Sáng 21.7, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết Hội nghị T.Ư 5 khóa XIII.
Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh quán triệt nội dung của Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. |
ngọc thắng |
Truyền đạt chuyên đề “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết 19), Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh cho biết Nghị quyết 19 đề ra 5 quan điểm phát triển theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Cụ thể, Nghị quyết 19 tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, mối quan hệ gắn bó của nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nông dân là người quyết định thành công của sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn; nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ nền kinh tế; và xây dựng thôn hiện đại trong giai đoạn tới.
“Thứ 5, Nghị quyết cũng đã xác định rõ trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn”, ông Trần Tuấn Anh nói, và cho biết Nghị quyết 19 đề vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Về nhiệm vụ, giải pháp, ông Trần Tuấn Anh cho biết, Nghị quyết 19 đề ra 9 nhóm giải pháp, nhiệm vụ. Đầu tiên là nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn.
“Đây là điểm mới của Nghị quyết 19, nhấn mạnh vai trò chủ thể của nông dân và là nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu, có tính quyết định đến sự thành công trong tổ chức thực hiện nghị quyết”, Trưởng ban Kinh tế T.Ư nhấn mạnh.
Thứ 2 là nhóm giải pháp về phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng.
Nhóm giải pháp thứ 3 là phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Trong giải pháp này, Trưởng ban Kinh tế T.Ư lưu ý, Nghị quyết 19 yêu cầu nâng cấp xây dựng hạ tầng thương mại nông thôn đa dạng, đồng bộ, kết hợp hài hoà giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, phù hợp với từng địa bàn; nâng cấp hệ thống chợ truyền thống đáp ứng nhu cầu của người dân.
Thứ 4 là nhóm giải pháp là về xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa. Trong đó, Nghị quyết 19 yêu cầu tăng đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, ưu tiên các vùng khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo, phấn đấu không để chênh lệch lớn giữa các vùng.
Hội nghị toàn quốc quán triệt các nghị quyết Hội nghị T.Ư 5 khóa XIII được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến |
ngọc thắng |
Thứ 5, về hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ông Trần Tuấn Anh cho biết, Nghị quyết đưa ra các nhiệm vụ giải, pháp trọng tâm đối với hoàn thiện chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát triển thị trường tài chính, tín dụng vi mô, các sản phẩm dịch vụ tài chính mới…
Thứ 6, Nghị quyết yêu cầu tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đào tạo nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời gian sắp tới.
Thứ 7, theo Trưởng ban Kinh tế T.Ư, Nghị quyết đặt ra yêu cầu quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.
Thứ 8 là nhóm giải pháp về chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực và đẩy mạnh chuyển giao khoa học - công nghệ.
Theo ông Trần Tuấn Anh, đây là nhóm nhiệm vụ giải pháp mới được bổ sung. Trong đó đặt ra các yêu cầu lớn đối với phát triển thị trường; huy động, sử dụng vốn, khoa học - công nghệ và hợp tác quốc tế.
Cuối cùng là giải pháp về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp ở nông thôn.
Bình luận (0)