Dù đạt đủ mức điểm chuẩn các trường công bố nhưng nếu chỉ dừng lại ở đây, thí sinh vẫn chưa thực sự trúng tuyển.
Vì sao điểm chuẩn nhiều biến động ?
Thạc sĩ Trần Vũ, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết trong hôm nay (30.6) trường này sẽ công bố điểm chuẩn xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM. So với năm ngoái, điểm chuẩn có sự điều chỉnh mạnh ở nhiều ngành: 9 ngành giảm, 3 ngành không thay đổi và 14 ngành tăng. Đáng chú ý, lần đầu tiên điểm chuẩn của trường xuất hiện ở mức trên 1.000 điểm (tổng điểm bài thi 1.200 điểm) ở ngành khoa học máy tính.
Lý giải về xu hướng giảm điểm, thạc sĩ Trần Vũ nói: “Việc một số ngành giảm điểm có thể do phổ điểm đánh giá năng lực năm nay nói chung thấp hơn so với các năm trước. Đồng thời, điểm chuẩn giảm rơi vào các ngành thuộc lĩnh vực thường ít được thí sinh (TS) lựa chọn”. Trong khi đó, nhóm ngành điểm chuẩn tăng cao rơi vào toán học, toán ứng dụng, toán tin. Theo ông Vũ, nhìn vào điểm chuẩn năm nay có thể thấy xu thế TS vẫn lựa chọn số đông theo các khối ngành về toán, máy tính, kỹ thuật, công nghệ khiến cho việc cạnh tranh vào các ngành này càng “khốc liệt”.
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực tại ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay |
NHẬT THỊNH |
Hôm qua, những trường ĐH đầu tiên đã công bố điểm chuẩn dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực. Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM lấy điểm chuẩn các ngành từ 800 - 940 tùy ngành. Trong khi năm ngoái, trường này có 4 ngành trên 900 điểm, thì năm nay chỉ có ngành trí tuệ nhân tạo đạt mức này. Theo tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng nhà trường: “Điểm chuẩn nhiều ngành thấp hơn năm ngoái nhưng ngành có điểm thấp nhất năm nay lại cao hơn. Nguyên nhân quan trọng tác động đến sự thay đổi điểm chuẩn do năm nay trường không tuyển sinh chương trình chất lượng cao, tất cả chỉ tiêu đều dồn vào chương trình đại trà”.
Thí sinh cần lưu ý gì ?
Điểm đặc biệt của quy chế tuyển sinh năm nay, dù trường ĐH đã công bố điểm chuẩn từng ngành nhưng TS đạt đủ điểm trên vẫn chưa thực sự trúng tuyển vào trường. Để chính thức trúng tuyển, TS cần tiếp tục thực hiện những bước tiếp theo trong quy trình xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT và yêu cầu riêng của từng trường. Thông tin này được thể hiện rõ nét trong thông báo điểm chuẩn của các trường ĐH.
Học sinh lớp 12 đăng ký thi tốt nghiệp THPT trong tháng 5 vừa qua |
đào ngọc thạch |
PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, thông tin: “Một lưu ý rất quan trọng là khi đạt đủ mức điểm các trường công bố thời điểm này, TS chưa phải trúng tuyển. TS sẽ bị mất quyền trúng tuyển nếu không đăng ký lại nguyện vọng của mình tại cổng tuyển sinh của Bộ GD-ĐT (ngoại trừ phương thức tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ đã xác nhận nhập học sớm)”.
Lời khuyên cho TS thời điểm này, ông Thắng cho rằng: “TS thuộc trường hợp dự kiến trúng tuyển và quyết định dùng kết quả này thì vào cổng tuyển sinh của Bộ để đăng ký lại. Nếu đã quyết định chọn kết quả này để nhập học thì chỉ cần đăng ký 1 nguyện vọng duy nhất. Nếu xem đây là phương án dự phòng, thì có thể đặt nguyện vọng này xuống cuối cùng trong danh sách nguyện vọng tại cổng tuyển sinh của Bộ GD-ĐT”. Ông Thắng cũng lưu ý thêm: “Trường hợp TS chưa đủ điểm trúng tuyển các trường công bố, cũng tiếp tục đăng ký nguyện vọng tại cổng tuyển sinh của Bộ theo các phương thức có dùng điểm thi tốt nghiệp THPT”.
Tiến sĩ Vũ Quốc Huy, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Việt Đức, cũng lưu ý: “TS đạt mức điểm chuẩn 2 phương thức riêng của trường, cần thêm điều kiện tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển trên hệ thống chung của Bộ để được công nhận trúng tuyển chính thức”.
Nhắn nhủ tới TS, thạc sĩ Trần Vũ nói thêm: “Quy định tuyển sinh năm nay rất khác so với các năm trước, mặc dù TS đã đủ điều kiện trúng tuyển nhưng vẫn cần một bước cuối cùng đó là đặt nguyện vọng 1 trên hệ thống của Bộ. Bước này rất quan trọng để TS có được “tấm vé” chính thức trúng tuyển vào trường. TS cần đặc biệt lưu ý bước này để không bị vuột mất cơ hội đáng tiếc”.
Bình luận (0)