Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư: 'TP.HCM dứt khoát phải phát triển từ nguồn nhân lực chất lượng cao'

16/10/2023 13:14 GMT+7

'TP.HCM dứt khoát phải phát triển từ nguồn lực con người và nguồn nhân lực chất lượng cao', Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa nhìn nhận.

Sáng 16.10, đoàn khảo sát nhóm 3 của Ban chỉ đạo tổng kết T.Ư (lĩnh vực văn hóa - xã hội và con người) làm việc với Thành ủy TP.HCM. Đoàn công tác do ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, Trưởng ban chỉ đạo nhóm 3 làm trưởng đoàn.

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phạm Đức Hải cho biết, sau gần 40 năm thực hiện công cuộc "Đổi mới", đặc biệt là xây dựng và phát triển văn hóa, con người, TP.HCM đã vươn tầm, phát triển, đạt nhiều thành tựu nổi bật về văn hóa, xã hội.

Trong đó, tư duy lý luận về phát triển văn hóa có bước phát triển khá rõ; nhận thức về văn hóa ngày càng nâng lên; đời sống và mức hưởng thụ văn hóa tinh thần phong phú đa dạng; nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được bảo tồn và phát huy; chăm sóc an sinh xã hội, người có công được đảm bảo…

'TP.HCM dứt khoát phải phát triển từ nguồn nhân lực chất lượng cao' - Ảnh 1.

Đoàn khảo sát của T.Ư làm việc với Thành ủy TP.HCM

NGUYÊN VŨ

Ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư đánh giá không gian văn hóa Hồ Chí Minh mà TP.HCM đang tập trung xây dựng là nét đặc sắc, nếu thành công thì đó không chỉ của TP.HCM mà còn của cả nước, ai cũng muốn thấy có hình ảnh mình trong đó.

Đề cập đến mục tiêu xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình, ông Lâm quan tâm đến "từ khóa" nghĩa tình và đặt vấn đề thành phố sẽ phát triển như thế nào và đâu là giá trị chuẩn mực để mỗi con người TP.HCM tự hào.

Chia sẻ về không gian văn hóa Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhìn nhận bước đầu văn hóa đã thấm vào từng con người, tổ chức, đơn vị. Ở góc độ phi vật thể, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thấm sâu một cách tự nhiên, biểu hiện dễ nhìn thấy nhất đó là sự trân trọng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong từng không gian.

Lý giải cho việc phát triển nhân lực, văn hóa tại TP.HCM chựng lại, ông Đức cho rằng một số chính sách "xơ cứng". Cụ thể, trong đào tạo nguồn nhân lực, quy định hạn chế không cho TP.HCM dùng ngân sách để đào tạo, nâng chất lượng viên chức, người lao động tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo ông Đức, lĩnh vực nghệ thuật truyền thống có nhiều văn nghệ sĩ không phải là viên chức, rồi phương pháp truyền nghề không theo trường lớp nên muốn đầu tư, phát triển cũng khó.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM thông tin thêm trong thời gian dài, địa phương muốn phát triển nhưng không có nguồn lực bởi các cơ chế huy động nguồn lực xã hội bị bó hẹp. Mới đây, Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội đã "cởi trói" cho phép TP.HCM mở rộng hình thức đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa thể thao, y tế, giáo dục đào tạo.

Chúng tôi mong muốn sắp tới tiến độ điều chỉnh chính sách nhanh hơn, mạnh mẽ hơn để tận dụng tối đa nguồn nhân lực để phát triển.

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM

Phát triển văn hóa đồng bộ với kinh tế

Trao đổi tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh văn hóa là lĩnh vực lớn, đa dạng, phong phú đòi hỏi nghiên cứu toàn diện, thấu đáo. Ví von nhiệm vụ của đoàn công tác làm việc với TP.HCM như đi "đãi cát tìm vàng", ông Nên đề nghị mỗi đại biểu tùy vào góc nhìn để chọn lựa điều gì ở TP.HCM trong 40 năm qua báo cáo cho T.Ư.

Ông Nguyễn Văn Nên khẳng định Đảng bộ và chính quyền TP.HCM luôn nhận thức vị trí và tầm quan trọng của xây dựng và phát triển văn hóa xã hội, con người với mục tiêu là phát triển văn hóa xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế. Thành tựu 40 năm qua không thể kể hết nhưng nổi bật là giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, môi trường.

'TP.HCM dứt khoát phải phát triển từ nguồn nhân lực chất lượng cao' - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM ví von buổi khảo sát giống như "đãi cát tìm vàng"

NGUYÊN VŨ

Dù vậy, Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng nhìn nhận thời gian qua phát triển văn hóa chưa ngang tầm phát triển kinh tế, các giải pháp huy động nguồn lực chưa tương xứng và chưa đồng bộ.

Khẳng định nhiệm vụ phát triển văn hóa và con người TP.HCM theo hướng văn minh, hiện đại, nghĩa tình, hội nhập quốc tế, ông Nên nhấn mạnh đến việc giữ gìn bản chất, cốt cách vốn có từ thời cha ông đi mở cõi, nơi hội tụ văn hóa của 54 dân tộc anh em, nơi giao hòa văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới. Song song đó, cần tiếp tục khai thác các nguồn lực văn hóa tinh thần để tạo thành sức mạnh nội sinh.

Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM cũng cho rằng cần đổi mới tư duy quản lý văn hóa trong bối cảnh kinh tế thị trường hội nhập quốc tế, nhất là hoàn thiện chính sách. TP.HCM đang ra sức tập trung xây dựng môi trường văn hóa đi đôi với giáo dục công dân, coi đây là cốt lõi để xây dựng thành phố, để mọi người sinh sống tự hào về thành phố.

Thiết kế chính sách đột phá phát triển văn hóa

Phát biểu kết luận buổi khảo sát, ông Nguyễn Trọng Nghĩa thống nhất các nội dung trong báo cáo và đánh giá các ý kiến thảo luận đã làm rõ hơn một bước nhận thức của Đảng bộ TP.HCM về phát triển văn hóa xã hội và con người từ năm 1986 đến nay.

Ông cũng nhìn nhận TP.HCM có thực tiễn sinh động, nhiều giai đoạn để đánh giá từ kháng chiến chống Pháp, Nam kỳ khởi nghĩa, Nam bộ kháng chiến, chống Mỹ cứu nước, chiến tranh biên giới, quá trình đổi mới và khi Liên Xô - Đông Âu sụp đổ. Đặc biệt, TP.HCM cần dành thời gian đánh giá kỹ hơn 2 năm phòng chống dịch bệnh Covid-19 với nhiều câu chuyện về văn hóa, con người.

'TP.HCM dứt khoát phải phát triển từ nguồn nhân lực chất lượng cao' - Ảnh 4.

Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa trao đổi tại buổi khảo sát tại Thành ủy TP.HCM

NGUYÊN VŨ

Các ý kiến trao đổi cũng làm rõ thêm nhận thức về phát triển văn hóa, đồng thời bổ sung thêm nhiều vấn đề sâu sắc về văn học nghệ thuật, thể thao, văn hóa truyền thống, giáo dục, đào tạo nguồn lực con người. "TP.HCM dứt khoát phải phát triển từ nguồn lực con người và nguồn nhân lực chất lượng cao", ông Nghĩa nhìn nhận.

Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư khẳng định phát triển văn hóa và con người là vấn đề được T.Ư rất quan tâm trong tiến trình phát triển đất nước nên cần nhiều chính sách, giải pháp đột phá. Ông cũng nhấn mạnh chủ trương có rồi, việc còn lại là thiết kế chính sách phù hợp để TP.HCM phát triển, vận động nhiều nguồn tạo những dấu ấn đột phá trong dịp 50 năm thống nhất đất nước vào năm 2025.

TP.HCM "khát" tác phẩm văn học nghệ thuật đỉnh cao

Ông Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật TP.HCM nhấn mạnh cách đây 40 năm là thời kỳ thăng hoa của văn học nghệ thuật nhờ có nguồn nhân lực văn nghệ sĩ đa dạng.

Từ 1986 đến năm 2006, văn học nghệ thuật phát triển mạnh, văn nghệ sĩ cảm nhận sự cởi mở, đổi mới và có nhiều tác phẩm đỉnh cao về văn học, điện ảnh, sân khấu.

'TP.HCM dứt khoát phải phát triển từ nguồn nhân lực chất lượng cao' - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật TP.HCM

NGUYÊN VŨ

Sau đó, văn hóa nghệ thuật của TP.HCM và cả nước chựng lại. Đến giữa năm 2008, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 23 về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Ông Lưu đánh giá trong 15 năm qua, TP.HCM không có tác phẩm đỉnh cao về văn học nghệ thuật.

Lý giải cho thực trạng này, ông Lưu nhấn mạnh điểm nghẽn lớn nhất là văn hóa nói chung và văn học, nghệ thuật nói riêng đều ảnh hưởng bởi kinh tế. Trong 10 - 15 năm gần đây, kinh tế phát triển nhanh nhưng tư tưởng, văn hóa nghệ thuật chưa theo kịp, đội ngũ văn nghệ sĩ cũng chưa theo kịp. "Đây là điểm nghẽn rất lớn, phải nhìn nhận và tháo gỡ", ông Lưu nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.