Có một tranh cãi thú vị nảy sinh quanh vấn đề này: tại sao UEFA (Liên đoàn bóng đá châu Âu) phải duy trì quy định "bàn thắng trên sân đối phương" một cách quá máy móc - nhất là ở những trận đấu hoàn toàn không có "sân đối phương" hay "sân nhà"?
Tiện thể, xin được nói thêm ngoài lề: có "đội nhà", "đội khách", "sân nhà" - nhưng không hề có "SÂN KHÁCH". Phải gọi đấy là "sân đối phương", bởi khái niệm "sân khách" là hoàn toàn vô nghĩa. Đấy luôn là sân của đội chủ nhà chớ đâu bao giờ là sân của đội khách, mà gọi là sân khách!
Các trận Moenchengladbach - Man City; Atletico Madrid - Chelsea; RB Leipzig - Liverpool, Liverpool - RB Leipzig ở vòng 1/8 Champions League đều phải diễn ra tại SVĐ của một nước thứ 3 (thay vì tại sân của đội chủ nhà). Tương tự là các trận Wolfsberger - Tottenham; Real Sociedad - M.U; Benfica - Arsenal, Arsenal - Benfica; Molde - Hoffenheim ở vòng 1/16 Europa League.
Cá biệt là hai cặp đấu mà cả trận lượt đi lẫn trận lượt về đều diễn ra tại các sân bóng chẳng liên quan gì đến những đội trong cuộc. Cặp Benfica (Bồ Đào Nha) - Arsenal (Anh) ở Europa League có trận lượt đi tại Rome (Ý) và trận lượt về tại Piraeus (Hy Lạp). Cặp RB Leipzig (Đức) - Liverpool (Anh) ở Champions League có trận lượt đi tại Budapest (Hungary) và trận lượt về tại Vincic (Slovenia)!
|
UEFA nghĩ ra quy định "bàn thắng trên sân đối phương" và áp dụng lần đầu tiên tại cúp C2 châu Âu mùa bóng 1965-1966. Quy định này: nếu tổng tỷ số sau 2 lượt là hòa thì đội nào ghi bàn trên sân đối phương nhiều hơn sẽ đi tiếp. Nếu tổng tỷ số là hòa sau 90 phút chính thức của trận lượt về, và số bàn thắng trên sân đối phương vẫn hòa thì đôi bên đá tiếp 2 hiệp phụ và vẫn áp dụng quy định này trong hiệp phụ.
Tranh cãi: chính UEFA còn không hiểu rõ bản chất của cái quy định do họ nghĩ ra, khi cho các đội đầu bảng ở Champions League ưu tiên đá trận lượt đi của vòng 1/8 trên sân đối phương? Lý lẽ của UEFA là các đội "có công" dẫn đầu bảng phải được hưởng lợi, ở chỗ: nếu phải đá thêm hiệp phụ trong trận lượt về của vòng 1/8 thì họ có thêm 30 phút "chơi trên sân nhà" (lượt đi thì tất nhiên không có hiệp phụ). Trên thực tế, sự ưu tiên mà UEFA giành cho các đội đầu bảng trở thành tác dụng ngược, bởi đội chủ nhà của hai hiệp phụ sẽ bị loại nếu đôi bên hòa có bàn thắng trong khoảng thời gian ấy.
Một thực tế khác: cái quy định tưởng là có tính chuyên môn cao độ kia đã không ít lần làm hại tính hấp dẫn của bóng đá bởi các đội toan tính quá kỹ. Một bàn thắng liên quan đến quy định này có thể làm thay đổi toàn cục, nên đứng trước hoàn cảnh cụ thể, người ta sẽ thận trọng tối đa, làm cho trận đấu coi như... vứt đi. FIFA từng nghĩ ra rồi phải hủy bỏ quy định về "bàn thắng vàng", "bàn thắng bạc" cũng là vì vậy.
Tóm lại, quy định tưởng chừng chỉ là chi tiết nhỏ để phân cao thấp trong các cặp đấu quá cân bằng có thể sẽ làm thay đổi toàn bộ cuộc chơi, với những hệ lụy ngoài dự kiến của những người nghĩ ra nó. Trên lý thuyết, tuy đều đá trên sân trung lập như nhau, như RB Leipzig sẽ cố thủ khi gặp Liverpool tại Hungary (vì trận này được tính là "sân nhà" và bàn thua cho Leipzig sẽ tai hại hơn bình thường). Còn Liverpool sẽ ưu tiên tấn công vì bàn thắng của họ sẽ có giá trị cao hơn. Đến khi đá trận lượt về tại Slovenia thì câu chuyện lại đổi ngược!
Thôi thì cứ phải đá (và đá đủ 2 lượt), vì tiền bạc, vì sợ phải lôi nhau ra tòa... Nhưng tại sao Liên đoàn bóng đá châu Âu lại cứ phải bám chặt vào cái quy định "rách việc" trong hoàn cảnh tất cả đã quá đau đầu vì đối phó với đại dịch rồi? Quy định là do con người nghĩ ra, sao không thể bỏ cho bớt rắc rối? Bóng đá đâu có hấp dẫn hơn khi người tính rằng Budapest là sân nhà của RB Leipzig, còn Vincic là sân nhà của Liverpool, rồi lăm le triển khai quy định bàn thắng trên sân đối phương nơi các trận ấy!
Bình luận (0)