Trước khi tăng giá điện

01/08/2023 04:09 GMT+7

Ngành điện muốn tăng giá vì lỗ lớn, chi phí tài chính sắp đến ngưỡng không thể cân đối và điều này có thể ảnh hưởng đến cung cấp điện trong thời gian tới.

Thiếu điện, cắt điện thì không ai muốn. Đa số người dân, doanh nghiệp cũng không nề hà việc tăng giá điện, nhưng với điều kiện là họ được trả đúng giá.

Vì vậy, trước khi tăng giá, ngành điện và cả các cơ quan có thẩm quyền cần làm rõ một số việc như sau.

Thứ nhất, minh bạch chi phí - yếu tố khiến cho EVN bị lỗ. Lâu nay chúng ta chỉ nghe chung chung là chi phí đầu vào tăng, nhưng tăng bao nhiêu, cái gì tăng, tỷ lệ trong giá thành chiếm thế nào thì không rõ. Chưa kể theo kết luận thanh tra thì đợt thiếu điện vừa rồi cũng có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của EVN, như việc thiếu dự báo, chậm trễ trong huy động nguồn điện so với kế hoạch, chậm trễ trong thỏa thuận giá than... những yếu tố này ảnh hưởng đến giá thành hay không? ai phải chịu trách nhiệm... cũng cần được mổ xẻ, phân tích chứ không thể vo tròn chi phí tăng, lỗ và đổ vào giá bán là xong.

Thứ hai, EVN lỗ nhưng nhiều công ty, tổng công ty trong tập đoàn lại có lãi cao, có hàng chục ngàn tỉ đồng gửi ngân hàng. Việc này cũng đã được đặt ra nhưng thời điểm đầu tháng 6, EVN mới chỉ giải thích một vế, đó là vì sao các công ty con có tiền gửi ngân hàng. Còn vì sao "con lời, mẹ lỗ" thì chưa có câu trả lời thỏa đáng. Vậy lý do là gì? Nếu do năng lực quản lý thì cũng hãy giải thích giúp, tại sao người dân phải gánh thay?

Thứ ba, nếu thỏa mãn tất cả các yếu tố trên thì vẫn phải cân nhắc việc tăng giá lúc này. Bởi tăng giá điện sẽ tác động trực tiếp tới giá dịch vụ, sản phẩm trên thị trường. Như vậy là đi ngược với các chính sách kích cầu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đang triển khai hiện nay.

Ở thời điểm hiện tại, dư luận đang xôn xao bởi 2 vụ việc hết sức tréo ngoe. Đầu tiên là vụ doanh nghiệp bị phạt vì sử dụng ít điện theo hợp đồng đã ký, xảy ra ở Quảng Ngãi. Tất nhiên đây là thỏa thuận đã ký giữa hai bên. Về nguyên tắc thì phía cung cấp điện không sai. Nhưng trong bối cảnh thiếu điện trên diện rộng vừa qua thì việc này nghe cũng không ổn lắm. Vụ thứ hai là thiếu điện, nhưng điện giá rẻ (thủy điện) vẫn không bán được. Chuyện là từ đầu tháng 3.2023 đến nay, một số nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Kon Tum thường xuyên bị tiết giảm công suất, bị sa tải vì Công ty điện lực Kon Tum (PC Kon Tum) không huy động công suất do phát vượt công suất theo hợp đồng mua bán điện (PPA) đã ký kết và theo giấy phép hoạt động điện lực, cũng như giấy phép khai thác nước mặt...

Vẫn là hợp đồng đã ký nhưng câu hỏi đặt ra là trong bối cảnh thiếu điện, đề nghị tăng giá điện thì việc xử lý máy móc thế này có hợp lý hay không? Rồi chuyện điện sinh hoạt gánh cho điện sản xuất, giá điện gánh cả nhiệm vụ an sinh xã hội... đều chưa thấy có phương án giải quyết cụ thể thế nào.

Tất cả những vấn đề trên đều cần phải được trả lời thỏa đáng trước khi quyết định tăng giá điện, mặt hàng thiết yếu có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống sản xuất, dịch vụ trong nền kinh tế. Nhất là ở giai đoạn hiện nay, giai đoạn cần dồn lực và tập trung mọi giải pháp để phục hồi đà tăng trưởng đã bị giảm tốc ở quý 1 và chưa thể bứt tốc trong quý 2 vừa rồi.

Vấn đề của điện không phải là giá cao hay thấp, đắt hay rẻ mà là giá đúng, giá hợp lý hay chưa mà thôi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.