Để đạt được điều đó, Thiền sư Thích Nhất Hạnh lần tìm lại con đường ngày xưa mà Đức Thế Tôn đã chỉ dạy cho chúng đệ tử cách đây 26 thế kỷ. Thầy đã tìm lại được con đường ngày xưa vốn ít nhiều bị bụi thời gian che mờ bởi những kĩ thuật truyền thừa. Qua tác phẩm “Đường xưa mây trắng – Theo gót chân bụt”/ Old path white clouds – walking in the footsteps of the Buddha, Thầy muốn tiếp nối con đường mà Bụt đã đi, muốn làm giàu có hơn cho Đạo Bụt để nhiều người có thể cùng đi trên đường vui.
Vượt ngàn dặm đến Huế, tiễn đưa Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong im lặng |
26 thế kỷ đường xưa vẫn mới
Mỗi ngôn ngữ có một vẻ đẹp riêng của nó. Nếu “đường” trong tiếng Việt khiến chúng ta liên tưởng đến một lối đi rộng rãi thông thoáng có nhiều phương tiện có thể cùng lúc di chuyển trên đó thì “path” chỉ là con lối mòn mà lại còn là “old path” nữa thì rõ là rất khó để nhận ra chứ đừng nói là đi sao cho khỏi lạc. Chính vì vậy mà Thầy phải dụng công tìm lại cho đúng con Đường xưa đó. Niềm trăn trở đó của người học Phật được thể hiện trong mấy câu đầu bài thơ Tìm nhau: “Con đã đi tìm Thế Tôn/ Từ hồi còn ấu thơ/ Con đã nghe tiếng gọi của Thế Tôn/ Từ khi mới bắt đầu biết thở”. Và để tìm cho ra con đường đó thì cách tốt nhất là “walking in the footsteps” – theo từng bước chân; nhưng ở chỗ này tiếng Việt lại hay hơn rất nhiều “theo gót chân” – nó thể hiện sự chính xác, gần với sự thật ở mức cao nhất có thể. Chỉ mấy chữ giản dị ấy thôi cũng cho thấy tài năng ngôn ngữ tuyệt vời của tác giả ở cả hai ngôn ngữ Việt và Anh. Thích Nhất Hạnh là người mà ngay khi viết văn hay làm thơ bằng tiếng Anh cũng được giới trí thức uyên thâm hàng đầu công nhận “thật sự là nhà thơ”.
'Ông thầy tu người Việt' được thế giới ngưỡng vọng |
Làng Mai |
Nhưng… cách nhau tận 26 thế kỷ làm sao để có thể theo gót chân Bụt? Đó là, “cần căn cứ trên các kinh điển của cả hai truyền thống Bắc tông và Nam tông để có thể khắc phục lại được tinh thần nguyên thỉ của đạo Bụt. Chúng ta phải sử dụng tất cả các kinh điển của cả hai truyền thống”, Thích Nhất Hạnh viết trong lời đề từ. Nhưng nếu chỉ như thế là chưa đủ. Kinh điển của Đạo Bụt là để thực hành chứ không phải tôn thờ và chúng ta biết là trong suốt cuộc đời hành đạo Sư Ông Làng Mai luôn đề cao và khuyến khích mọi người thực hành đạo Bụt. Tác giả đã vận dụng tất cả những kiến thức ở nhiều lĩnh vực để dựng lại con “Đường xưa” theo cách mà các nhà khảo cổ phục dựng cổ vật. Và Thầy đã tìm ra “Đạo Bụt Nguyên Thỉ” nhưng quan trọng hơn là Thầy đã hiểu và cảm được giáo pháp của Bụt qua “Trái Tim Của Bụt” - tên hai quyển sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Nhờ hiểu Bụt nên Thiền sư Thích Nhất Hạnh tự nhận trách nhiệm: “Là con cháu của Bụt chúng ta phải có trách nhiệm làm cho đạo Bụt ngày càng giàu có và phong phú hơn”. Thầy đã tiếp nhận sự trao truyền con đường giải thoát từ Bụt, mở rộng nó để cho thế hệ hôm nay có thể bước đi một cách vững chãi và thảnh thơi hơn. Chính vì vậy mà Sư Ông sáng chế “Năm giới tân tu”, “Giới tu tiếp hiện” để nó phù hợp hơn với thời cuộc mà quan trọng nhất là nhu yếu của con người trong thời đại mới. Có lẽ nhờ đó mà Làng Mai ngày nay thu hút được đông đảo Phật tử trên khắp thế giới. Người đọc sách, nghe pháp thoại, tham gia các khoá tu ở Làng Mai đến từ nhiều dân tộc và tôn giáo khác nhau.
Lê hoài nhân |
Vì Bụt rất gần với ta
“Đường xưa mây trắng” kể câu chuyện về cuộc đời Đức Phật, nhưng nó không theo khuôn mẫu trình tự thời gian: Bụt sinh ra ở vườn Lumbini, lớn lên lấy vợ sinh con rồi đi tu, hành đạo… Tác giả bắt đầu bằng hình ảnh một vị tỳ khưu trẻ mới xuất gia ngồi thực hành thiền ở một góc vườn trong tịnh xá Trúc Lâm. Vì mới gia nhập tăng đoàn chưa có nhiều kinh nghiệm thực hành nên đôi khi hơi thở chưa thật chuyên chú. Vị khất sĩ trẻ tuổi đó chính là cậu bé chăn trâu Svastika ở làng Uruvela bên bờ sông Neranjara. Cậu chính là người cúng dường những bó cỏ kusa để Bụt dùng làm toạ cụ ngồi thiền từ khi Ngài chưa đạt đạo. Đây là giai đoạn Bụt đang một mình đi tìm con đường giải thoát. Chỉ có vài ba đứa trẻ trong làng Uruvela thường xuyên tới lui và cúng dường thức ăn cho Bụt.
Sen và bùn tương tức - cái này có thì cái kia có |
Làng Mai |
Cậu bé Svastika chính là nhân vật lịch sử quan trọng ở giai đoạn cốt yếu đó. Nhân vật quan trọng khác cũng một thời theo sát “gót” chân Bụt chính là Ni sư Mahapajapati - lệnh bà Gotami, dì ruột và là người đã nuôi Bụt từ khi tấm bé. Là Đại đức Assaji – một trong 5 người bạn đồng tu theo phương pháp khổ hạnh với Bụt. Một bà mẹ, một người bạn đồng tu và một cậu bé tất cả đều là những con người thân cận, gắn bó với Bụt trong những giai đoạn đặc biệt của cuộc đời Ngài. Chính cách chọn lựa nhân vật kể chuyện của tác giả làm cho câu chuyện cũ càng thêm phần hấp dẫn, chân thật. Nhưng đó chỉ là khía cạnh kĩ thuật của người cầm bút đại tài. Giá trị thật sự nằm trong từng trang sách hay nói cho đúng hơn là từng con chữ. Không chỉ kể chuyện đơn thuần, Thầy đã nhẹ nhàng đưa vào đó các phương pháp thực hành đạo Bụt.
Trong khoảng 800 trang sách Bụt hiện ra là một con người đầy từ bi và trí tuệ. Không một lần nào Ngài sử dụng đến thần thông, thứ mà người bình thường chúng ta luôn thích thú, mơ ước thậm chí khao khát. Bụt không phải là cái tượng ngồi xếp bằng trên cao ở các chùa như chúng ta vẫn hình dung. Ngài không ngồi đó đợi chúng sanh đến hương khói, lụp xụp khấn vái, xin xỏ rồi dùng thần thông ban phước hay giáng hoạ. Bụt trong Đường xưa mây trắng luôn giải quyết mọi thứ bằng trí tuệ. Ngài dùng trí tuệ của mình soi rọi vào từng góc khuất trong tâm trí của bất cứ ai cần Ngài. Ngài giúp họ nhận ra chân lý đích thực của sự sống mà tự giải thoát khỏi đau khổ cuộc đời – giác ngộ. Trí tuệ Ngài có được nhờ thực hành thiền định tinh tấn. Có trí tuệ con người sẽ tự biết cách giải thoát khỏi những khổ đau phiền muộn của kiếp người, chặt đứt luân hồi sinh tử. Bụt cũng dạy rằng chúng ta không thể trông chờ vào ai khác cứu vớt kể cả trông chờ vào Bụt. Con người chỉ có thể tự nương tựa vào hải đảo tự thân – tự mình cất bước lên mà đi. Những điều đó làm cho người đọc Đường xưa mây trắng thấy “Bụt sao mà gần gũi, mà nhân từ, bình dị đến thế! Sao điều gì từ miệng Bụt nói ra cũng hay, cũng đẹp”. Chúng ta có lòng tin về “chất Bụt” trong con người mình một ngày nào đó cũng sẽ thành nếu đi theo con đường Bụt chỉ dạy. Bụt cũng được sinh ra từ tinh cha huyết mẹ như chúng ta. Ngài chỉ thành Đạo lớn nhờ nỗ lực vượt trội hơn chúng ta nhiều lần để tìm ra con đường thoát khổ. Như chính Thiền sư Thích Nhất Hạnh thường nói, đã suốt đời đi “giành quyền làm Người cho Bụt”. Nhờ Thầy mà chúng ta có thể đến gần Bụt hơn.
Cận cảnh những công đoạn cuối của đài hỏa thiêu Thiền sư Thích Nhất Hạnh |
Chỉ là tiếp nối
Chương đầu tiên trong Đường xưa mây trắng có tên “Đi để mà đi”. Đến hai chương cuối là “Hãy tinh tiến lên để đạt giải thoát” và cuối cùng là “Đường xưa mây trắng”. Sau 45 năm hoằng hoá, khi đang ở thành Vesali Bụt nói với thầy Ananda (thị giả của Bụt), sẽ diệt độ sau 3 tháng nữa. Rồi Bụt vượt sông Hằng đi về miền Bắc. Đại đức Svastika có cảm tưởng là mình hiểu được Bụt. Suốt đời Bụt đã đi. Nhưng Người chỉ đi mà không cần tới, cho nên Người đi thong thả, cho nên mỗi bước của Người đưa đến giờ phút hiện tại, ngay ở chỗ mình đứng… Bụt đâu có cần trở về tới Kapilavatthu hoặc vườn Lumbini mới có thể nhập niết bàn... Bụt chỉ cần hướng về đó là Ngài “đã về đã tới”. Sau này Đại đức Svastika cũng trở về bờ sông Neranjara quê hương của mình. Đại đức gặp lại hình ảnh những đứa trẻ chăn trâu ở thôn Uruvela và thấy mình trong đó. Đại đức Svastika mỉm cười và tự nhủ sẽ làm quen với các em. Ta thấy tác giả khéo léo sử dụng kĩ thuật vòng tròn trong cách dẫn chuyện và có đến hai vòng tròn đan xen tiếp nối nhau.
Đường xưa vẫn mới |
Làng Mai |
Nhân vật Svastika còn có một ý nghĩa thú vị khác, gần với tác giả. Trong tác phẩm “My master’s robe – Memories of a novice monk” (tạm dịch: Chiếc y của Thầy tôi – ký ức của một Sa di) Thầy kể chuyện khi mới xuất gia theo Phật ở chùa Từ Hiếu, cũng được giao cho nhiệm vụ chăn trâu. Có vẻ đó là sự đồng giữa người viết và nhân vật của mình. Có thể tác giả có cảm tình với cả những chú trâu nên ngay trong chương hai tác giả đã kể ngay chuyện “Nghệ thuật chăn trâu” cũng như để Bụt thuyết Kinh Chăn Trâu. Rồi cũng như những nhân vật trong Đường xưa mây trắng, tác giả cũng trở về. Điều Thiền sư để lại là Phật giáo ngày nay không chỉ ở Ấn Độ, Việt Nam hay châu Á mà nó đã đóng góp vào nền văn hoá chung của toàn nhân loại một cách sâu sắc.
Hôm nay Vị Thiền sư mặc áo màu nâu đất, đội nón lá đi guốc mộc đã trở về ngôi nhà đích thực của mình nhẹ nhàng như một chiếc lá. Chiếc lá đó sẽ lại trở thành đất. Đất lại nuôi dưỡng cây để mọc ra những chiếc lá mới. Ta biết, Thầy vẫn luôn ở đó.
Mây trắng thong dong che bóng mát
Đường xưa nay rộng bước thênh thang.
Bình luận (0)