Trưởng ban Tổ chức T.Ư: Cần khống chế số lượng tướng công an

07/06/2018 17:26 GMT+7

Đồng tình với đề xuất cấp hàm cao nhất của giám đốc công an tỉnh là thiếu tướng, song Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính cho rằng, cần có tiêu chí cụ thể để tránh số lượng tướng trong ngành công an tăng lên.

Phát biểu tại thảo luận tổ chiều 7.6 về dự luật Công an nhân dân (sửa đổi), ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư, khi góp ý về quy định chính quy hóa lực lượng công an xã, đã đề nghị ban soạn thảo cần có đánh giá tác động khi bố trí lực lượng công an chính quy đảm trách chức danh công an xã tại 11.162 xã, và đề xuất nên làm thận trọng, có thể thí điểm ở những nơi có tình hình phức tạp về an ninh trật tự, sau đó tổng kết mở rộng ra, chứ không nên nóng vội.
Đối với đề xuất cấp hàm cao nhất của giám đốc công an tỉnh là thiếu tướng, ông Phạm Minh Chính bày tỏ sự tán thành, song cho rằng, cần làm theo hướng chọn những địa bàn trọng điểm về an ninh, trật tự và có tiêu chí cụ thể, để tránh số lượng tướng tăng lên so với quy định tại luật hiện hành.
“Thứ nhất là khống chế về tiêu chí, thứ hai là khống chế về tổng số cấp tướng mà lực lượng công an được phong để đảm bảo chặt chẽ, phù hợp với luật Công an nhân dân ban hành ở nhiệm kỳ trước”, ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Trước những băn khoăn cho rằng quy định như vậy sẽ không có sự tương ứng giữa công an và quân đội tại các địa phương, ông Chính bày tỏ tán thành với dự thảo luật và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật. “Đối với quân đội, dưới Bộ Quốc phòng còn có các quân khu, quân đoàn, trong khi đối với công an, lực lượng ở một tỉnh quân số đông, tính chất phức tạp hơn nhiều, đặc biệt là các địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa”, ông Chính phân tích.
Theo Trưởng ban Tổ chức T.Ư, do có sự khác biệt giữa công an và quân đội như vậy, nên đề xuất phong hàm thiếu tướng với giám đốc công an tỉnh nhưng không phong quân hàm thiếu tướng đối với chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh cũng có lý và có thể giải thích được.
Phải có tiêu chí cho cục đặc biệt
Đối với quy định về cục đặc biệt trong dự thảo luật trình Quốc hội lần này, ông Chính cho rằng, đã là cục đặc biệt thì phải có tiêu chí đặc biệt.
Theo ông Chính, trước đây, công an có các tổng cục, giờ nguyên tắc là bỏ cấp trung gian, giải tán các tổng cục thì có các cục đặc biệt, vừa có tính phổ biến lại vừa đặc thù.
“Cục đặc biệt là thế nào, dự luật cần định hướng, còn cụ thể do Chính phủ quy định. Ví dụ như cục đó là đơn vị chống tội phạm ma túy, hay chống tội phạm tham nhũng…”, ông Chính cho biết.
Tuy nhiên, theo Trưởng ban Tổ chức T.Ư, việc phong cấp hàm cao nhất cho các cục trưởng Cục Đặc biệt là trung tướng cũng cần tính toán, cân đối cho phù hợp tình hình thực tế.
Ông Chính cũng đề nghị cân nhắc, phân tích thêm về việc Thủ tướng bổ nhiệm cục trưởng cục đặc biệt. “Hiện nay, theo tinh thần phân cấp thì chúng ta tập trung giao cho cho cấp dưới một cách đối đa và tăng cường kiểm soát, kiểm tra, giám sát. Cần phân tích kỹ hơn vấn đề này để có quyết định cuối cùng”, ông Chính góp ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.