Cấu trúc và cách gọi của nước ngoài về "ĐH" và "trường ĐH"
Hiện nay tại Việt Nam có 9 ĐH. Trong đó, 2 ĐH quốc gia (Hà Nội và TP.HCM) và 3 ĐH vùng (Thái Nguyên, Huế và Đà Nẵng). Các ĐH này đều được thành lập từ thập niên 1990. 4 ĐH được thành lập sau khi luật Giáo dục ĐH 2018 có hiệu lực gồm ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Duy Tân và ĐH Kinh tế quốc dân.
Tuy nhiên cùng là ĐH nhưng cấu trúc và cách gọi các trường bên trong ĐH lại có sự khác nhau. 2 ĐH quốc gia và 3 ĐH vùng được thành lập trên cơ sở tập hợp các trường ĐH độc lập, gọi là các trường ĐH thành viên. 4 ĐH sau này ra đời trên cơ sở phát triển từ chính đơn vị đó, có các trường trực thuộc và không gọi là trường ĐH.
GS-TS Lương Văn Hy, ĐH Toronto (Canada), nhận định: "Tại Việt Nam, cả ĐH lẫn trường ĐH thành viên đều được dịch là University, giám đốc ĐH và hiệu trưởng trường ĐH thành viên đều được dịch là "President", thì các ĐH nước ngoài thấy khó hiểu".
Tuy nhiên, theo GS-TS Hy, nếu thay đổi tên gọi, chẳng hạn "ĐH" thành "viện ĐH" như ở miền Nam trước năm 1975, và các trường ĐH thành viên vẫn giữ tên cũ thì cũng không giải quyết được vì quốc tế vẫn thấy khó hiểu. Ở miền Nam trước năm 1975 có mô hình viện ĐH, như Viện ĐH Sài Gòn, nhưng các thành viên được gọi là khoa, ví dụ Văn khoa, với quy mô rất lớn, chứ không được gọi là trường ĐH.
Giáo sư Hy cho biết quốc tế cũng có trường hợp tương tự tuy cực kỳ hiếm. Chẳng hạn Université Paris Sciences et Lettres (PSL) của Pháp được chính thức thành lập năm 2019. Trong các trường thành viên có Université Paris-Dauphine vẫn giữ tên cũ. Người đứng đầu Université Paris Sciences et Lettres và Université Paris-Dauphine đều được gọi là "President".
"Ở bình diện quốc tế, như thế là rất lạ và cũng khó hiểu. Nhưng đó là di sản lịch sử. Quốc tế thấy khó hiểu thì cũng phải cố gắng hiểu lịch sử, chứ đổi tên gọi cho hợp lý hơn không phải là một tiến trình đơn giản, nhất là ở Việt Nam", GS-TS Lương Văn Hy nhận định.
Tại Úc, tiến sĩ Phan Hồng Đức (ĐH RMIT), cho biết nếu university là F0 thì thường là đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm nhiều college (F1) và school (F2) thành viên. University là ĐH và school là trường, còn college tiếng Việt dịch là CĐ nhưng chưa đúng nghĩa vì nhiều college vẫn đào tạo cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ.
Tiến sĩ Đức lấy ví dụ, dưới RMIT University có College of Business and Law (COBL). Dưới COBL có các school - trường trực thuộc tập trung vào các lĩnh vực khác nhau của kinh doanh, luật và các ngành liên quan. Chẳng hạn School of Accounting, Information Systems and Supply Chain (Trường Kế toán, Hệ thống thông tin và chuỗi cung ứng); School of Economics, Finance and Marketing (Trường Kinh tế, Tài chính và Marketing)... COBL ở Melbourne có thể xem như ĐH trong khái niệm ĐH Bách khoa Hà Nội hay ĐH Kinh tế TP.HCM ở VN vì có 5 trường (school) trực thuộc còn RMIT giống như ĐH Quốc gia TP.HCM hay ĐH Quốc gia Hà Nội vì có các trường thành viên.
Tương tự, tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, công tác tại ĐH Bristol (Vương quốc Anh), cũng cho biết: "Khái niệm university hiểu theo cấu trúc của các nước như Anh, Mỹ, là trường lớn trong đó có nhiều school/college nhỏ như College of Business hoặc Business School (Trường Kinh doanh), School of Engineering (Trường Kỹ thuật), School of Education (Trường Sư phạm)... Điều này đồng nghĩa các nước phương Tây sử dụng rõ ràng 2 chữ khác nhau: University và School/College. Trong khi đó, tên tiếng Anh các trường ĐH của Việt Nam vẫn dùng từ 'University', dễ gây nhầm lẫn".
Không đổi thành ĐH vẫn danh giá bậc nhất
GS-TS Lương Văn Hy chia sẻ thêm một trường hợp được xem là "khó hiểu" là Dartmouth College. Dartmouth College nằm trong Ivy League là nhóm 8 ĐH danh giá của Mỹ. "Dartmouth College có đào tạo đến trình độ tiến sĩ ở rất nhiều ngành. Nhưng họ không đổi thành Dartmouth University mà vẫn giữ tên Dartmouth College từ thế kỷ 18. Đôi khi Việt Nam dịch là CĐ Dartmouth, theo giáo sư Hy dịch vậy là sai, vì Dartmouth đào tạo đến bậc tiến sĩ ở rất nhiều ngành. Đấy không phải là trường hợp duy nhất ở Mỹ không chịu đổi "College" thành "University".
Giáo sư Hy cũng cho biết từ nhiều thế kỷ, Dartmouth College, cũng như Harvard College và Yale College, đã đào tạo 4 năm, chứ không phải đào tạo 2-3 năm. Họ không phải là CĐ đổi thành ĐH, mà là ĐH ngay từ ban đầu, nhưng vẫn dùng từ college trong tên gọi.
"Harvard University sau này là xuất thân từ Harvard College. Khi có tên gọi là Harvard University thì cái tên Harvard College vẫn còn với tư cách là một trường thành viên, tập trung đào tạo 4 năm, từ các ngành khoa học tự nhiên đến các ngành khoa học xã hội và các ngành nhân văn. Các trường thành viên khác của ĐH Harvard (gọi là faculty, school) có chức năng khác, trở thành trường thành viên của Harvard University. Dartmouth College cũng có thể làm như thế nhưng họ không làm", giáo sư Hy chia sẻ.
Bằng tốt nghiệp do ai ký?
Về bằng tốt nghiệp, tiến sĩ Đức thông tin bằng của RMIT có chữ ký của Chủ tịch hội đồng ĐH và Hiệu trưởng toàn RMIT, giống nhau cho tất cả các trường thành viên hay trường trực thuộc các trường thành viên, kể cả RMIT Vietnam.
Như vậy, bằng cấp này khác với bằng của ĐH quốc gia và ĐH vùng của Việt Nam nhưng lại giống với ĐH Kinh tế TP.HCM hay ĐH Bách khoa Hà Nội. Hiện nay sinh viên tốt nghiệp của các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM được cấp bằng với chữ ký của hiệu trưởng trường thành viên, ví dụ bằng của Trường ĐH Bách khoa do hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa ký, bằng của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn do hiệu trưởng trường này ký chứ không phải Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM ký.
Trước khi trở thành ĐH, bằng tốt nghiệp của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM do hiệu trưởng ký. Nhưng sau khi thành ĐH, các trường trực thuộc của ĐH Kinh tế TP.HCM như Trường Kinh doanh UEH, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH, Trường Công nghệ và Thiết kế UEH liệu có do hiệu trưởng của từng trường này ký hay không?
"Đối với bằng tốt nghiệp của sinh viên các trường thuộc ĐH Kinh tế TP.HCM, sẽ do Giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM ký. ĐH Kinh tế TP.HCM có một tư cách pháp nhân và một con dấu, trong khi các trường thành viên của ĐH quốc gia và ĐH vùng có tư cách pháp nhân và con dấu riêng, vì thế nên bằng cấp cũng khác. Theo tôi được biết các ĐH như ĐH Quốc gia Singapore, ĐH Quốc lập Đài Bắc... đều cấp một bằng chứ không phải mỗi trường thành viên hay trực thuộc cấp một bằng khác nhau", PGS-TS Bùi Quang Hùng, Phó giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM cho hay.
Sự khác nhau giữa trường ĐH và ĐH
Theo luật Giáo dục ĐH, trường ĐH và ĐH khác nhau về chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, quyền tự chủ.
Về chức năng nhiệm vụ, trường ĐH đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH, hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng liên quan đến nhiều ngành (có thể trong một số lĩnh vực), còn ĐH đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH, hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng liên quan đến nhiều lĩnh vực.
Về cơ cấu tổ chức, trường ĐH có hội đồng trường, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; khoa, phòng chức năng và đơn vị khác (nếu có) còn ĐH có hội đồng ĐH, giám đốc, phó giám đốc; trường ĐH thành viên; ban/phòng chức năng, khoa… và đơn vị khác (nếu có).
Về quyền tự chủ, trường ĐH tự chủ xác định mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ phù hợp với quy định của pháp luật; được tự chủ mở ngành, liên kết đào tạo với nước ngoài nếu đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, trên cơ sở đạt kết quả kiểm định chất lượng.
Trong khi đó, ĐH tự chủ xác định mục tiêu, sứ mạng, nhiệm phù hợp với quy định của pháp luật. Trường ĐH thành viên phải thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung của ĐH và mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ của trường mình, phù hợp với quy định của pháp luật và của ĐH. ĐH được tự chủ mở ngành, liên kết đào tạo với nước ngoài nếu đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Bình luận (0)