Trường đại học có được sửa chương trình đào tạo?

05/12/2022 06:05 GMT+7

Nhiều trường đã chủ động xây dựng lại chương trình đào tạo bậc đại học theo hướng cởi mở, linh hoạt hơn. Vậy các trường được phép sửa chương trình đến mức độ nào?

Xây dựng chương trình cụ thể thuộc quyền tự chủ của trường

PGS-TS Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết theo quy định tại luật Giáo dục ĐH, các trường ĐH được tự chủ phát triển chương trình đào tạo theo mục tiêu xác định, bảo đảm sự liên thông giữa các chương trình và trình độ đào tạo theo quy định pháp luật liên quan.

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM trong lớp học

Ngọc Dương

Ông Dũng cho hay: “Bộ GD-ĐT đã quy định cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo trong Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT, phải thể hiện rõ vai trò của từng thành phần, học phần, sự liên kết logic và bổ trợ lẫn nhau giữa các thành phần, học phần đảm bảo thực hiện mục tiêu, yêu cầu tổng thể của chương trình đào tạo. Các học phần tiên quyết phải được thực hiện giảng dạy theo đúng tiến trình và kế hoạch đào tạo đối với từng chương trình cụ thể”.

Để phát triển bền vững và nâng cao hơn nữa uy tín của mình, các trường nên đẩy mạnh công tác khảo sát nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đổi mới phương pháp giảng dạy và tăng cường ứng dụng công nghệ trong dạy và học.

PGS-TS Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT)

Theo Thông tư 17/2021 của Bộ GD-ĐT, khối lượng học tập tối thiểu của một chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH phải phù hợp với yêu cầu của Khung trình độ quốc gia VN. Trong đó, chương trình đào tạo ĐH 120 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh theo quy định hiện hành. Chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7 là 150 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh theo quy định hiện hành hoặc 30 tín chỉ đối với người có trình độ ĐH thuộc cùng nhóm ngành.

Thông tư này cũng quy định rõ yêu cầu đối với chương trình đào tạo ĐH, giáo dục đại cương bắt buộc bao gồm các môn lý luận chính trị, pháp luật, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh theo quy định hiện hành. Đối với chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7, yêu cầu khối lượng thực tập tối thiểu 8 tín chỉ.

Theo Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước nên chỉ đưa ra quy định, xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí mà mỗi chương trình đào tạo do các trường phát triển phải tuân thủ theo các quy định này. Việc xây dựng chương trình cụ thể thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH.

“Thực tế các trường cũng đã rất quan tâm tới việc phát triển chương trình để nâng cao chất lượng, đào tạo sát với nhu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, để phát triển bền vững và nâng cao hơn nữa uy tín của mình, các trường nên đẩy mạnh công tác khảo sát nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đổi mới phương pháp giảng dạy và tăng cường ứng dụng công nghệ trong dạy và học”, ông Dũng khuyến cáo.

Các quy tắc khi sửa chương trình đào tạo

Đại diện các trường ĐH cũng cho biết hiện các trường có sự chủ động rất lớn trong việc xây dựng chương trình đào tạo bậc ĐH.

Một buổi giảng viên đưa sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM "ra khỏi lớp học" giúp sinh viên có những trải nghiệm mới trong học tập

lý nguyễn

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết quy định “cứng” các trường cần bám vào khi xây dựng chương trình đào tạo gồm: khối lượng học tập tối thiểu cho từng loại hình đào tạo, các môn giáo dục đại cương bắt buộc và cập nhật chương trình ít nhất 5 năm/lần. Hiện các trường chủ động xây dựng chương trình đào tạo dựa trên Khung trình độ quốc gia VN do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016. Trong đó, bậc 6 yêu cầu khối lượng học tập tối thiểu 120 tín chỉ cấp bằng ĐH.

Tuy nhiên, ông Nhân cho rằng: “Mặc dù có sự chủ động nhưng các trường khi xây dựng chương trình vẫn phải tuân thủ quy định các học phần tiên quyết, đảm bảo logic trình tự kiến thức để sinh viên có đủ khả năng tiếp nhận trong từng học kỳ. Do vậy, dù các trường có xu hướng cho sinh viên tiếp cận sớm kiến thức liên quan chuyên ngành nhưng vẫn theo một trình tự từ kiến thức nền tảng, cơ sở ngành mới đến chuyên ngành. Điều này càng đặc biệt cần thiết với các khối ngành kỹ thuật, công nghệ, sức khỏe…”.

Theo PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Thông tư 17/2021 của Bộ GD-ĐT quy định Hội đồng tư vấn khối ngành sẽ triển khai nhiệm vụ xây dựng chuẩn chương trình đào tạo cho khối ngành tương ứng. Trên cơ sở này, các trường ĐH xây dựng chuẩn và chương trình đào tạo theo các khối ngành cụ thể. Tuy nhiên, hiện chuẩn chương trình đào tạo cho khối ngành chưa được ban hành. Các trường có quyền tự chủ trong việc xây dựng và điều chỉnh chương trình đào tạo dựa trên quy định khung chung của nhà nước.

Hiện chương trình đào tạo của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đang xây dựng theo mô hình “hai tam giác ngược” giữa khối kiến thức đại cương tổng quát và chuyên ngành. Trong đó, những năm đầu các học phần tổng quát chiếm nhiều hơn rồi giảm dần về sau và các học phần liên quan đến chuyên ngành được bố trí ngược lại. Tất cả sinh viên năm nhất đều bắt đầu học kỳ 1 với học phần nhập môn ngành và có sự xuất hiện của các học phần cơ sở ngành trong học kỳ 1, 2 tùy theo khoa.

PGS-TS Thắng nhấn mạnh: “Với khối ngành kỹ thuật công nghệ, khối kiến thức nền tảng tổng quát có vai trò nhất định trong toàn bộ chương trình học. Ngay chương trình đào tạo theo chuẩn ABET của Mỹ mà trường đang triển khai thì cũng có 30 tín chỉ về toán và khoa học tự nhiên, xấp xỉ gần 1/4 toàn chương trình 4 năm học”.

“Trên thế giới tùy theo đặc thù nền giáo dục khác nhau mà chương trình đào tạo bậc ĐH được xây dựng theo cách khác nhau. Chẳng hạn, chương trình đào tạo bậc ĐH tại CHLB Đức chỉ gồm 3 năm nhưng trước đó người học đã trải qua 12 năm phổ thông, 1 năm học nền tảng”, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM chia sẻ thêm.

Chuẩn đầu ra bậc ĐH

Theo Quyết định 1982 của Thủ tướng Chính phủ năm 2016 phê duyệt Khung trình độ quốc gia VN, chuẩn đầu ra gồm: Kiến thức thực tế và kiến thức lý thuyết; Kỹ năng nhận thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp và kỹ năng giao tiếp, ứng xử; Mức độ tự chủ và trách nhiệm cá nhân trong việc áp dụng kiến thức, kỹ năng để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.

Để cấp bằng ĐH, cần có các chuẩn: Xác nhận trình độ đào tạo của người học có kiến thức thực tế vững chắc, kiến thức lý thuyết toàn diện, chuyên sâu về một ngành đào tạo, kiến thức cơ bản về khoa học xã hội, chính trị và pháp luật; có kỹ năng nhận thức liên quan đến phản biện, phân tích, tổng hợp; kỹ năng thực hành nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp ứng xử cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ phức tạp; làm việc độc lập hoặc theo nhóm trong điều kiện làm việc thay đổi, chịu trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm với nhóm trong việc hướng dẫn, truyền bá, phổ biến kiến thức, thuộc ngành đào tạo, giám sát người khác thực hiện nhiệm vụ.

Sinh viên tự ý bỏ học nhiều có liên quan đến chương trình đào tạo?

Trước câu hỏi này, PGS-TS Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho rằng thực tế sinh viên tự ý bỏ học sau một vài học kỳ do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, có nguyên nhân từ phía người học, từ việc lựa chọn ngành nghề đào tạo hoặc nhu cầu việc làm thay đổi… Xét ở khía cạnh chương trình và phương pháp giảng dạy bậc ĐH thì chưa có cơ sở để khẳng định được đó là nguyên nhân bỏ học vì chương trình và phương pháp giảng dạy ở mỗi loại ngành nghề đào tạo, hình thức và phương thức đào tạo khác nhau, đặc biệt là có sự khác nhau ở các cơ sở giáo dục ĐH. Tuy nhiên, trường cũng nên có những khảo sát, đánh giá để tìm ra những nguyên nhân để có giải pháp phù hợp với vấn đề này (nếu có tại trường).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.