Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội xét tuyển điểm thi đại học và phỏng vấn

13/02/2014 10:14 GMT+7

(TNO) Sáng 13.2, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đã công bố đề án tuyển sinh riêng.

(TNO) Sáng 13.2, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đã công bố đề án tuyển sinh riêng.

Theo đó, trường này sẽ thực hiện xét tuyển theo khối thi A, C, D1 của kỳ thi chung do Bộ GD-ĐT tổ chức và phỏng vấn trực tiếp.

Đặc biệt, trường thực hiện sơ tuyển trước khi thí sinh đăng ký dự thi. Các điều kiện sơ tuyển như sau:

Về trình độ văn hóa: Đối với học sinh phổ thông: Đã tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT); trong các năm học THPT phải đạt học lực trung bình trở lên theo kết luận tại học bạ, riêng 3 môn thuộc khối đăng ký dự thi điểm tổng kết các năm phải đạt từ 6,0 trở lên.

Đối với học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh học THPT tại khu vực 1: Đã tốt nghiệp THPT hoặc bổ túc THPT; trong các năm học THPT phải đạt học lực trung bình trở lên theo kết luận tại học bạ, riêng 3 môn thuộc khối đăng ký dự thi điểm tổng kết các năm phải đạt từ 5,0 trở lên.

Về độ tuổi: Đối với học sinh, không quá 20 tuổi; riêng học sinh là người dân tộc thiểu số không quá 22 tuổi (tính đến năm dự thi).

Tiêu chuẩn đạo đức, phẩm chất chính trị:

Về tiêu chuẩn đạo đức: Trong những năm học trung học phổ thông đạt yêu cầu về hạnh kiểm từ loại khá trở lên.

Về phẩm chất chính trị: Là công dân Việt Nam, có lịch sử chính trị rõ ràng, tuyệt đối trung thành với đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Về tiêu chuẩn sức khỏe: Người dự thi không mắc bệnh kinh niên, mãn tính; không có dị hình, dị dạng; đối với nam về chiều cao từ 1,60 m trở lên, nữ về chiều cao từ 1,55 m trở lên.

Việc tuyển sinh được tiến hành theo hai bước:

Bước 1: Thi tuyển theo phương án thi "ba chung" (chung đợt thi, chung đề thi, chung kết quả để xét tuyển) của Bộ GD-ĐT để lấy thí sinh lọt vào vòng phỏng vấn. Số lượng thí sinh lấy vào vòng phỏng vấn nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh không quá 30%.

Bước 2: Phỏng vấn trực tiếp để xác định khả năng tư duy, phân tích, lập luận, xử lý tình huống và khả năng giao tiếp. Việc phỏng vấn được tiến hành bởi một hội đồng do Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh thành lập. Câu hỏi phỏng vấn tập trung vào những kiến thức giáo dục công dân đã được học, những câu hỏi về những vấn đề chính trị, thời sự của đất nước, các tình huống ứng xử… Việc chấm điểm phỏng vấn bằng phiếu, thể hiện đầy đủ các tiêu chí và tính điểm cho từng tiêu chí.

Việc xác định thí sinh thuộc diện xét để tham gia phỏng vấn sau khi có kết quả thi tuyển sinh phải đảm bảo các điều kiện: Thí sinh có kết quả điểm thi tuyển sinh trên điểm sàn do Bộ GD-ĐT công bố tương ứng với từng khối thi và bằng hoặc cao hơn điểm mà Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội xác định có đủ điều kiện để tham gia phỏng vấn đối với từng khối thi trên cơ sở cân đối chỉ tiêu phân bổ cho các khu vực, khối thi và tỷ lệ Nam, Nữ (không có môn thi nào bị điểm 0).

Điểm trúng tuyển:

Việc xác định điểm trúng tuyển trên cơ sở lấy điểm từ cao xuống thấp (thang điểm 10) đến hết chỉ tiêu, đảm bảo tính hợp lý của các khối thi, tỷ lệ Nam, Nữ, tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh phân bổ cho các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và chỉ tiêu tuyển sinh của các khu vực khác.

Điểm trúng tuyển là tổng điểm của kết quả thi tuyển sinh đại học chính quy năm 2014 cộng với điểm phỏng vấn trực tiếp, trong đó điểm phỏng vấn trực tiếp chiếm 15%, điểm thi tuyển sinh đại học chính quy năm 2014 chiếm 85%.

>> Thêm nhiều trường công bố đề án tuyển sinh riêng
>> Thêm 3 trường ĐH công bố đề án tuyển sinh riêng
>> Thêm 2 trường công bố đề án tuyển sinh riêng
>> 7 trường ĐH công bố đề án tuyển sinh riêng

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.