Trường công lập tự chủ tài chính là gì? Khác gì với trường thường?

22/04/2024 17:11 GMT+7

Mới đây Trường mầm non Vàng Anh, Q.5, TP.HCM tổ chức lấy ý kiến rộng rãi phụ huynh, giáo viên, người dân, các cơ quan đoàn thể khu vực Q.5 và những khu vực lân cận về việc thực hiện mô hình trường công lập tự chủ tài chính và được dư luận quan tâm.

Trường công lập tự chủ tài chính là gì? Khác gì với trường thường?- Ảnh 1.

Trường mầm non Vàng Anh, Q.5, TP.HCM trong giờ trẻ ra về

THÚY HẰNG

Trường mầm non Vàng Anh, Q.5 là trường công lập. Trong đề án được đưa ra để lấy ý kiến khảo sát từ người dân về mô hình trường công lập này khi chuyển sang công lập tự chủ tài chính, mức thu với trẻ mẫu giáo là 7.870.000 đồng/tháng. Với các bé độ tuổi nhà trẻ, khi áp dụng mô hình trường mầm non công lập tự chủ tài chính thì tổng các khoản phải đóng sẽ ít hơn.

Đại diện Ban giám hiệu Trường mầm non Vàng Anh, Q.5 cho biết: "Số tiền trên không chỉ là học phí, mà là trọn gói các khoản thu trong một tháng, bao gồm học phí, tiền suất ăn sáng, tiền suất ăn trưa, tiền nước uống, phí phục vụ bán trú, tiền tham gia các lớp học theo đề án, tiền tổ chức học ngoại ngữ…". Và mức thu 7.870.000 đồng/trẻ mẫu giáo/tháng được tính toán thu đủ bù chi, dựa vào số lượng giáo viên, thâm niên giáo viên, số lượng học sinh trong trường...

Có mấy loại trường công lập tự chủ tài chính?

Trường công lập tự chủ tài chính là trường tự chịu trách nhiệm về các khoản thu, khoản chi của đơn vị mình trên nguyên tắc thu đủ bù chi, trong khuôn khổ mà pháp luật quy định.

Việc tự chủ tài chính có thể là tự chủ tài chính một phần, hoặc tự chủ tài chính hoàn toàn (tự chủ tài chính 100%) được quy định trong Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ; Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ; Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Một cán bộ ngành giáo dục cho biết tự chủ tài chính 100% nghĩa là trường không còn nhận ngân sách nhà nước, tự thu - chi trên nguyên tắc thu đủ bù chi. UBND các quận, huyện sẽ quyết định đơn vị thực hiện mô hình này.

TP.HCM có một số trường công lập thực hiện tự chủ tài chính 100%. Ở bậc mầm non, thành phố có Trường mầm non Nam Sài Gòn, Q.7. Đây là trường mầm non công lập tự chủ tài chính hoàn toàn đầu tiên tại TP.HCM. Hiện chỉ mới có trường mầm non công lập này tự chủ tài chính 100% trên toàn thành phố.

Trường công lập tự chủ tài chính là gì? Khác gì với trường thường?- Ảnh 2.

Trường mầm non Nam Sài Gòn, Q.7, TP.HCM - trường mầm non công lập đầu tiên của TP.HCM tự chủ tài chính 100%

THÚY HẰNG

Trường công lập tự chủ tài chính có thuận lợi, thách thức gì?

Hồi tháng 12.2023, trong một lần trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, cô Lê Thị Xuân Thương, Hiệu trưởng Trường mầm non Nam Sài Gòn, đánh giá, mô hình trường mầm non công lập tự chủ hoàn toàn tài chính có những thuận lợi và đặt ra những yêu cầu cao. Mô hình giúp trường chủ động tính toán về tài chính, đảm bảo thu đủ bù chi, làm sao luôn đảm bảo chế độ cho người lao động, giữ chân giáo viên, người lao động giỏi.

Mô hình tự chủ tài chính hoàn toàn đòi hỏi đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường phải nỗ lực làm sao để phụ huynh tin tưởng, hài lòng, thu hút được phụ huynh.

Cô Thương cho biết nhà trường luôn công khai các khoản thu chi tới phụ huynh, các căn cứ pháp lý, để làm sao cho phụ huynh thấy rằng, mức đóng các khoản thu cho con tại ngôi trường này là hoàn toàn hợp lý, đúng cơ sở pháp lý và chi phí phụ huynh đóng cho con là tương xứng với chất lượng đào tạo. Để làm được điều này, hoạt động chuyên môn trong Trường mầm non Nam Sài Gòn, Q.7 phải được nâng cao, kế hoạch giáo dục rõ ràng để phụ huynh thấy được sự lựa chọn của mình cho con học trong ngôi trường này là đúng đắn.

Trường công lập tự chủ tài chính là gì? Khác gì với trường thường?- Ảnh 3.

Một phần sân chơi của trẻ trong Trường mầm non Nam Sài Gòn, Q.7, TP.HCM

THÚY HẰNG

Vậy vì sao câu chuyện Trường mầm non Vàng Anh, Q.5, TP.HCM lấy ý kiến chuyển sang mô hình trường công lập tự chủ tài chính khiến nhiều người xôn xao, phần lớn phụ huynh khi được lấy ý kiến khảo sát đã không đồng ý? Kết quả từ nhà trường cho thấy, chỉ có 16 người trên 236 phụ huynh được hỏi là đồng ý; 5 người trên 78 cán bộ ban ngành ở Q.5 là đồng ý.

Một cán bộ ngành giáo dục cho rằng khi trường công lập tự chủ tài chính thì nên có lộ trình từng bước, có thể tăng 20% học phí qua mỗi năm thay vì tự chủ hoàn toàn ngay sẽ gây sốc cho phụ huynh và khiến nhiều người không đồng ý. Vị này cũng nói nếu mình là phụ huynh, được lấy ý kiến tăng các khoản thu như vậy vì tự chủ tài chính 100%, họ cũng sẽ chọn ô "không đồng ý".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.