Rơi vào thế bất lợi !
Tiến sĩ Đào Khánh Dư, Hiệu trưởng Trường cao đẳng (CĐ) Kỹ thuật Cao Thắng, một trường thuộc diện tuyển sinh khá tốt trong khối các trường CĐ, tỏ ra lo ngại nếu việc bỏ điểm “sàn” ĐH được thông qua: “Vẫn biết trường CĐ bây giờ không còn thuộc quản lý của Bộ GD-ĐT, nhưng Bộ không thể vì lý do quản lý ĐH thì việc tuyển sinh chỉ phục vụ cho ĐH, còn các bậc học khác không cần quan tâm. Như vậy là không công bằng cho các trường CĐ và chính thí sinh (TS) cũng bị làm khó. Trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, TS chỉ được tiếp cận với các trường ĐH, và chỉ các trường ĐH mới được tiếp cận cơ sở dữ liệu của TS. Hoàn toàn không có bóng dáng các trường CĐ, dù không ít em trong những năm trước ngay đợt 1 đã nộp hồ sơ vào trường CĐ rồi”.
tin liên quan
Chương trình Tư vấn mùa thi 2017: Đổi mới để phù hợp với thay đổi thiKỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 tiếp tục đổi mới mạnh mẽ. Đồng hành cùng thí sinh trong 18 năm qua, chương trình Tư vấn mùa thi lần thứ 19 (2017) do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu bạn đọc.
Năm 2016, ngay đợt 1 Trường CĐ Kinh tế đối ngoại đã lấy đủ chỉ tiêu với điểm chuẩn khá cao. Thế nhưng ông Phạm Châu Thành, Hiệu trưởng nhà trường, cũng không thể không lo lắng trước nguy cơ năm 2017 phải chờ đợi TS nếu ĐH bỏ điểm “sàn”. “Chúng tôi chỉ sợ năm 2017 nguồn dữ liệu về CĐ không có trong hệ thống xét tuyển chung, khiến cho việc quan tâm của các em bị giảm và các trường CĐ phải đợi cho đến lúc hoàn tất việc xét tuyển ĐH mới có thể bắt đầu. Nhưng lúc đó liệu có còn nguồn để tuyển? Nếu như được bình đẳng xét tuyển ngay đợt 1 như những năm trước thì chúng tôi rất yên tâm”, ông Thành nhận định.
Đề nghị Bộ GD-ĐT chia sẻ dữ liệu
Trước tình hình CĐ sẽ gặp khó khăn trong tuyển sinh, các trường đề xuất giải pháp tốt nhất có thể làm được.
Tiến sĩ Dư kiến nghị: “Tốt nhất là Bộ LĐ-TB-XH có buổi làm việc với Bộ GD-ĐT để phối hợp trong quá trình tuyển sinh. Theo đó, Bộ LĐ-TB-XH nên đề nghị Bộ GD-ĐT chia sẻ dữ liệu để giúp các trường CĐ có thể tuyển ngay trong đợt đầu tiên theo phương thức xét điểm kỳ thi THPT quốc gia. Trường tốt thì có thể tuyển đủ 100% chỉ tiêu, với trường tốp dưới cũng có thể lấy được vài chục phần trăm để việc tổ chức đào tạo không bị trễ. Và chỉ có cách đó trường chúng tôi mới có hy vọng lấy được những thí sinh điểm cao để chất lượng đầu vào không bị giảm sút”.
tin liên quan
Sinh viên sư phạm sẽ thực tập như sinh viên yĐào tạo giáo viên phải đổi mới theo hướng giống như trường y, cho sinh viên học ngay tại bệnh viện thì mới có thể bắt nhịp đổi mới giáo dục phổ thông.
Tiến sĩ Phan Thị Hải Vân, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex, cũng nhìn nhận: “Toàn bộ dữ liệu về TS do Bộ GD-ĐT nắm. Nếu chỉ các trường ĐH được sử dụng thì không công bằng. Dữ liệu đó cần được chia sẻ để cả trường ĐH, CĐ sử dụng chung và TS cũng có thông tin của các trường CĐ trên cổng thông tin tuyển sinh là tốt nhất. Nhưng nếu không được thì các trường cần chủ động xây dựng phương án tuyển sinh của mình sao cho không cần phụ thuộc vào dữ liệu ấy”.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết tổng cục sẽ đề xuất với lãnh đạo Bộ về việc đề nghị Bộ GD-ĐT chia sẻ cơ sở dữ liệu của thí sinh. Đồng thời, tổng cục dự kiến cũng sẽ xây dựng cổng thông tin tuyển sinh để các trường có dữ liệu xét tuyển chung.
Đẩy mạnh xét tuyển bằng học bạ
Thạc sĩ Bùi Mạnh Tuân, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Công thương TP.HCM, cho rằng các trường CĐ vẫn cứ tuyển sinh cùng đợt với ĐH mà không cần phụ thuộc vào dữ liệu chung. “Theo dự thảo quy chế tuyển sinh CĐ thì TS chỉ cần mang giấy chứng nhận kết quả thi bản sao và giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tới các trường CĐ là đủ. Từ đó, tại sao các trường không tập trung vào việc xét tuyển bằng học bạ? Quan trọng là TS cần có nhận thức đúng đắn, xác định được năng lực của mình ngay từ đầu để chọn bậc học phù hợp”, ông Tuân chia sẻ.
tin liên quan
ĐH Quốc gia TP.HCM công bố phương án tuyển sinh 2017ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tuyển sinh bằng nhiều phương thức, trong đó
có thí điểm tổ chức thi đánh giá năng lực ở một vài đơn vị thành viên.
Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, cho rằng trường sẽ đẩy mạnh việc xét tuyển học bạ ngay từ đầu, không cần dính dáng tới nguồn dữ liệu THPT quốc gia: “Trước giờ những trường CĐ nghề do Bộ LĐ-TB-XH quản lý tuyển sinh đâu cần kết quả thi THPT quốc gia, họ vẫn xét tuyển bằng học bạ ngay từ đầu đấy thôi. Thì nay, các trường CĐ cũng nên quen dần với việc không còn liên quan đến cách tuyển sinh trước đây - khi ĐH, CĐ cùng tham gia xét tuyển chung. Chúng ta vẫn được quyền xét tuyển bằng nhiều phương thức. TS nào dùng điểm THPT quốc gia thì chỉ cần nộp phiếu điểm bản sao, không có dữ liệu trực tuyến thì các trường cứ làm thủ công thôi, sẽ mất thời gian và khó khăn hơn một chút”.
Đại diện các trường cũng mong muốn Bộ LĐ-TB-XH phải có những chiến lược truyền thông cụ thể để người học biết hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện nay tuyển sinh như thế nào, gồm những trường CĐ, trung cấp nào… Chẳng hạn xuất bản cuốn Những điều cần biết về giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh thông tin về các chính sách thu hút người học nghề trên các phương tiện truyền thông…
Có như vậy, việc tuyển sinh trong tương lai mới có thể độc lập và thuận lợi hơn.
tin liên quan
Thống kê thú vị về sinh viên nam - nữ của ĐH Quốc gia TP.HCMĐH Quốc gia TP.HCM vừa có báo cáo tổng kết năm 2016. Trong đó, có nhiều số liệu thống kê khá thú vị tại các trường thành viên của đơn vị này.
Bình luận (0)