Giờ học của sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM, một cơ sở đào tạo nhân lực y tế lớn ở phía Nam |
ngọc dương |
Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Thông tư quy định về y tế trường ĐH và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Dự thảo nêu rõ trường ĐH và cơ sở giáo dục nghề nghiệp căn cứ vào điều kiện, nhu cầu, phải bố trí nhân viên y tế trường học có trình độ bác sĩ hoặc y sĩ, có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh theo quy định.
Trường hợp cơ sở giáo dục không bố trí nhân viên y tế, phải ký hợp đồng với trung tâm y tế huyện, quận, thành phố hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ hình thức phòng khám đa khoa trở lên để chăm sóc sức khỏe người học.
Thông tư này khi chính thức có hiệu lực sẽ thay thế cho Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện công tác y tế trường học ký từ 21 năm trước (ngày 1.3.2000) của Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT.
Đăng tuyển dụng nhưng không ai nộp hồ sơ
Đối với một trường ĐH có đào tạo khối ngành sức khỏe, các quy định trên hoàn toàn có thể đáp ứng một cách dễ dàng. Với các trường đa ngành có đào tạo ngành y, việc đáp ứng các điều kiện này cũng không gặp vướng mắc gì. Tuy nhiên, đối với các trường ĐH không có khối ngành sức khỏe, thì việc tuyển y bác sĩ về công tác tại bộ phận y tế của trường là hết sức khó khăn.
Chia sẻ về quy định này, PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết: “Đây là quy định rất cần thiết đối với các cơ sở giáo dục, vì số lượng sinh viên (SV) rất đông, có trường lên đến hàng chục ngàn SV. Hằng ngày, vẫn có những trường hợp SV đau đầu, chóng mặt, đau bụng thậm chí có em ngất xỉu vì gặp vấn đề sức khỏe cần phải hỗ trợ thuốc men hoặc cấp cứu. Tuy nhiên, để tuyển được bác sĩ là không hề dễ dàng vì đối với một người tốt nghiệp ngành y đa khoa ra, thì làm việc ở bệnh viện vẫn phù hợp và hấp dẫn hơn. Chính vì thế, trường đã tuyển vào biên chế một bác sĩ đã về hưu và một y sĩ để thay nhau chăm sóc sức khỏe cho người học, cán bộ giảng viên”.
Dự thảo của Bộ Y tế quy định trường ĐH, CĐ phải bố trí nhân viên y tế trường học có trình độ bác sĩ hoặc y sĩ, có chứng chỉ hành nghề khám bệnh |
Đ.T.Đ |
Còn theo thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, một bác sĩ chuyên khoa, có tay nghề sẽ không mặn mà với công việc chăm sóc y tế ở cơ sở giáo dục vì so với làm việc ở bệnh viện hay cơ sở y tế thì thu nhập thấp hơn nhiều. “Bên cạnh đó, về trường làm việc thì các bác sĩ sẽ không phát huy được chuyên môn và khó phát triển được nghề nghiệp, do công việc chỉ đơn giản là tư vấn sức khỏe, sơ cứu nhẹ nhàng… Do đó, tuyển bác sĩ về trường là vô cùng khó khăn”, thạc sĩ Trung chia sẻ.
Còn Trường CĐ Kinh tế đối ngoại có 5 cơ sở nên bắt buộc mỗi cơ sở đều phải có nhân viên y tế. Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, cho hay việc tuyển dụng vô cùng khó khăn. “Ngoài lương, trường cũng có thu nhập tăng thêm và một số ưu đãi, nhưng không mời được bác sĩ. Vì thế, trường chỉ mời được các y sĩ về làm việc. Hiện trường muốn tuyển thêm y sĩ để mỗi cơ sở có 2 nhân viên thay phiên nhau trực, tuy nhiên đăng thông tin tuyển dụng mà không có ai chịu về”, PGS-TS Minh nhìn nhận.
Trường CĐ Công thương TP.HCM trước đây cũng tuyển y sĩ cho bộ phận y tế. Sau khi tạo điều kiện cho y sĩ này học chuyên tu lên bác sĩ, thì không lâu sau đó, bác sĩ đã... xin nghỉ để đi làm bên ngoài.
Tiến sĩ Bùi Mạnh Tuân, Hiệu trưởng Trường CĐ Công thương TP.HCM, cho hay: “Một trường học có cả chục ngàn SV, nhất định phải có y bác sĩ để chăm sóc y tế. Tuy nhiên, công việc của nhân viên y tế ở trường học cũng chủ yếu là cung cấp thuốc men cho trường hợp nhẹ, nếu nặng thì chỉ sơ cứu rồi làm thủ tục đưa đi bệnh viện, ngoài ra chỉ làm các công việc liên quan bảo hiểm y tế... Vì thế, y bác sĩ khó phát triển được chuyên môn, nghề nghiệp, chưa kể thu nhập cũng thấp hơn so với làm ở các bệnh viện, phòng khám”.
Nên cho trường tuyển cả điều dưỡng
Bác sĩ Huỳnh Lê Thái Bão, giảng viên Trường ĐH Duy Tân và đang công tác kiêm nhiệm tại Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết: “Nếu không có bác sĩ, để đáp ứng quy định, các trường có thể tuyển y sĩ. Tuy nhiên, y sĩ muốn có chứng chỉ hành nghề khám bệnh thì sau khi nhận bằng tốt nghiệp, phải có 12 tháng thực hành trong bệnh viện. Thường y sĩ nào có chứng chỉ thì cũng vẫn thích làm việc ở bệnh viện, trung tâm y tế hơn. Chưa kể, hiện nay số lượng người đi học y sĩ rất ít. Vì vậy, việc tuyển y sĩ có chứng chỉ khám bệnh cũng lại vướng mắc chứ không dễ dàng”.
Theo bác sĩ Bão, quy định này là cần thiết nhưng nên mở rộng, nhân viên y tế trong các cơ sở giáo dục ĐH và nghề nghiệp không nhất thiết phải là bác sĩ, y sĩ mà cả điều dưỡng (y tá), vì điều dưỡng cũng có thể sơ cấp cứu và đánh giá ban đầu. “Một y sĩ mà chưa có kinh nghiệm thì chưa chắc đã bằng một điều dưỡng, vì thế, điều dưỡng cũng có thể làm công tác chăm sóc sức khỏe cho người học”, bác sĩ Bão nói.
PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn đề xuất các trường có thể tuyển bác sĩ đã nghỉ hưu hoặc các bác sĩ y tế dự phòng, y tế cộng đồng về làm việc.
Bình luận (0)