Sáng 18.3, tại TP.HCM, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị toàn quốc năm 2024. Đến tham dự hội nghị có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Trần Lưu Quang, Phó thủ tướng Chính phủ; nhà báo Lê Quốc Minh, Phó ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân và 500 đại biểu đại diện cho hơn 25.000 hội viên nhà báo trong cả nước.
Báo chí phải tránh lĩnh vực nhóm, "đánh đấm"
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá thực tiễn trong năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã làm được nhiều việc, vai trò của báo chí được Đảng, Nhà nước, nhân dân đánh giá cao.
Trong đó, công tác giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị cho người làm báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam được tăng cường cho người làm báo được thường xuyên, có nhiều đổi mới bắt kịp xu hướng hiện đại. Đồng thời, công tác bảo vệ các lợi ích của đội ngũ người làm báo cũng được quan tâm.
"Có thể nói rằng, Hội đã thực thi pháp luật để bảo vệ người làm báo đúng, trung thành, lăn xả, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý rất nghiêm minh những người xúc phạm đến danh dự của người làm báo", ông Nguyễn Trọng Nghĩa chia sẻ.
Đồng thời, Hội Nhà báo Việt Nam cũng rất kiên quyết tổ chức thực hiện các chủ trương, hệ thống pháp luật và kiên quyết xử lý các vi phạm của các nhà báo liên quan đến vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết rất buồn khi trong năm qua nghe phóng viên, cộng tác viên phải bị xử lý kỷ luật, xử lý pháp luật. "Chúng ta động viên, "vỗ vai", nhắc nhở nhau, tốt nhất không để xảy ra những sai phạm, nhưng đã xảy ra rồi thì phải làm nghiêm minh", ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng truyền thông chính sách là đường lối, chủ trương phải đến với người dân, cuối cùng là mang lại ấm no hạnh phúc cho người dân và doanh nghiệp.
Cạnh đó, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu khắc phục trình trạng tiêu cực trong lĩnh vực nhóm, "đánh đấm", quyết tâm thực hiện làm sao để lành mạnh. Đồng thời, tiếp tục giáo dục, tuyên truyền, định hướng, khơi dậy đội ngũ phóng viên, cộng tác viên ở những địa bàn chưa có điều kiện quản lý chặt chẽ.
"Làm báo có thể nghèo, nhưng không làm tiêu cực, lợi dụng cái này đánh cái kia, cái kia đánh cái nọ, phải đúng, phải trúng, phải khách quan, hài hòa, phải tâm phục khẩu phục. Mỗi bài báo viết lên là phải chống tiêu cực, viết đúng, nói đúng, đúng pháp luật, đúng đạo đức, đúng nguyện vọng của người dân thì vị thế của báo chí được nâng lên rất nhiều", ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Nhấn mạnh báo chí đã làm tốt thì cần tiếp tục tốt hơn nữa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam các cấp cần định hướng các cơ quan báo chí bám sát thực tiễn đổi mới, phát triển đất nước, các vấn đề thời sự.
"Mỗi tác phẩm báo chí phải tác động vào cả trí óc và trái tim công chúng, từ đó, định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước", ông Nguyễn Trọng Nghĩa mong muốn.
Cùng đó, cần thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong báo chí, tìm kiếm và triển khai các mô hình tòa soạn số, nghiên cứu các giải pháp để báo chí không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi trí tuệ nhân tạo, robot…
Chống tham nhũng, tiêu cực được chú trọng, có chiều sâu
Tại hội nghị, ông Lê Quốc Minh, Phó ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân cho biết 74 năm qua (21.4.1950 - 21.4.2024) kể từ ngày thành lập, tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng.
Từ gần 300 hội viên đến nay Hội đã thu hút hơn 25.000 hội viên, sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 21 Liên chi hội và 223 Chi hội trực thuộc trên cả nước.
Ông Lê Quốc Minh cho biết trong bối cảnh khó khăn, thách thức chung của thế giới, khu vực và đất nước, có những thách thức chưa từng có tiền lệ, báo chí vẫn luôn là lực lượng xung kích tuyên truyền hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, luôn gắn bó và đồng hành trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, chống tham nhũng, tiêu cực… được quan tâm, chú trọng, có chiều sâu, tạo sức lan tỏa tích cực.
Ông Lê Quốc Minh cho hay các cấp Hội Nhà báo Việt Nam luôn sát cánh cùng các hội viên, các cơ quan báo chí hoạt động một cách chủ động, hiệu quả, linh hoạt, bám sát cơ sở, phản ánh kịp thời, trung thực, khách quan các hoạt động của nhân dân và của cả hệ thống chính trị.
Vẫn còn tình trạng địa phương có tâm lý ngại tiếp xúc, né tránh báo chí
Tham luận tại hội nghị, nhà báo Đức Trung (Dương Danh Hữu), Ủy viên Ban Biên tập, Tổng thư ký tòa soạn, Phó chủ tịch thường trực Liên chi hội Báo Thanh Niên, cho biết hiện có 173 phóng viên, biên tập viên của Báo Thanh Niên là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
Trong năm 2023, các chi hội đã nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào kết quả hoạt động của Liên chi hội và sự phát triển chung của Báo Thanh Niên trên nhiều mặt, từ công tác nội dung, kinh tế báo chí đến các hoạt động từ thiện xã hội - vì cộng đồng và các chương trình, sự kiện sau mặt báo.
Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức sau đại dịch Covid-19 và xung đột địa - chính trị thế giới để lại, tình hình kinh tế - xã hội nói chung và kinh tế báo chí nói riêng bị ảnh hưởng mạnh, dự báo trong năm 2024, khó khăn còn gay gắt hơn.
Do sức ép của công việc chuyên môn hằng ngày, đa số hội viên, lãnh đạo liên chi hội, chi hội đều kiêm nhiệm nên có lúc chưa dành nhiều thời gian cho hoạt động của hội. Cùng với đó, đội ngũ phóng viên thường trú của Báo Thanh Niên hiện vẫn chưa phủ hết tất cả các tỉnh, thành trên cả nước, đa số vẫn chưa có văn phòng làm việc tại địa bàn phụ trách; điều kiện đi lại tác nghiệp giữa các vùng nông thôn gặp nhiều khó khăn…
Trong khi đó, vẫn còn tình trạng địa phương có tâm lý ngại tiếp xúc, né tránh báo chí, thậm chí gây khó dễ khi báo chí khi tác nghiệp.
Theo nhà báo Đức Trung, thời gian gần đây, nổi lên tình trạng một số phóng viên thường trú, cộng tác vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật khi tác nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của báo chí.
Qua đó, ông kiến nghị các cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ TT-TT và Hội Nhà báo Việt Nam, tăng cường cơ chế kiểm soát, ngăn ngừa, chế tài mạnh mẽ các vi phạm. Song song đó, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm luật Báo chí, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.
Phía Hội Nhà báo Việt Nam cần tổ chức thêm nhiều lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho phóng viên, phổ biến kịp thời, cụ thể hơn các quy định mới ban hành về liên quan đến nghề nghiệp người làm báo và tập huấn về luật Báo chí cho các lãnh đạo sở, ngành, địa phương hiểu, nhận thức đúng hơn về vai trò của báo chí.
Bình luận (0)