Liên quan đến các vi phạm của Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT), PV Báo Thanh Niên đã đặt câu hỏi tới các cơ quan chức năng tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1.6.
Cụ thể, HUBT đã sử dụng chữ ký khô trên chứng từ kế toán nhưng theo quy định, luật Kế toán chỉ công nhận hợp pháp 2 loại là chữ ký là ký tươi và chữ ký điện tử. Hành vi này của HUBT có vi phạm pháp luật không?
PV cũng đặt câu hỏi Bộ Tài chính kiểm tra thế nào? Việc này có ảnh hưởng đến hàng trăm giáo viên và hàng nghìn sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp hay không?
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, qua phản ánh, HUBT có sử dụng chữ ký khô trên chứng từ kế toán và có một số hoạt động sai phạm khác.
Về khía cạnh sử dụng chữ ký trên chứng từ kế toán, theo điều 19 luật Kế toán năm 2015, chữ ký trên chứng từ kế toán phải đăng ký bằng loại mực không phai, không dùng mực đỏ, hoặc đóng dấu khắc sẵn chữ ký. Chứng từ điện tử phải có chữ ký điện tử, chữ ký trên chứng từ điện tử có giá trị như chữ ký chứng từ bằng giấy.
"Đối chiếu với quy định của luật Kế toán năm 2015, HUBT dùng chữ ký khô trên chứng từ là trái với quy định của pháp luật về kế toán", ông Chi khẳng định và cho biết Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo cơ quan thuế và các cơ quan chức năng khác của Bộ Tài chính thực hiện giám sát kiểm tra đối với HUBT trong việc thực hiện pháp luật về tài chính, kế toán, trong đó đặc biệt là việc thực hiện pháp luật về kế toán. Khi có kết quả sẽ thông báo tới báo chí.
Thứ trưởng Chi cũng nêu rõ, Bộ Tài chính bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các đối tượng có liên quan, nếu việc sai phạm này của HUBT làm ảnh hưởng đến quyền lợi giáo, viên sinh viên, các đối tượng khác có liên quan.
Bằng tốt nghiệp sinh viên có bị ảnh hưởng?
Liên quan đến bằng tốt nghiệp của sinh viên có chữ ký khô của Hiệu trưởng HUBT, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, bộ đã "xem xét kỹ các quy định của pháp luật". Trên thuế thì chứng từ tài chính có quy định rất rõ về chữ ký tươi và chữ ký điện tử.
Ngoài ra, không có quy định khác về việc có được sử dụng hay không được sử dụng chữ ký khô. Thực chất bằng tốt nghiệp là chứng nhận cuối cùng quá trình học tập của người học đạt được yêu cầu của chương trình đào tạo.
Từ tuyển sinh đến quá trình đào tạo được giám sát chặt chẽ đến khi sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng, và đã có quyết định cấp bằng tốt nghiệp thì việc kiểm soát chất lượng, kiểm tra tính hợp pháp của văn bằng không phải chỉ xem trên văn bằng mà xác định trên sổ cấp văn bằng, chứng chỉ, quyết định cấp bằng của trường.
"Trong nhiều năm chúng tôi thấy điều này không ảnh hưởng tới quyền lợi của người học. Những người tốt nghiệp từ HUBT vẫn sử dụng bằng như bình thường. Các cơ quan tuyển dụng khi xác minh văn bằng không phải chỉ nhìn trên tấm bằng mà quan trọng xác minh xem sinh viên này có thực sự được tuyển sinh, đào tạo, được cấp bằng hay không", ông Sơn nói.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định, "việc có được dùng chữ ký khô hay không hiện nay không có quy định về pháp luật, và đảm bảo trong trường hợp này không ảnh hưởng tới quyền lợi của người học".
Chậm trễ thành lập Hội đồng trường
Vẫn theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Bộ GD-ĐT cũng đã thông tin làm rõ việc Thủ tướng có văn bản yêu cầu HUBT chuyển đổi dân lập sang tư thục, nhưng đến nay trường này chưa thực hiện chỉ đạo.
Theo Thứ trưởng Sơn, trước đây chúng ta có 19 trường đại học dân lập, 18 trường đã chuyển thành tư thục theo quy định của Bộ GD-ĐT. Hiện còn lại trường duy nhất là Trường đại học dân lập Phương Đông, nhưng cũng đã nộp hồ sơ cho Bộ GD-ĐT. Bộ đã rà soát hồ sơ và yêu cầu trường hoàn thiện một số nội dung.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết đã có nhiều văn bản đôn đốc các trường khi có quyết định chuyển từ dân lập sang tư thục, tiếp tục hoàn thiện bộ máy, đặc biệt là việc thành lập Hội đồng trường.
Đối với HUBT đã có quyết định chuyển từ dân lập sang tư thục từ năm 2019. Tuy nhiên, hiện nay, trường chưa thành lập được Hội đồng trường. Thực chất trách nhiệm thành lập Hội đồng trường là của các nhà đầu tư và các nhà đầu tư phải phân biệt rõ lợi ích của mình và thống nhất họp để bầu Hội đồng trường. Tuy nhiên, việc này chưa được các nhà đầu tư thực hiện.
Với trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ GD-ĐT quản lý về công tác đào tạo. Còn về mặt tổ chức bộ máy, quản lý tài sản, đối với các trường đại học công lập thì có các cơ quan chủ quản là các bộ, ngành, địa phương. Các trường đại học tư thục quản lý theo địa phương.
"Bộ GD-ĐT đã nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở, làm việc với đại diện các bên liên quan của HUBT và hướng dẫn trường, nhưng vấn đề này chủ yếu liên quan đến lợi ích của các nhà đầu tư", Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn nói.
Về các vấn đề liên quan đến công tác tuyển sinh và đào tạo, trong 5 năm gần đây, từ năm 2020 đến nay, Bộ GD-ĐT đã tiến hành 1 lần thanh tra và 4 lần kiểm tra công tác hoạt động đào tạo, tuyển sinh của trường.
Qua đó, phát hiện có 2 sai phạm liên quan đến đào tạo liên thông và tuyển sinh vượt số lượng theo quy định. Bộ GD-ĐT đã tiến hành xử phạt hành chính. Từ năm 2020, theo quy định của luật, bộ cũng đã xác định chỉ tiêu cho trường. Ngoài ra, gần đây bộ cũng có quyết định xử phạt về việc chậm trễ thành lập Hội đồng trường.
Bình luận (0)