn nhiều thiệt thòi vì không có nơi vui chơi và chưa được quan tâm đầu tư các thiếu chế văn hóa. “Nhiều nơi các cấp ủy chính quyền khi xây dựng quy hoạch có chủ trương xây dựng nơi vui chơi cho thanh thiếu nhi, nhưng xã không quan tâm dành quỹ đất thì làm sao giảm tệ nạn xã hội. Tại Hội đồng nhân dân, chúng tôi ý kiến nhiều nhưng xã không thực hiện hoặc có quy hoạch nhưng để treo”, chị Phượng nói.
Chị Chu Hồng Minh, Bí thư Thành đoàn Hà Nội cho rằng, thời gian qua, công tác giáo dục chăm sóc thiếu nhi mới chỉ chú trọng hoạt động bề nổi, đôi lúc chưa chú trọng triển khai mô hình giải pháp chăm sóc, có chiều sâu.
“Việc chăm sóc bảo vệ thiếu nhi liên quan đến vấn nạn bạo hành còn bị động, khi có sự việc mới nhảy vào. Chúng ta cần chủ động rà soát nhóm đối tượng có nguy cơ bị xâm hại, bạo hành, tai nạn thương tích, phối hợp các bộ ngành, phân vai chủ động tham gia hạn chế tối đa vấn nạn này”, chị Minh đề xuất đồng thời đề nghị cần quan tâm đến hoạt động chiều sâu trong công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng
Theo chị Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Bí thư Tỉnh đoàn Bình Dương thì muốn chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng thì gốc vẫn là gia đình trẻ. Vì vậy cần gắn kết với cuộc vận động xây dựng gia đình trẻ. “Việc chăm sóc, giáo dục mỗi trẻ trước tiên là do ba mẹ. Vậy trước khi thanh niên kết hôn cần học lớp gia đình trẻ và cần có tiêu chí đối với mỗi gia đình trẻ. Cần phối hợp với các bộ ngành làm mạnh hơn nữa việc này”, chị Xuân đề xuất.
Chị Xuân cũng bày tỏ lo ngại hiện có tình trạng nhiều bà mẹ sinh con rồi ra bỏ ở chùa hoặc gửi ở các trại trẻ mồ côi. Vì vậy cần quan tâm đến các trung tâm chăm sóc trẻ em và cơ sở bảo trợ xã hội xem việc chăm sóc trẻ em như thế nào.
Kết luận nội dung này, anh Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, trong 2 năm qua việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiêu niên, nhi đồng đã đạt kết quả khả quan, trong đó có đổi mới phương thức chăm lo hỗ trợ cho thanh thiếu niên nhi đồng. Sự vào cuộc của Quốc hội, Chính phủ, địa phương các bộ ngành tốt hơn nhiều so với trước đây. Cơ quan báo chí đã thường xuyên lên tiếng về hành vi xâm hại lợi dụng thiếu niên nhi đồng…
Tuy nhiên anh Tuấn cho rằng công tác Đội càng xuống dưới càng bị xem nhẹ, nhiều nơi cơ bản khoán trắng cán bộ cho phụ trách Đội ở trường. Trong khi ở trường thiếu cán bộ phụ trách, có nơi sử dụng rất lôm côm.
Theo anh Tuấn hoạt động Đội ở trường vẫn là gốc, để sau này lớn lên, các em sẽ yêu Đoàn. Nếu không chăm lo cho công tác Đội thì sẽ ảnh hưởng đến cả hệ thống chính trị. Vì vậy anh Tuấn cho biết sẽ làm việc với các bộ ngành và kiến nghị với lãnh đạo Đảng, Chính phủ để có chỉ đạo với các địa phương quan tâm công tác Đội, thì mới có chuyển động tốt.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.