Trường đại học tự chủ thu học phí theo nguyên tắc nào ?

01/12/2020 08:23 GMT+7

Theo một nhóm nhà khoa học nghiên cứu về vấn đề học phí của các trường ĐH ở Việt Nam, việc tự chủ học phí phải dựa vào 3 nguyên tắc nhằm đảm bảo tính cạnh tranh và công bằng xã hội.

Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cùng cộng sự là tiến sĩ Trần Bá Linh mới đây đã thực hiện một báo cáo gửi Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về chuyên đề học phí (HP), trong đó đặt ra 3 nguyên tắc để xây dựng HP: chất lượng đào tạo, tính cạnh tranh và sự công bằng xã hội.

Tránh việc chạy theo đồng tiền, tận thu của sinh viên

Theo nhóm nghiên cứu của Giáo sư Hoài, trong vấn đề tự chủ tài chính đối với các trường ĐH tại Việt Nam hiện nay, HP là một nội dung quan trọng do hơn 80% nguồn thu của hệ thống chủ yếu đến từ HP.
Vậy nhưng cách tính HP như thế nào, thu HP ra sao, hiện còn nhiều bất cập, trong đó chủ yếu do thiếu sót hoặc thiếu nhất quán về một triết lý cho mục đích thu HP. Việc thu HP hiện chủ yếu hướng đến tồn tại (dựa vào tính đúng, tính đủ định mức kinh tế kỹ thuật) chứ chưa có yếu tố phát triển.
“Triết lý về mục đích thu HP là cần thiết để tránh việc HP trở thành mục đích của chính nó, hay nói cách khác là các cơ sở giáo dục chạy theo đồng tiền, tận thu của sinh viên (SV) và dồn ngân sách vào tuyển sinh để có thể thu HP nhiều hơn. Triết lý về mục đích cũng giúp từng trường định hướng việc sử dụng HP, tránh đầu tư dàn trải và sự tùy tiện trong quyết định dẫn đến rủi ro về cân đối thu chi hoặc ảnh hưởng tiêu cực cho người học”, Giáo sư Hoài giải thích.
Việc thu HP để tạo ra giá trị cho SV chính là tôn trọng và thực thi sự công bằng, giá trị này phải tối thiểu tương xứng với khả năng nhà trường. Ngoài ra, khi SV nhận được giá trị tương xứng, khả năng cao họ sẽ hài lòng và có động lực tiếp tục đóng HP để theo học, và nhờ đó nhà trường đảm bảo nguồn thu ổn định để duy trì các hoạt động đang diễn ra cũng như dựa vào tích lũy để phát triển vì người học. Sự hài lòng của SV cũng sẽ có sức lan tỏa, nhà trường sẽ xây dựng được uy tín trong xã hội và dễ dàng tuyển sinh hơn.
Theo quan điểm của nhóm nghiên cứu, giá trị chủ đạo vẫn là giá trị giáo dục. Chức năng phổ quát của trường ĐH gồm đào tạo, nghiên cứu, phục vụ xã hội, nhưng trong bối cảnh giáo dục ĐH của Việt Nam  hiện nay, giá trị giáo dục chủ yếu đến từ hoạt động đào tạo. Như vậy, chất lượng đào tạo là chỉ báo cho giá trị mà đào tạo sẽ tạo ra, và qua đó chỉ báo HP.

Làm sao đánh giá chất lượng đào tạo?

Theo nhóm Giáo sư Hoài, đánh giá chất lượng đào tạo để có cơ sở quan trọng xác định mức HP gồm đánh giá quá trình (thông qua kiểm định) và kết quả. Việt Nam đã triển khai kiểm định từ nhiều năm nay, nhưng lại đang khuyết việc đánh giá kết quả.

Cần có các khoản hỗ trợ

Một nguyên tắc của tự chủ HP là đảm bảo công bằng xã hội. Việc HP tương xứng với chất lượng và có tính cạnh tranh không có nghĩa mọi SV có năng lực đều trang trải được, đặc biệt nếu họ thuộc các nhóm yếu thế trong xã hội. Chính vì vậy, HP nên được tính toán để tạo ra các khoản hỗ trợ nhóm yếu thế, có thể là học bổng hoặc trợ giá. Dù vậy, công bằng xã hội là một vấn đề vĩ mô, nên lại cần có sự vào cuộc của nhà nước.
Để đánh giá kết quả, Việt Nam có thể tham khảo quy trình đánh giá Teaching Excellence Framework (TEF) của nước Anh. Qua quy trình TEF, người học có cơ sở đối chiếu giữa chất lượng đào tạo và HP, các nhà quản lý và làm chính sách có thể theo dõi tình trạng chất lượng và HP để ra quyết định phù hợp. TEF quan tâm chất lượng đào tạo của từng nhóm SV nên kết quả TEF có thể gián tiếp cải thiện công bằng xã hội thông qua việc định hướng giảm HP và phát triển chất lượng cho các nhóm cụ thể. Nhược điểm của TEF là kết quả không mang tính so sánh giữa các trường nên sẽ khó để xác định tính cạnh tranh trong HP.
Việc áp dụng một quy trình như TEF tại Việt Nam không dễ. Một trở ngại rất lớn là phải xây dựng cơ sở dữ liệu đồ sộ về SV (đang theo học lẫn ra trường) và về các mặt hoạt động của trường ĐH, đi kèm là khảo sát diện rộng mức độ hài lòng của SV.

Những mặt tối của cạnh tranh HP 

Về nguyên tắc cạnh tranh, nhóm của Giáo sư Hoài cho rằng vấn đề không chỉ đơn giản là giảm HP, mà phải nằm ở tương quan chất lượng đào tạo với HP, để người học nhận được giá trị nhiều nhất cho số tiền họ chi ra. Tính cạnh tranh giúp nhà trường năng động, chú ý đến nhu cầu của thị trường hơn, tránh tình trạng đào tạo trong tháp ngà. Điều này cũng giúp các trường không đầu tư dàn trải mà tập trung vào thế mạnh của mình.
Tuy nhiên, cạnh tranh chắc chắn sẽ có mặt tối. Các hình thức cạnh tranh không lành mạnh như: quảng cáo dối, dùng tài nguyên vào các giá trị không thực chất (việc “mua” bài báo khoa học gần đây), hoặc dùng truyền thông tấn công đối thủ, đều sẽ có hậu quả lớn cho xã hội và làm mất uy tín nhà nước. Chính vì vậy, nhà nước cần có chính sách, cơ chế giám sát cạnh tranh.
Một nhược điểm khác của cạnh tranh là sẽ có những ngành chi phí đào tạo quá cao, khiến HP quá khả năng thị trường (ví dụ ngành y), hoặc khiến cho ít người học sẵn sàng chi trả (các ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật). Đây lại là những ngành không thể thiếu cho sự phát triển đất nước, nếu cứ để các trường tuân theo quy luật cạnh tranh thì có thể dẫn tới một nền giáo dục ĐH khiếm khuyết, vì thế cần có sự can thiệp của nhà nước.
Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài và tiến sĩ Trần Bá Linh đều cho biết: “Hiện nay Việt Nam chưa có quy trình đánh giá và thông tin chất lượng đào tạo, đặc biệt là đánh giá kết quả cho thị trường, cộng với việc mới áp dụng tự chủ HP nên sự tùy tiện trong HP là khó tránh khỏi. Các cơ quan quản lý nên theo dõi sát sao và yêu cầu giải trình nếu có dấu hiệu tiêu cực, và xử lý nếu cần thiết, theo pháp luật hiện hành”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.