Trước ngày 1.10 rón rén mở cửa, chờ bình thường mới

30/09/2021 08:00 GMT+7

TP.HCM trước ngày 1.10 , đường sá đông đúc hơn, một số cửa hàng buôn bán trở lại. Nhưng cũng nhiều người kinh doanh e dè, họ cửa đóng then cài hoặc rón rén mở cửa, để chờ đợi những thông báo tiếp theo.

Trước ngày 1.10 rón rén mở cửa, vừa chuẩn bị vừa lo

Đường Nguyễn Trãi, Q.5, TP.HCM, phố thời trang cho giới trẻ, sau mấy tháng “vắng như chùa bà đanh” vì dịch Covid-19, trưa 28.9 đã tấp nập người, xe trở lại. “2 hôm nay đường bắt đầu đông rồi”, anh Lâm Văn Bình, 8X, chủ tiệm quần áo Su Su (445 Nguyễn Trãi, P.7, Q.5) bỏ dở chiếc áo đang gấp dở, nói với đồng nghiệp.
Anh Bình chưa dám mở cửa hàng, bởi chưa thấy thông báo gì về việc các cửa hàng thời trang được phép kinh doanh từ 1.10 hay chưa. Mấy anh em chỉ đang dọn dẹp lại tiệm, thay bọc mới cho các gói hàng, nếu có thông báo chính thức sẽ sẵn sàng làm việc luôn.

Cửa hàng của anh Bình đang hé mở cửa để dọn dẹp quần áo

Thúy Hằng

Anh Bình kể với chúng tôi, suốt 4 tháng nghỉ dịch, không bán được đồng nào nhưng tiền thuê mặt bằng mỗi tháng hơn 20 triệu đồng vẫn phải trả. “Ngày thường tiền thuê mặt bằng hơn 40 triệu đồng/tháng, mùa dịch nên được giảm như vậy. Sau dịch có thể mọi người cũng chưa mua sắm gì nhiều, nhưng nếu được mở cửa thì bán được đồng nào hay đồng đó, anh em đang rất khó khăn”, anh Bình nói.
Ngày 28.9, theo khảo sát của chúng tôi, dọc con đường Nguyễn Trãi này, số tiệm rục rịch chuẩn bị hàng hóa như Su Su đếm được trên đầu ngón tay. Rất nhiều nhà vẫn dán thông báo “vì tình hình dịch, tiệm nghỉ bán”. Thậm chí nhiều nhà gỡ bỏ các biển hiệu, phía trước dán chi chít băng rôn “cho thuê nhà”. Tình hình này cũng tương tự trên các tuyến đường thế mạnh về thời trang cho người trẻ như Nguyễn Trãi (Q.1), Lê Văn Sỹ (Q.Phú Nhuận), Nguyễn Đình Chiểu (P.4, Q.3)…

Bản tin Covid-19 ngày 30.9: Công bố 11.357 ca nhiễm mới | TP.HCM chính thức "mở quyền" cho người đã tiêm vắc xin

Loay hoay vì thiếu nhân viên

Một thách thức nữa mà nhiều người trẻ muốn kinh doanh trở lại sau dịch gặp phải, đó là thiếu nhân viên. Anh Bình, chủ shop Su Su, kể: “Nhân viên của tôi, phần thì đang ở quê, chưa tiêm vắc xin, không biết lên Sài Gòn kiểu gì. Người thì đang ở TP nhưng trong khu phong tỏa. Nếu được bán trở lại, chúng tôi sẽ tự trông cửa hàng”.

Người trẻ mua đồ uống trước một tiệm trên đường Phan Xích Long

Thúy Hằng

Còn anh Nguyễn Tuấn Vũ, 30 tuổi, chủ salon tóc Long (25 Lê Văn Sỹ, P.13, Q.Phú Nhuận) đứng trước cửa hàng của mình còn bề bộn đồ nghề thở dài: “Một số khách quen đã hẹn tôi tới làm tóc, nhưng chúng tôi chưa được thông báo chính thức là ngày 1.10 này có thể mở cửa được không”.
Anh Vũ than thở, suốt 4 tháng đóng cửa vừa qua, anh vẫn đều đặn phải đóng 30 triệu đồng/tháng tiền thuê mặt bằng - đây là số tiền đã được chủ nhà giảm 50% - chưa kể tiền điện, nước, internet và chi phí sinh hoạt đắt đỏ trong mùa dịch. Nhưng, bây giờ muốn làm lại cũng khó vì thiếu người làm. “Nhân viên về quê hết, tôi hỏi thì các bạn nói chưa ai được tiêm mũi vắc xin nào, khó mà về lại TP ngay được”, anh Vũ giãi bày.

Thiên đường ẩm thực vẫn đìu hiu

Không chỉ quần áo, làm đẹp, nhiều người kinh doanh ăn uống cũng chưa rục rịch mở cửa trước ngày 1.10. Ngày 28.9, trên đường Phan Xích Long, P.2, Q.Phú Nhuận, nơi được coi như thiên đường ẩm thực của giới trẻ vẫn đìu hiu. Mới chỉ có một số tiệm cà phê, trà sữa, đồ ăn nhanh mở cửa bán mang đi. Còn lại, rất nhiều nhà hàng lớn bán lẩu, sushi, đồ nướng, quán nhậu… vẫn đóng cửa kín mít hoặc treo biển cho thuê nhà, trả mặt bằng.

Nhiều tiệm ăn uống trên đường Phan Xích Long trả mặt bằng, chỉ có một số ít tiệm trà sữa mở cửa

Thúy Hằng

Anh Nguyễn Minh Văn (24 tuổi, quản lý tiệm Laha Café, 259 Phan Xích Long, P.2, Q.Phú Nhuận) cho biết anh mới mở cửa hàng trở lại từ ngày 27.9, và đây cũng là cửa hàng đầu tiên của chuỗi Laha Café mở lại, bán mang đi sau dịch. Để tiết kiệm chi phí, cũng giải quyết câu chuyện thiếu nhân viên, anh Văn vừa là quản lý, vừa là pha chế, thu ngân, đồng thời ăn, ở luôn tại cửa hàng để an toàn trong dịch. “Khách mua về chỉ lai rai nhưng chúng tôi vui vì được đi làm, còn khách quen cũng rất mừng vì được uống vị cà phê quen. Chỉ mong con phố ăn uống này sớm sôi động trở lại, việc buôn bán của mọi người đều thuận lợi hơn”.
Chia sẻ với người viết trước tiệm trà sữa số 220 Phan Xích Long, P.2, anh Đạt, shipper Hãng Shopee Food, cho hay nghỉ dịch vài tháng, mới chạy lại. Trước ngày 1.10 rón rén mở cửa, đơn hàng chỉ rải rác trong ngày, nhiều quán ăn chưa mở, mấy hôm nay anh Đạt giao chủ yếu là trà sữa. “Trong nội đô còn một số chốt nên có đơn phải đi đường vòng rất xa, tốn nhiều thời gian và tiền xăng. Nhiều người kêu tiền ship tăng, nhưng thật ra shipper rất vất vả, không được bao nhiêu một chuyến. Tôi mong sau 1.10 nhiều quán ăn mở cửa, mọi người đi làm trở lại đông hơn, có thu nhập thì mới đặt hàng nhiều, để chúng tôi cũng có thêm nhiều việc”, anh Đạt bộc bạch .
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.