Trường bỏ hoang, học sinh phải “ké” trường khác

05/12/2024 07:46 GMT+7

Mới sử dụng 6 năm nhưng Trường THCS Dương Văn Thì (xã Phú Hữu, H.Nhơn Trạch, Đồng Nai), có kinh phí đầu tư hơn 13 tỉ đồng, đã xuống cấp, dù được cấp thêm gần 1,6 tỉ đồng sửa chữa. Từ năm 2021 đến nay, do không đảm bảo an toàn, học sinh của trường phải đi nơi khác học tạm.

TRƯỜNG 13 TỈ ĐỒNG BỎ HOANG

Ngày 2.12, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, bên trong Trường THCS Dương Văn Thì cỏ mọc khắp nơi. Các dãy nhà bong tróc sơn, nhiều phòng học cửa không đóng, kính bị vỡ... Tại cổng có bảng thông báo của UBND xã Phú Hữu ghi: "Khu vực nguy hiểm, cấm vào trường Dương Văn Thì". Một người dân gần trường nói: "Nhìn cảnh tài sản nhà trường bị bỏ hoang nhiều năm và ngày càng xuống cấp, trong khi học sinh phải đi nơi khác học tạm, tôi thấy tiếc quá. Mong nhà nước có phương án xử lý lại ngôi trường để tránh lãng phí".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Trường THCS Dương Văn Thì được đưa vào sử dụng đầu năm 2008, sau 1 năm xây dựng. Quy mô trường gồm khối nhà học và thí nghiệm (3 tầng), khối nhà hành chính - hiệu bộ (2 tầng), hội trường đa năng (1 tầng) cùng các hạ tầng khác như nhà để xe, sân, đường nội bộ… Đến năm 2014 trường bắt đầu xuống cấp, hệ thống đà bê tông có dấu hiệu không gánh đỡ nổi; cột bê tông ở khu hiệu bộ bị nứt, sắt bên trong gỉ sét; lan can hành lang phía trước các lớp học nứt và đổ, vỡ; la phông khu vực hội trường và các phòng học rơi gãy, thấm dột; hệ thống nhà vệ sinh thấm dột qua trần, tường gây hư hỏng nặng, không sử dụng được; nền gạch sụt lún, hệ thống thoát nước thường tắc nghẽn, gây ngập úng khi trời mưa...


Trường bỏ hoang, học sinh phải “ké” trường khác- Ảnh 1.

Trường THCS Dương Văn Thì bỏ hoang nhiều năm nay

ẢNH: LÊ LÂM

Trường bỏ hoang, học sinh phải “ké” trường khác- Ảnh 2.

Và trường đang ngày càng xuống cấp

ẢNH: LÊ LÂM

Năm 2018 và 2020, nhà nước chi kinh phí gần 1,6 tỉ đồng để sửa chữa, nhưng vẫn không "cứu" được ngôi trường. Do không đảm bảo an toàn nên từ ngày 9.12.2021 toàn bộ học sinh được chuyển qua Trường tiểu học Phú Hữu học tạm cho đến nay. Trước tình hình trên, Ban Quản lý dự án H.Nhơn Trạch đã thuê 2 đơn vị kiểm định chất lượng công trình, và đều có chung nhận định là chủ đầu tư nên xem xét phương án tháo dỡ và xây mới lại công trình…

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Minh Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT H.Nhơn Trạch, cho biết UBND huyện đang kiến nghị cấp trên xem xét cho chủ trương tháo dỡ, xây mới lại Trường THCS Dương Văn Thì. "Nhiều năm qua các em phải đi học tạm ở Trường tiểu học Phú Hữu, tuy vẫn đảm bảo chất lượng nhưng không thể tốt bằng dạy và học ở một ngôi trường được xây dựng với kết cấu, tiêu chí nhằm phục vụ cho bậc THCS", ông Hùng nói.

Phát hiện hàng loạt sai phạm tại ngôi trường 13 tỉ đồng bỏ hoang

PHÁT HIỆN HÀNG LOẠT CÁI KHÔNG, CÁI THIẾU

Mới đây, thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đã vào cuộc và phát hiện hàng loạt cái "không" trong dự án trường Dương Văn Thì. Cụ thể, chủ đầu tư (Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai) không tổ chức khảo sát xây dựng (địa chất và địa hình), nhưng sau đó lại thực hiện khâu này ở bước thiết kế bản vẽ thi công. Đơn vị khảo sát địa hình (Công ty TNHH tư vấn thiết kế xây dựng P.H.A.) không có chủ nhiệm khảo sát xây dựng; chủ đầu tư không cung cấp được hợp đồng khảo sát địa hình. Đơn vị khảo sát địa chất (Công ty TNHH tư vấn xây dựng Thanh Cường) không cung cấp được hồ sơ lập phương án kỹ thuật khảo sát địa chất; không có chủ nhiệm khảo sát xây dựng; không cung cấp được giấy đăng ký hoạt động khảo sát địa chất (chủ đầu tư cũng không cung cấp được hồ sơ giám sát hạng mục này). Đơn vị lập thiết kế bản vẽ thi công - dự toán (Công ty TNHH tư vấn thiết kế xây dựng P.H.A.) không cung cấp được chứng chỉ năng lực hành nghề thiết kế của cá nhân chủ trì thiết kế; hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công không có thuyết minh thiết kế và phụ lục tính toán; bản vẽ thiết kế thi công có đóng dấu thẩm tra nhưng không có chữ ký và số văn bản báo cáo thẩm tra.

Ngoài ra, thanh tra cũng phát hiện trong công tác quản lý chất lượng vật tư, vật liệu sử dụng cho công trình thiếu rất nhiều kết quả thí nghiệm như nước giếng khoan dùng cho bê tông và vữa xây dựng; chỉ tiêu cơ lý của xi măng; chỉ tiêu cơ lý của gạch xây; chỉ tiêu cơ lý và chỉ tiêu cơ hóa của cát dùng cho bê tông và vữa; các chỉ tiêu cơ lý của đá 10x20 sử dụng cho công trình chưa đầy đủ; thiếu các biên bản kiểm tra chấp thuận chất lượng vật tư - vật liệu, cấu kiện, thiết bị, máy móc sử dụng cho công trình; thiếu bảng thiết kế cấp phối bê tông. Ngoài ra còn thiếu biên bản nghiệm thu hoàn thành giai đoạn thi công ép cọc; thiếu kết quả thí nghiệm cường độ bê tông 28 ngày tuổi cho các cấu kiện (cọc, đài, móng, khung cột dầm sàn…), cường độ vữa xây tô 28 ngày tuổi; bản vẽ hoàn công chưa cập nhật các số liệu ép cọc thực tế trên công trường…

Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai kết luận: "Việc các đơn vị tham gia hoạt động xây dựng (tư vấn khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát) chưa thực hiện đầy đủ các bước theo quy định nêu trên là một trong những nguyên nhân dẫn đến một số hạng mục công trình bị hư hỏng, xuống cấp nhanh". Mặc dù nêu lên hàng loạt sai phạm trong quá trình đầu tư xây dựng Trường THCS Dương Văn Thì, nhưng thanh tra chỉ kiến nghị lãnh đạo Sở Xây dựng có kiến nghị với UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo, xác định trách nhiệm để tổ chức kiểm điểm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện dự án.

Liên quan đến vụ việc trên, ngày 26.11, ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ký văn bản yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện kết luận thanh tra liên quan; yêu cầu các đơn vị có thẩm quyền làm rõ, đề xuất xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.