Trường đại học phải giảm, nợ lương giảng viên vì dịch Covid-19

06/04/2020 07:18 GMT+7

Dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều trường đại học phải cắt giảm thu nhập, thậm chí nợ lương cán bộ và giảng viên.

Giảm tới 50% thu nhập

Từ tháng 4 này, một số trường đại học (ĐH) bắt đầu thực hiện việc cắt giảm thu nhập của cán bộ, giảng viên và nhân viên do khó khăn tài chính.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Nếu trường vẫn áp dụng mức chi cũ như năm trước thì cuối năm nay trường sẽ không đủ tiền. Do vậy, trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, trường đành phải thực hiện tiết kiệm chi tiêu”.
“Dù dịch bệnh bắt đầu từ sau tết nhưng 2 tháng vừa qua (tháng 2, 3) trường vẫn trả đủ lương cho cán bộ, giảng viên và nhân viên. Nhưng tới tháng 4 này, trường sẽ giảm 10% thu nhập của nhân viên và giảng viên. Ở cấp cán bộ lãnh đạo, mức giảm có thể lên tới 30 - 40%. Sau thời điểm tháng 4, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài thì trường sẽ tính tiếp”, ông Dũng thông tin.
Trong tình trạng khó khăn chung nhưng không cắt giảm thu nhập, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đành chọn phương án nợ lương cán bộ, giảng viên. Theo một đại diện trường này, tình hình tài chính của trường hiện có nhiều khó khăn. Từ tết đến nay, trong 2 tháng liên tiếp trường chỉ trả được 50% lương cho người lao động, nửa còn lại trường đành nợ. “Dù khó khăn nhưng trường chưa dám thực hiện cắt giảm thu nhập, tạm thời xử lý theo hướng nợ lương, khi nào có sẽ trả sau”, đại diện trường này chia sẻ.
Trường ĐH Văn Lang cũng thực hiện giảm tổng thu nhập cán bộ giảng viên bắt đầu từ tháng 4. Theo đó, phó hiệu trưởng mức giảm lên tới 50%, giảm 30 - 40% với trưởng phó các đơn vị. Riêng với giảng viên và người lao động mức giảm khác nhau từ 20 - 30%. Mức giảm này có thể kéo dài 3 - 4 tháng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, một số trường ĐH tư thục khác cũng đứng trước nhiều khó khăn và đang áp dụng nhiều cách để giảm chi. Có trường giảm 40% tổng thu nhập với mức cắt giảm khác nhau tùy vị trí công việc. Có trường cán bộ nhân viên làm việc tháng này mới được nhận lương tháng trước đó hoặc khuyến khích cán bộ nhân viên nghỉ phép và hưởng lương cơ bản trong giai đoạn này.

Mất nguồn thu từ học phí

Theo đại diện các trường, khó khăn tài chính của các trường thời điểm này do tác động chung từ dịch Covid-19 kéo dài.
Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho biết khó khăn trên một phần do trường thực hiện chính sách giảm học phí, chia sẻ với khó khăn chung của sinh viên (SV) trong mùa dịch. Theo đó, trường đã quyết định hỗ trợ 20% học phí cho SV học trực tuyến tính trên khối lượng học phần SV đăng ký và tham gia học. Trường cũng hỗ trợ 10% học phí cho SV không học trực tuyến. Ngoài ra, đợt này SV xin gia hạn thời gian nộp học phí nhiều nên càng kéo theo khó khăn của trường.
Hiệu trưởng một trường ĐH công lập tại TP.HCM nhìn nhận kinh tế khó khăn đang là tình hình chung của nhiều đơn vị, không chỉ trường học. Ở bậc ĐH dù triển khai hình thức dạy học trực tuyến nhưng số lượng SV đăng ký học theo hình thức này không nhiều. Một số SV đăng ký nhưng không quen cách học trực tuyến, xin rút môn nên ảnh hưởng tới nguồn thu học phí. Ước tính nếu chỉ cần khoảng 20% SV không đăng ký học trực tuyến, nguồn thu học phí của trường trong học kỳ này có thể giảm tới 80 tỉ đồng.
Đại diện một trường ĐH khác cho biết nguồn thu chính của nhiều trường hiện nay là học phí. Tuy nhiên, dịch bệnh kéo theo khó khăn của các gia đình nên số SV chưa nộp học phí hiện rất nhiều. Các trường hiện đang áp dụng nhiều biện pháp xử lý với SV nợ học phí như không đưa vào danh sách thi hết học phần, không xét dự thi tốt nghiệp, không làm khóa luận và không được đăng ký học phần mới… Tuy nhiên, thực tế có không ít SV chấp nhận không đăng ký môn trong học kỳ này dù trường triển khai dạy học trực tuyến.
Nghỉ nhưng vẫn trả đủ lương và thu nhập
Ngược lại với xu hướng trên, hiện một số trường ĐH cho biết vẫn đảm bảo chi trả các khoản lương, thu nhập tăng thêm cho người lao động như: Công nghiệp TP.HCM, Nha Trang, Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, Lạc Hồng… Đặc biệt, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cho toàn bộ cán bộ và người lao động nghỉ phòng chống dịch bệnh trong 1 tháng kể từ ngày 1.4 nhưng vẫn trả đủ 100% thu nhập.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.